221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1001024
Thông tin giới tính tuổi teen: Thiếu nghiêm túc, thừa cảnh "nóng"
1
Article
null
Thông tin giới tính tuổi teen: Thiếu nghiêm túc, thừa cảnh 'nóng'
,

(VietNamNet) - "Tại sao sau 4, 5 tiếng, băng vệ sinh lại có mùi?", "3 tháng mới có kinh nguyệt 1 lần liệu có vấn đề gì không?", "Làm thế nào để làm vừa lòng các bạn?"… Những thắc mắc về sự phát triển cơ thể cũng như các mối quan hệ tình cảm xung quanh đã được các nữ sinh trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội) mạnh dạn đặt ra trong chương trình Giáo dục giới tính tuổi dậy thì do Kotex Style tài trợ diễn ra chiều 1/11.

 

Hào hứng học qua phim hoạt hình

 

Bác sĩ trong "vòng vây" của các nữ sinh cần tư vấn. Ảnh: Lan Hương
Ngay từ đầu chương trình, các em nữ sinh đã bị cuốn hút bởi 1 đoạn phim hoạt hình ngắn có tựa đề “To love or not to love” (Yêu hay không yêu?). Sự phát triển sinh lý, tâm lý của 1 cô gái nhỏ được hoạt hình hoá rất ngộ nghĩnh, đáng yêu, rõ ràng nhưng vẫn tế nhị.

 

Có lẽ, mỗi nữ sinh đều tìm thấy câu chuyện của chính mình trong chuyện của cô bé đó. Ban đầu là bất ngờ về những khác biệt về cơ thể như ngực nhú cao, mông nở rộng, khuôn mặt nữ tính hơn và sau đó là những chuyển biến trong tâm lý khi mơ mộng tới 1 anh chàng đẹp trai. Rồi đến khi được bạn trai mời đi chơi thì tràn trề hạnh phúc nhưng không ngờ trong rạp chiếu phim, anh chàng đó lại giở trò “sò mó” xấu xa.

 

Những tiếng “ồ, à” vừa ngạc nhiên, vừa thích thú, lại thêm chút xấu hổ của học sinh khi xem đoạn phim cho thấy rõ sự hào hứng của các em. Có lẽ lần đầu tiên, các em được học về cơ thể mình, về tâm lý của mình 1 cách tự nhiên và tế nhị như thế.

 

Trần Thị Khánh Ly, HS lớp 7, Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: “Thông qua đoạn phim thú vị này, em nhận thấy rằng phải tăng cường vệ sinh cá nhân hơn nữa để không bị bệnh và phải duy trì tình bạn trong sáng với các bạn trai. Em nghĩ rằng sau khi thi ĐH mới nên có người yêu".

 

Sau khi nghe bác sỹ Đỗ Trương Thị Lan, giảng viên ĐH Y Hà Nội giới thiệu sơ qua về những vấn đề tâm, sinh lý tuổi dậy thì, các nữ sinh bắt đầu bày tỏ thắc mắc để bác sỹ tư vấn. Ban đầu, chỉ lác đác vài cánh tay rụt rè giơ lên, nhưng càng về sau, cả 1 rừng cánh tay hào hứng vẫy cao, có em còn đứng hẳn lên để được gọi.

 

Một vài em vẫn còn bẽn lẽn thì viết giấy gửi lên để bác sỹ tư vấn riêng sau buổi học.

 

Bác sỹ cẩn thận giải thích rằng máu kinh nguyệt là sạch nhưng sau khi tiếp xúc với môi trường thì dễ bị nhiễm khuẩn và có mùi khó chịu, vì thế các em phải thay băng vệ sinh 4 tiếng 1 lần. Bác sỹ cũng khẳng định việc vài tháng mới có kinh 1 lần là chuyện bình thường, sau 2, 3 năm sẽ dần ổn định.

