(VietNamNet) - Sinh viên năm cuối đứng ở điểm giao giữa 2 mảng việc quan trọng: học tập và công việc tương lai. Hối hả, lo lắng, cố gắng, rệu rã, vội vã trả nốt những “món nợ” hay hào hứng chuẩn bị cho những bước đi tương lai… tạo nên một bức tranh sinh động về nỗi niềm của họ.
Học: Tăng tốc
SV năm cuối, chuẩn bị kết thúc quãng đời ít nhiều vô tư để hào hứng vào đời. Ảnh: LAD |
Năm cuối, những gì còn lại của chương trình học đều dồn nén vào giai đoạn này, cảm giác căng thẳng do việc học là khó tránh khỏi.
Là SV Khoa Hoá ĐH Sư phạm HN nên thời gian phải đi thí nghiệm của Hoà tương đối lớn, đặc biệt là năm cuối. Hoà cho biết: “Các môn khác bọn mình vẫn phải lên lớp bình thường, nhưng phòng thí nghiệm trống, lúc nào không trùng lịch học các môn khác là bọn mình đều lên học”.
Với các ngành học liên quan nhiều đến thực tế thì ngoài thời gian học trên lớp, SV phải tự thực hành nhiều.
SV lớp báo mạng điện tử K24, Học viện Báo chí Tuyên truyền liên tục có lịch đi thực tế. Khi học môn “Tổ chức diễn đàn trên báo mạng điện tử” thì SV trong lớp được giới thiệu về các toà soạn báo điện tử nhằm tìm hiểu công việc, cách làm việc thực tế của họ.
Trong khi đó, môn “Phỏng vấn” đòi hỏi đồng thời cho phép SV xâm nhập thực tế và thể hiện sáng tạo: Liên hệ, thực hiện những cuộc phỏng vấn, tự chỉnh sửa “tác phẩm” của mình.
“Học thế này tuy hơi vất vả nhưng rất hiệu quả. Ra trường, bọn mình cũng luôn phải dùng đến kĩ năng này” là nhận xét chung của lớp sau khi kết thúc môn học.
Không cần đợi sự nhắc nhở của thầy cô như những năm học trước, Xuân Khanh - SV ĐH Công nghiệp HN - chịu khó đến lớp hơn hẳn. Lịch học tập, thi cử, Khanh rất chú ý theo dõi vì “năm cuối rồi, dù thế nào thì mình cũng phải ra trường đúng thời hạn. Nếu không đi học đầy đủ, theo dõi lịch học, lịch thi mà để thi lại, học lại thì dở".
Không chỉ tăng tốc trên giảng đường, ngoài giảng đường, không khí học tập của SV cũng được đẩy nhanh không kém. Tất cả nhằm trang bị những kiến thức cần thiết trong công việc.
Bích Hợp, SV năm cuối ĐH Luật HN đã đi học thêm tiếng Anh và tin học ngay từ khi mới bước vào đầu năm học. Hợp quan niệm: “Bọn mình thiếu gì thì thiếu nhưng thiếu tiếng Anh và tin học thì coi như cơ hội xin việc là không còn. Mình cố gắng đi học, dù muộn vẫn còn hơn không”.
Còn Thuý - SV năm cuối Khoa Hành chính công, Học viện Hành chính Quốc gia - lại tăng cường bổ sung kĩ năng giao tiếp, học các kiểu nhảy vì theo Thuý thì: “Mình ra trường, rồi đi làm thì mọi thứ đều quan trọng. Biết trước rồi mình sẽ chủ động được nhiều hoàn cảnh”.
Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận SV năm cuối ngày càng rệu rã. Càng về năm cuối, sức học giảm sút, không quan tâm tới bài vở, nghỉ học liên miên. Sơn – SV ĐHXD HN – còn nợ bao nhiêu tín chỉ. Nhưng cậu “mặc kệ, đến đâu thì đến. Nếu có học thêm một năm nữa cũng… đâu có sao? SV mà học lại, lưu ban thì đâu có gì là lạ?!”.
Tìm việc: Áp lực
Đứng giữa ranh giới của việc được trợ cấp hàng tháng với việc sẽ phải tự lập, tự lo cho tương lai, nghề nghiệp, công việc của mình, nhiều SV cảm thấy bị áp lực khi nghĩ đến chuyện tìm kiếm việc làm. Nhất là trong bối cảnh kiến thức mấy năm học trên giảng đường đều được cho là không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Khi được hỏi sẽ tìm việc ở đâu, Thu Thuỷ - SV Khoa Bảo tàng, ĐH Văn hoá Hà Nội bi quan: “Mình còn chưa biết sẽ thực tập ở đâu chứ nói gì đến chỗ làm. Năm ngoái đi thực tập được một thời gian nhưng không để lại dấu ấn gì nên năm nay, muốn về thực tập hoặc xin việc cũng khó”.
Bàng quan, lo lắng, áp lực là tâm lí chung của SV năm cuối khi nói đến vấn đề việc làm. Đặc biệt là khi SV không nhận được bất kì một định hướng nào từ phía nhà trường thì vấn đề tìm việc lại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Thu Hằng, SV Khoa Kế toán, Cao đẳng Du lịch HN bày tỏ: “Mình cứ lo ra trường xong xuôi đã, công việc sẽ tính sau vì mình cũng chưa biết chỗ nào để xin vào”. Nguyễn Văn Quân, ĐH Thương mại HN cho biết: "Mình chỉ hi vọng kiếm được một chỗ làm đúng chuyên ngành. Nếu không đúng chuyên ngành thì coi như đó là cơ hội để mình học hỏi thêm”.
