(VietNamNet) – Lâu nay các doanh nghiệp "ngại" bắt tay với trường cùng đào tạo nhân lực do chưa có ưu đãi hợp lý. Nếu tạo cơ chế mở, trao thêm quyền tự chủ cho các trường, đồng thời ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư đào tạo con người (động cơ mạnh) và giám sát chặt chẽ (phanh ăn) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đào tạo nhân lực theo nhu cầu doanh nghiệp.
Đó là nhận định của các đại biểu tham gia hội thảo "Đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của doanh nghiệp" diễn ra sáng 10/11 tại Hà Nội.
Cần nhân lực "may đo" chứ không phải "may sẵn"
Mở đầu hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã khẳng định: "Các trường phải dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, tạo các mối liên kết ngang dọc, trên dưới, thường xuyên rà soát chương trình cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, phải thành lập Hội đồng trường gồm cả đại diện là doanh nghiệp. Đặc biệt phải điều tra dữ liệu thông tin SV sau khi tốt nghiệp để biết hiệu quả đào tạo."
Tại hội thảo sáng nay, 38 văn bản thỏa thuận hợp tác giữa 10 trường ĐH, 2 trường CĐ và 2 trung tâm khu vực phía Bắc với 33 doanh nghiệp đã được ký kết. Ảnh: Lan Hương
TS. Lê Đăng Doanh cũng đồng tình rằng chúng ta đang thả nổi khâu quản lý đầu ra, không biết được bao nhiêu SV ra trường có việc làm, ngành nghề nào dễ kiếm việc nhất.
Theo ông Doanh, sống trong thế giới rất năng động nên phải biết phân tích và dự báo thông tin, từ đó định hướng đào tạo phù hợp.
TS Doanh đưa ra dẫn chứng về sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đẩy "giá" của nhân viên chứng khoán tăng cao. Đầu năm 2006, chỉ cần 4-5 triệu đã có thể có 1 nhân viên chứng khoán nhưng hiện nay nếu trả lương 7 triệu thì anh ta sẽ đi nơi khác.
Ông Doanh cũng cho biết theo báo cáo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vừa công bố hôm 8/11, chỉ tiêu đào tạo của các tỉnh đều giảm sút. Nguyên nhân là do kinh tế dân doanh tăng trưởng mạnh, đầu tư tới 34%/năm trong khi giáo dục chỉ tăng có 8%/năm. Các doanh nghiệp tư nhân cảm thấy bức xúc vì họ cần nhân lực nhưng không có.
"Chúng ta nói nhiều về doanh nghiệp nước ngoài nhưng chính đầu tư dân doanh tạo ra 90% việc làm. Đã đến lúc phải đánh giá đúng mức rằng để tạo nhiều công ăn việc làm thì giáo dục đào tạo phải hướng nhiều hơn nữa vào kinh tế dân doanh. Họ cần những lao động "may đo" theo đúng yêu cầu của họ." - TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Ông Doanh chia sẻ thêm rằng nếu tiếp xúc với doanh nghiệp nước ngoài, sẽ được nghe 1 bài "ca" về chất lượng lao động của ta. Họ "ca" rằng lao động của ta kỷ luật rất kém, thường xuyên đi không đúng giờ, hay nói chuyện, chỗ nào cũng vứt rác, hay ăn cắp vặt, dễ đánh nhau... Ngoài việc đào tạo trình độ, các trường phải chú trọng đào tạo năng lực hợp tác và chung sống trong 1 cộng đồng.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho biết theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, khoảng 50% doanh nghiệp may mặc, hóa chất đánh giá lao động được đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của mình. Khoảng 60% lao động trẻ tốt nghiệp từ các trường dạy nghề và cao đẳng cần đào tạo lại ngay sau khi được tuyển dụng. 1 số doanh nghiệp phần mềm cần đào tạo lại ít nhất 1 năm cho khoảng 80-90% SV vừa được tuyển dụng.
ĐH cần được tự chủ
Để đẩy nhanh quá trình đào tạo theo nhu cầu xã hội, theo TS. Lê Đăng Doanh, chúng ta phải có "động cơ thật mạnh và phanh thật ăn", có nghĩa là trao nhiều quyền tự chủ cho các trường nhưng tăng cường giám sát hiệu quả. Ngoài giám sát từ Bộ GD-ĐT, các trường, các viện nghiên cứu có thể giám sát chéo lẫn nhau.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "Phải thiết kế 1 nhóm giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. 1 số ngành công nghiệp mới tăng trưởng tới 20-30% mỗi năm nên đầu tư ngân sách giáo dục không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển."
Ông Nhân cũng cho biết Chính phủ sẽ thảo luận về ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu. Chi phí đào tạo nghề có thể được tính vào chi phí sản xuất. Đồng thời, sẽ xem xét một số ưu đãi nếu doanh nghiệp đầu tư vào trường hoặc doanh nghiệp cũng có thể nộp tiền vào 1 quỹ đào tạo và việc sử dụng nhân lực sau đào tạo là do doanh nghiệp và trường quyết định.
Thời gian tới sẽ xây dựng những trung tâm dự báo và hỗ trợ đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực. Đây là các đơn vị "khám chữa bệnh" của ngành giáo dục.
Doanh nghiệp sẽ góp 2 - 3% chi phí sản xuất
Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Bành Tiến Long khẳng định: "Chúng ta đang khởi đầu chương trình quốc gia 3 năm đào tạo theo nhu cầu xã hội mà trong đó, quan hệ nhà trường - doanh nghiệp là yếu tố quyết định."
Trước tháng 9/2008, sẽ có cơ chế chuyên biệt quy định mức học phí cho các ngành nghề đào tạo gắn với doanh nghiệp, tạo động lực thắt chặt mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường. Tổ chức họp với 1 số tập đoàn lớn.
Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất Chính phủ dành ra 2-3% chi phí sản xuất để doanh nghiệp góp vốn đào tạo nghề. Đồng tình với giải pháp này, đại diện tập đoàn Ned Deck Marine (Hà Lan) cho biết, nếu họ mang sản phẩm từ Hà Lan sang VN thì giá thành rất cao, vì thế rất muốn kết hợp với ĐH Nha Trang để đào tạo nhân lực nhằm giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao.
Đến 2008, sẽ xong dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ.
Về phía các trường, Thứ trưởng nhấn mạnh năm 2008 sẽ có 30-40% ĐH, CĐ đào tạo theo tín chỉ nên trường phải rà soát chương trình học gắn với doanh nghiệp, dự báo ngành nghề đào tạo và báo cho trung tâm dự báo quốc gia. Đồng thời tập trung quảng bá hình ảnh với các doanh nghiệp và tăng cường đào tạo ngắn hạn để cấp tín chỉ.
Với các doanh nghiệp, nên có thông tin phản hồi về các cơ sở đào tạo về chất lượng và nhu cầu nhân lực, hỗ trợ tài chính cho các trường với chi phí khoảng 2-3% chi phí sản xuất. Doanh nghiệp cần tham gia quá trình đào tạo, tiếp nhận SV thực tập, tham gia hội đồng trường, thành lập các trường đào tạo nghề trong doanh nghiệp.
Tại hội thảo sáng nay, 38 văn bản thỏa thuận hợp tác giữa 10 trường ĐH, 2 trường CĐ và 2 trung tâm khu vực phía Bắc với 33 doanh nghiệp đã được ký kết.
-
Lan Hương