221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
998282
Đào tạo theo nhu cầu: Bỏ "quota", "xiết" đầu ra
1
Article
null
Đào tạo theo nhu cầu: Bỏ 'quota', 'xiết' đầu ra
,

(VietNamNet) - Nên thay đổi quan điểm từ quản lý theo định hướng "đầu vào" bằng quản "đầu ra". Nhà nước không nên cấp "quota" chỉ tiêu hàng năm nữa, mà cần giao quyền tự chủ cho các trường. Khi nhận biết nhu cầu, trường phải có kế hoạch đào tạo để đáp ứng.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Lan Hương cho biết như vậy về câu chuyện thời sự "đào tạo theo nhu cầu" đang được ngành giáo dục xới xáo lên gần đây.

Để cung - cầu gặp nhau

Bà Nguyễn Thị Lan Hương: "Các trường ĐH nên có "kênh" thông tin riêng về việc làm của SVsau tốt nghiệp". Ảnh: K.O
- Nhiều ý kiến cho rằng, đặt vấn đề đào tạo theo nhu cầu thời điểm này đã chậm nhiều so với các nước. Bà nhìn nhận vấn đề này ra sao?

- Hệ thống giáo dục (GD) đào tạo của Việt Nam lâu nay đi theo ngành dọc. Được nhà nước bao cấp từ kinh phí, giao chỉ tiêu..., các trường cứ thế mà đào tạo. Đơn vị sử dụng lao động chủ yếu là các doanh nghiệp (DN) nhà nước, các đơn vị nhà nước.

Khi chuyển sang kinh tế thị trường, đòi hỏi cao hơn, cho nên, việc đào tạo cũng cần phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu. Mục tiêu phải hướng đến đào tạo con người phát triển toàn diện.

Do vậy, cần có chính sách đào tạo để "cung" và "cầu" gặp nhau.

- Theo bà, chính sách đào tạo nào có thể gắn "cung" - "cầu" để không lãng phí?

Trong kinh tế thị trường, nhu cầu nhận biết là từ "tín hiệu thị trường". Tiền lương ở một ngành nghề, một công việc, một chức danh nào đó mà tăng có nghĩa là nhu cầu của thị trường tăng. Nhìn vào mức lương, có thể biết được trạng thái cân bằng của "cung - cầu".

Tất nhiên, "tín hiệu thị trường" có rất nhiều thứ để bàn và không làm ngay được.

- Như vậy, điều kiện cần để các trường ĐH, CĐ đáp ứng "đào tạo theo nhu cầu" là gì khi "tín hiệu thị trường" khó và không thể làm ngay?

Muốn nhận biết nhu cầu không hẳn những dự báo đã đủ thông tin vì nền kinh tế thị trường là nền kinh tế rất "động".

3 chỉ tiêu quan trọng giúp nhận biết nhu cầu là "tín hiệu về tiền lương, tín hiệu về việc làm còn trống và tín hiệu SV ra trường có việc làm". Trong dự án "Về giáo dục kỹ thuật dạy nghề" do ADB tài trợ, có thiết kế 2 chương trình lớn gồm điều tra DN để nhận biết nhu cầu của người chủ sử dụng lao động và điều tra sinh viên (SV) tốt nghiệp.

Khi điều tra SV tốt nghiệp thì có những tiêu thức như: thời gian có việc làm đầu tiên, kênh có được việc, mức lương khởi điểm, chuyển đổi việc làm trong thị trường thế nào? - là những thông tin để có thể đánh giá nhu cầu đào tạo.

Nếu so sánh các "mẻ" SV tốt nghiệp từng năm từ thị trường lao động sẽ biết được nhu cầu chỗ nào tăng, chỗ nào giảm.

Bỏ giao "quota", xiết "đầu ra"

- Theo khảo sát, tính biến động trong nhu cầu việc làm và khả năng thích ứng qua các năm như thế nào?

Cách đây 2 năm, những ngành nghề thị trường thiếu là nghề kỹ thuật bậc trung như: thợ vận hành máy, thợ sửa chữa... Kết quả khảo sát cho thấy, SV Việt Nam học vận hành rất nhanh nhưng có chuyện đòi hỏi đi sâu vào sửa chữa thì khó.

So sánh tỷ lệ tiền lương giữa các trình độ ĐH, trung cấp, dạy nghề thì thấy mức lương của ĐH tăng rất nhanh; trong khi mức lương của nghề chậm hơn 1 chút; còn mức lương hệ trung cấp kỹ thuật tăng chậm...

- Theo bà, làm sao để điều tiết đào tạo ứng nhu cầu, tránh tình trạng đổ xô vào những ngành lương cao và khát nhân lực ở những ngành lao động kỹ thuật?

Khi so sánh các khu vực thì nhận thấy thực tế: cùng một trình độ đào tạo ĐH như nhau nhưng làm việc trong DN đầu tư nước ngoài thì có tỷ lệ hoàn trả cao. Tức là hiệu quả sử dụng lao động của khu vực đó tốt hơn.