 

Với thắc mắc về những khó chịu, mệt mỏi trước và trong thời kỳ kinh nguyệt, bác sỹ động viên các em trong những ngày này, các em hoàn toàn có thể sinh hoạt bình thường, trừ các hoạt động quá mạnh.

 

Nhà trường đi chậm 1 bước

 

Bác sỹ Đỗ Trương Thị Lan cho biết: “Những câu hỏi của các em HS lớp 6, lớp 7 thường rất ngây thơ và chủ yếu là thắc mắc xoay quanh kinh nguyệt và vệ sinh cơ thể. Nhưng HS lớp 8, lớp 9 thì bắt đầu có các vấn đề tâm lý cần chia sẻ. Có 1 em HS lớp 9 tìm đến tôi và hỏi rằng: Nếu em yêu người bằng tuổi bố hoặc anh trai em thì có được không? Với những câu hỏi đó, rất cần thiết có sự định hướng tư tưởng đúng đắn cho các em".

 

Những cánh tay hào hứng giơ lên xin bác sĩ tư vấn. Ảnh: Lan Hương
Những cánh tay hào hứng giơ lên xin bác sĩ tư vấn. Ảnh: Lan Hương
Về tác dụng của giáo dục giới tính trong nhà trường, bác sỹ Lan cho rằng sự sắp xếp chương trình học của chúng ta chưa hợp lý. Thực tế hiện nay nhiều em dậy thì từ lớp 6, lớp 7 trong khi lên lớp 9 mới được học về cấu tạo cơ thể người trong 1 vài tiết ngắn ngủi của môn Sinh học. Như vậy, nhà trường luôn đi chậm 1 bước sau sự phát triển của HS.

 

Em Nguyễn Hoàng Yến, HS lớp 7B Trường THCS Lê Quý Đôn chia sẻ: “Có thắc mắc gì về cơ thể, em cũng đều hỏi mẹ vì mẹ hiểu em nhất. Em còn nhớ lần đầu tiên có kinh nguyệt, em đã sợ hãi vô cùng. Rất may, trước đó mẹ đã nói cho em biết em sẽ bị như thế nên em báo với mẹ ngay".

 

Yến cũng cho biết rằng thỉnh thoảng cô giáo dạy Giáo dục công dân cũng nhắc nhở “các bạn nữ phải ý tứ, các bạn nam đừng quá tò mò” nhưng đa phần, gặp phải các vấn đề tâm, sinh lý, HS đều trao đổi với bạn bè chứ không chia sẻ với thầy cô.

 

Cô Nguyễn Thị Minh Châu, giáo viên chủ nhiệm lớp 7H, Trường THCS Lê Quý Đôn nhận xét: “Thông tin về giới tính của ta vừa thiếu lại vừa thừa. Thiếu những buổi học và tư vấn nghiêm túc như hôm nay nhưng thừa những cảnh “nóng” trên phim ảnh".

 

Theo cô Châu thì với xã hội thông tin mở hiện nay, HS được tiếp xúc với quá nhiều luồng thông tin, kích thích trí tò mò của các em, đặc biệt là những cảnh “nóng” được chiếu thoải mái trên phim truyền hình. Đài truyền hình nên chiếu những phim đó vào giờ rất khuya và cảnh báo trước “không dành cho trẻ em dưới 16 tuổi” để phụ huynh có thể kiểm soát được. 

 

Thực tế hiện nay, HS vừa háo hức muốn tìm hiểu những thông tin về giới tính tuổi dậy thì, nhưng cũng còn khá bẽn lẽn. Khánh Ly, HS lớp 7 cho biết nếu phải học chung với các bạn trai về vấn đề này thì rất ngại.

 

Thậm chí, ngay trước buổi học giới tính tại Trường THCS Lê Quý Đôn, 1 cô giáo đã phải xuống “xin phép” cho vài em nữ vắng mặt vì… xấu hổ dù lớp học toàn nữ sinh!

  • Lan Hương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,