(VietNamNet) - Khái niệm “nhu cầu xã hội” rất mông lung. Đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm “đào tạo không đạt chuẩn” với “chuẩn đào tạo của một trường ĐH”. Bộ máy Nhà nước chưa "chuẩn" trong thực hiện chính sách đào tạo...
Đây là những ý kiến đáng chú ý được nêu ra tại hội thảo về cuộc vận động hai không “nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 29/10.. Gần 400 đại biểu của 175 trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp tại phía Nam tham dự.
"Chuẩn" theo nhu cầu xã hội: Mông lung!
Đưa sinh viên đến với doanh nghiệp |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến các trường cho rằng trong cuộc vận động “2 không”, khi Bộ đưa ra những tiêu chí để xác định các chuẩn trên chưa thật rõ ràng.
Ông Trương Chí Hiền - Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) nêu: Khi triển khai “hai không” chúng ta thấy hồ hởi, nhưng để đánh giá lại một cách cụ thể thì cần phải có thời gian. Bộ có nên hình thành 5 tiêu chí để đánh giá các trường hay không, trong khi chúng ta đã có 10 tiêu chuẩn và 53 tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo để làm chuẩn cho các trường?”.
Cũng theo ông Hiền, khái niệm “nhu cầu xã hội” rất mông lung. Bài toán đa mục tiêu này giải rất khó.
Ông Hiền nêu thực tế, khi SV của trường tốt nghiệp ra đi làm, có các công ty nhận xét “về chuyên môn thì không nói đến, nhưng về đào tạo chất lượng như vậy thì được rồi”. Trong khi đó, các công ty khác thì lại muốn SV ra trường làm được việc ngay. Vậy bây, giờ phải theo chuẩn nào?
Cũng băn khoăn đến “đào tạo không đạt chuẩn”, ông Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trình bày: “Tôi có cảm giác chúng ta đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm “đào tạo không đạt chuẩn” với “chuẩn đào tạo của một trường ĐH”. Hai khái niệm này không đồng nhất. “Chuẩn” của trường ĐH là về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, giáo viên… Còn “chuẩn” theo nhu cầu của xã hội (của doanh nghiệp, của Nhà nước, của người học) là một chuyện khác biệt. Ở các nước ngoài “chuẩn” đáp ứng nhu cầu người học khác xa “chuẩn” đào tạo nhân tài…
Từ những khái quát trên, ông Thái Bá Cần nhấn mạnh việc “chuẩn” của xã hội, theo nhu cầu doanh nghiệp, có những ngành nghề đào tạo nào mà xã hội cần thì xã hội phải làm rõ. Vấn đề ở đây phải có sự hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, ai đặt hàng lao động.Nếu lỡ các trường mở ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội nhưng không ai đầu tư tiền vào thì…kẹt!
Bằng cấp tiến sĩ cũng cần phải có “chuẩn”!
Các đại biểu cũng đã tập trung nêu bức xúc và tranh luận về đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ do Bộ GD-ĐT thực hiện.
Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Marketing TP.HCM nêu: “Hiện nay ngành giáo dục đã kiểm soát được bằng cấp tiến sĩ được đào tạo trong nước, còn những bằng cấp tiến sĩ thực hiện tại nước ngoài thì chưa quản lý được. Tình trạng mua bằng tiền sĩ nước ngoài rất nhiều, nhất là bằng tiến sĩ của các trường tại Mỹ. Không ít bằng "nhập khẩu" này chẳng theo chuẩn nào cả”.
Nhiều đại biểu các trường khác cũng cho rằng trong năm học 2007-2008, Bộ GD-ĐT thực hiện đào tạo 1.500 tiến sĩ, trong đó đưa đi đào tạo ở nước ngoài 500 tiến sĩ. Nhưng trình độ ngoại ngữ cũng không theo chuẩn nào, nhiều cán bộ không vượt qua vòng thi ngoại ngữ.
Nhiều đại biểu đề nghị Bộ sớm có cơ chế cho các trường thành lập Hội đồng trường nhằm hướng đến trao quyền tự chủ cho các trường, từ đó các trường mạnh dạn trong các vấn đề đào tạo đáp ứng theo nhu cầu xã hội.
“Tôi cũng có những suy tư, nhưng lần này xin mạnh dạn nói rằng, tôi có cảm giác bộ máy Nhà nước chưa đồng bộ trong thực hiện chính sách đào tạo. Tôi xin thành lập Trung tâm đào tạo hàng hải nhưng đã ba năm nay vẫn chưa xong. Ra Bộ thì Bộ bảo phải có quy định của Bộ Nội vụ, rồi phải quay về. Rõ ràng, không giao quyền chủ động cho trường, cho Hội đồng trường thì nhà trường rất khó thực hiện mọi việc” - Tiến sĩ Trần Cảnh Vinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM bức xúc.
Cũng theo Tiến sĩ Trần Cảnh Vinh, việc quản lý hành chính trong đào tạo, những gì cấp dưới làm được thì không nên đưa lên cấp trên. Cấp trên cần mạnh dạn giao quyền chủ động cho cấp dưới, có như thế việc đào tạo theo nhu cầu xã hội mới thực hiện tốt.
-
Xuân Chiểu