Và cùng một trình độ như nhau nhưng nếu làm ở thành thị thì mức lương cao hơn ở nông thôn. Điều đó cho thấy, di dân ở nông thôn ra thành thị là đương nhiên.

Thực tế, các ngành dịch vụ như địa ốc, tài chính, ngân hàng, y tế, sức khỏe cộng đồng... thì tỷ lệ hoàn trả tăng rất nhanh nên nhu cầu của ngành đó cao. Còn lao động trong các ngành nông nghiệp lương thấp và tỷ lệ hoàn trả rất thấp. Nếu ngành nông nghiệp không có những đột biến về năng suất lao động... thì rất khó thu hút lao động.

Nhiệm vụ của giáo dục - đào tạo là phải cung cấp nguồn nhân lực đảm bảo. Khi đặt vấn đề đào tạo theo nhu cầu thị trường đa dạng thì hệ thống GD phải linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nghề của người học. Nhưng, chỉ tiêu về số việc làm bình quân/đầu người ở nước ta không có nên việc chuyển dịch việc làm rất thấp. Ở Mỹ, họ tính được là trung bình 1 người chuyển 10 công việc làm trong quãng đời lao động...

- Sự linh hoạt, theo bà là phải chuyển đổi như thế nào?

Trong quản lý GD, nên thay đổi quan điểm từ quản lý theo định hướng "đầu vào" bằng quản "đầu ra". Nhà nước không nên cấp "quota" chỉ tiêu hàng năm nữa, mà nên để các trường tự chủ như 1 DN. Khi nhận biết nhu cầu đào tạo, trường phải có kế hoạch đào tạo để đáp ứng nhu cầu. Như vậy trường sẽ được chủ động hơn...

Khâu đánh giá chất lượng đào tạo cũng nên để ở cấp trường, chứ không phải Bộ GD-ĐT. Chuẩn đào tạo nên để từng trường khẳng định theo các tiêu chí riêng... Như vậy, sẽ gắn trách nhiệm của trường hơn với sản phẩm đào tạo, không chỉ trong trường mà cả khi đang làm việc.

GD đào tạo nên tiến tới xóa bỏ bao cấp đến đơn vị, mà nên bao cấp đến đối tượng học. Có nghĩa, những SV học giỏi nhà nước cấp học bổng trực tiếp. Chứ VN hiện phân bổ tài chính theo trường, tức là đến đơn vị cung chứ chưa phải đến người sử dụng.

Thành lập hội đồng dự báo nhân lực

- Đã có nhiều cuộc điều tra khảo sát để chuyển từ đào tạo "hướng cung" sang "hướng cầu". Sao không được nhân rộng để rồi đến nay mới đặt vấn đề có một cơ quan dự báo từ đầu?

Cá nhân tôi thấy các cách làm chưa hiệu quả. Qua một số khảo sát, muốn đào tạo đáp ứng nhu cầu DN, nhu cầu xã hội thì phải thay đổi cơ chế về quản lý GD. Đồng thời, phải có 1 hệ thống thông tin về thị trường lao động. Những "tín hiệu" từ thị trường lao động từ trước đến nay quen nghĩ đó là việc của nhà nước. Nhưng giờ các trường muốn hoàn thiện mình thì bản thân từng trường phải theo dõi SV, cung cấp thông tin...

Khi muốn nối "cung-cầu" thì phải dùng những thông tin từ phía SV để tư vấn nhà hoạch định chính sách thông tin về thị trường lao động đối với SV và nhu cầu đào tạo của DN.

 - Để có một chính sách tổng thể, thì cần làm tốt khâu dự báo nhu cầu xã hội, nhưng hiện nay khâu này của chúng ta vẫn bỏ ngỏ...

Chúng ta hoàn toàn có thể làm được khâu dự báo, vận dụng kết hợp 2 phương pháp: truyền thống là dựa vào tổng nhu cầu "cung" và xem phân bố nhu cầu thị trường lao động hiện tại để dự đoán trong tương lai của các ngành/nghề.

Về mặt lý thuyết, dự báo này có thể chuẩn trong thời gian dài, thậm chí đến 10 năm, kết hợp xen kẽ những phương pháp mới như tín hiệu thị trường để có những dự báo ngắn hạn và trung hạn.

Một số nước đã thành lập Hội đồng phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Hội đồng có nhiệm vụ kết nối chính sách, định hướng phát triển ngành nghề...

Hội đồng phải gồm các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư và các cơ quan khoa học như các Viện Nghiên cứu...để làm chức năng dự báo. Ngoài ra, còn có cộng đồng DN để biết và đánh giá được hiệu quả đào tạo.

Hội đồng có vai trò như một cơ quan tư vấn. Nhưng các trường không nên chỉ dựa vào dự báo đó làm kênh duy nhất cho thông tin "đầu vào". Họ phải có "kênh" thông tin riêng của mình.

- Cảm ơn bà!

  • Kiều Oanh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,