Ra trường, nhiều SV tự biết rằng phía trước có nhiều khó khăn đang chờ mình. Như Nguyễn Thu Hương, SV ĐH Văn hoá HN luôn tự xác định “mình sẽ mất khoảng 1, 2 năm “long đong”, sau đó may ra mới có thể ổn định được công việc. Mình lo lắm. Cứ xác định thế trước để không bị “sốc” khi ra trường mà chẳng may bị thất nghiệp”.
Còn Thu Hiền, SV Khoa Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, Học viện Báo chí Tuyên truyền thì nghĩ : “Mình sẽ kiếm tạm một việc gì đó để làm sau khi ra trường. Ngành của mình khó xin việc. Mình sẽ vừa làm thêm vừa tìm việc đúng chuyên môn được học trong trường, hoặc một công việc khác không liên quan nhưng ổn định”.
Hầu hết, giải pháp mà SV năm cuối đưa ra khi đứng trước cơ hội quá nhỏ hẹp để được đi làm là học tiếp. Nguyễn Thuý Hạnh, SV Khoa tiếng Nga, ĐHQG Hà Nội sau khi kết thúc bốn năm học đã tiếp tục học văn bằng hai, ngành kinh tế.
Hạnh cho biết: “Ngành tiếng Nga của mình không phổ biến nên sẽ khó kiếm việc làm. Mình sẽ học tiếp về kinh tế, rồi sau khi có hai bằng, mình sẽ đi xin việc luôn thể”. Còn Nguyễn Nhung, SV khoa Tâm lí, ĐH KHXH&NV HN cho biết: “Mình sẽ học tiếp lên cao học. Nếu chỉ có tấm bằng cử nhân trong ngành tâm lí mà đi xin việc thì khó lắm”.
Trả… nợ!
SV năm cuối đồng nghĩa với nhiều lo âu hơn: về việc học, về tương lai... |
SV năm cuối, đồng nghĩa với việc phải “trả” nốt những “món nợ” trước khi ra trường, đó có khi chỉ là cuốn sách mượn thư viện chưa kịp trả. Nhiều người không cẩn thận làm mất sách thư viện thì đang sốt sắng tìm sách mua trả, hoặc lo tiền “đền bù” thiệt hại cho thư viện.
Món nợ đó không đáng lo bằng món nợ môn học. “Năm cuối rồi, các anh chị mà còn để nợ môn thì đừng mong ra trường đúng hạn”, một cô giáo chủ nhiệm lên tiếng nhắc nhở SV của mình.
Cũng vì tâm lí sợ không được ra trường đúng hạn như thế mà nhiều SV đang nợ môn học lo lắng xin học lại sao cho gọn trong năm cuối.
Nguyễn Văn Ngọc đã là SV năm cuối ĐHBK HN mà số môn học còn nợ thì vẫn chất chồng. Chưa bao giờ thấy Ngọc lo “trả nợ” như đợt này. Đơn xin học lại, đơn xin thi lại cứ rải khắp bàn học của Ngọc. Bạn bè thấy cậu chạy lên chạy xuống, từ biệt Game Online thấy ngạc nhiên vì thay đổi này. “Tớ phải trả nợ môn học đã, không thì cứ “được” ở thêm trong trường vài năm nữa”.
Còn những SV không nợ môn học cũng tỏ ra thận trọng không kém. “Kì sau đi thực tập rồi, kì này mình phải cẩn thận. Nếu để thi lại, rồi học lại thì mất nhiều thời gian lắm. Mà nếu chẳng may phải học lại thì… thôi rồi! Phải đợi đến khi nào có lớp học môn này mới được học cùng thì mình đã ra trường sau bạn bè ít nhất một năm. Đó là chưa kể đến nếu mình học lại vẫn… không qua thì không biết bao giờ mới lấy nổi bằng?”, Vũ Dương - SV ĐH Công đoàn HN tâm sự.
Những món nợ tiền bạc mới thực sự làm các cử nhân tương lai phải “đau đầu”, nhưng hầu hết là rơi vào các SV nam. Lý do phổ biến nhất là “dính” vào lô, đề, cờ bạc. Hồ Dũng, SV ĐH Kiến trúc đem cả máy tính, điện thoại đi cầm đồ nhưng vẫn không gỡ gạc được gì. Dũng đành vay mượn bạn bè. Dù chưa hết năm học, nhưng Dũng đã bắt đầu phải lo trả nợ: “Nợ bạn bè thì còn có thể khất được. Nhưng nợ mấy “cô hàng nước” thì mình phải lo cho gọn”. Thì ra, Dũng là “khách đề” quen của mấy cô bán nước gần nhà.
Dũng cho biết, không chỉ cậu mà bạn bè học ở các trường khác của Dũng cũng khó tránh khỏi tình cảnh “khốn đốn” này. Nhiều người đã phải cầu cứu cha mẹ để việc ra trường được suôn sẻ.
Bạn Dũng học ĐH TDTT Từ Sơn, đánh lô đề nhiều nợ đến vài chục triệu. Sợ không được thi tốt nghiệp nếu “chủ nợ” tố cáo với nhà trường nên cậu bạn của Dũng “muối mặt” nhờ bố mẹ. Dù có xót xa nhưng bố mẹ vẫn lo tiền trả nợ cho con, vì học tập và tương lai của con là quan trọng nhất.
-
Cẩm Quyên