(VietNamNet) - "Đã đến lúc các trường phải "sôi" lên với chuyện đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng yêu cầu xã hội". Ý kiến của Hiệu trưởng Trường CĐ Nguyễn Tất Thành cũng là mong muốn của "tam giác": nhà trường, nhà nước, doanh nghiệp trong hội thảo diễn ra suốt ngày chủ nhật 28/10.
Tại đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, để "bắt nhịp" nhà trường với doanh nghiệp, cần phải lập "tổ quan hệ xã hội" ở các trường, trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực ở các địa phương; đồng thời xây dựng 9 "chuẩn" đào tạo.
VietNamNet ghi lại một số ý kiến từ hội thảo.
Ông Vũ Sĩ Nam, Tổng Giám đốc Công ty May Nhà Bè: Không ngại "kèm cặp nghề"
Điều chúng tôi còn băn khoăn với nhiều lao động có trình độ là ngoại ngữ, vi tính vẫn còn hạn chế, tâm lý SV ra trường đứng núi này trông núi nọ và chưa chịu khó học. Có người, tốt nghiệp đúng chuyên ngành, nhưng được giao đi làm thủ tục khai báo hải quan thì chịu. Có người, làm những thủ tục về xây dựng cơ bản cũng không được, hay cân đối nguyên phụ liệu để sản xuất cũng lắc đầu.
Chúng tôi không ngại đào tạo lại. Trong năm 2007, công ty chi hơn 2,9 tỷ đồng cho riêng việc tuyển chọn, đào tạo nghề. Có lẽ, không nên dùng từ dạy nghề, hay đào tạo lại, mà là kèm cặp nghề thì đúng hơn. Điều này đương nhiên là trách nhiệm từ phía doanh nghiệp.
TS Lê Đăng Doanh: Doanh nghiệp thiếu chiến lược "bắt tay" đào tạo
Trong quá trình giảng dạy, nhà trường cần chú ý hơn về kinh tế thị trường. Việc đào tạo lại hoàn toàn không đáng ngại, phải có sự đào tạo suốt đời. Ở nước ngoài, các hiệp hội rất nhạy bén trong việc đào tạo, thẩm định năng lực những thành viên hiệp hội và có quyền cấp bằng, hoặc đình chỉ công tác nếu thành viên ấy không đạt tiêu chuẩn trong quá trình đào tạo lại, dù trước đó họ đã có bằng cấp.
Một trong những nguyên nhân của khó khăn khi doanh nghiệp bắt tay vào phối hợp đào tạo là doanh nghiệp không có chiến lược cụ thể. Cần coi việc dạy nghề tại doanh nghiệp là quá trình đào tạo thực tế cần thiết chứ không chỉ là thời gian thực tập. Chi phí về giáo dục đào tạo của các doanh nghiệp hiện nay còn thấp. Nên tính thẳng 2 – 5 % trừ vào thuế đầu tư vào giáo dục đào tạo. Nhiều nước đã chấp nhận điều đó.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường CĐ Nguyễn Tất Thành: Phát triển mô hình trường trong doanh nghiệp
Đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp là bài toán vô cùng rộng. Nhưng cũng đã đến lúc các trường phải "sôi" lên để đáp ứng cho được yêu cầu.
Để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu, sẽ phải áp dụng mô hình trường trong doanh nghiệp. Mô hình này giúp 2 bên có thông tin phản hồi để điều chỉnh hợp thực tế. Đồng thời, giúp nhà trường trực tiếp kiểm định được "mẻ hàng" nào chất lượng và không chất lượng.
Cần đưa người học đến với doanh nghiệp sớm hơn. Muốn vậy, trường phải có mối liên hệ mật thiết với doanh nghiệp. Trường nên vận động giảng viên và SV tìm cách để tiếp cận với doanh nghiệp. Giảng viên phải có những khách hàng riêng cho mình là các doanh nghiệp. SV cũng phải tìm cách để giới thiệu mình với các doanh nghiệp trong lĩnh vực mình đang theo học.
PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: Không thể đáp ứng nhu cầu từng doanh nghiệp
Việc đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp đã được nhận thức từ lâu. Nhưng cho đến nay, chúng ta chưa thống nhất được thế nào là đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp?
Tôi cho rằng, mỗi doanh nghiệp có những yêu cầu khác nhau. Ví dụ các công ty thiết bị điện tử yêu cầu SV phải biết làm 1 con chip, nhưng trường dạy nghề thì cần SV có kiến thức và biết giảng dạy. Nếu đáp ứng nhu cầu của từng doanh nghiệp thì không thể. Việc của nhà trường là đào tạo ra SV đáp ứng được yêu cầu chung nhất của xã hội. Đó là SV có tri thức, kỹ năng và thái độ để làm việc.
Việc nghiên cứu trong trường ĐH nhằm hai mục đích là sáng tạo tri thức và tạo ra những sản phẩm khoa học mới. Cần có những nghiên cứu khoa học ứng dụng vào được thực tiễn. Chứ như hiện này, khá nhiều nghiên cứu chỉ để nghiên cứu mà thôi.
TS Trần Hành, ĐH Lạc Hồng: Giảng viên không nghiên cứu khoa học thì không đứng lớp
Mỗi SV của trường đều phải đi lao động thực sự tại các doanh nghiệp 6 tháng. Để có được những nơi tiếp nhận SV thực tập, hiệu trưởng phải rời khỏi ghế của mình để tìm cơ hội cho SV. Trường cũng có quy định đối với giảng viên. Nếu không có nghiên cứu khoa học thì không được đứng lớp. Trong vòng 2 -3 năm không có đề tài nghiên cứu thì sẽ rời khỏi biên chế.
Hiện nay, trường đã chuyển giao công nghệ khá nhiều công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên và SV. Có những công trình, chúng tôi phải theo đuổi nhiều năm và qua nhiều thế hệ SV. Những SV làm tốt nghiên cứu khoa học, công trình được sử dụng thì chúng tôi sẵn sàng miễn thi tốt nghiệp, miễn làm luận văn...
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Lập tổ quan hệ doanh nghiệp ở trường
Để hình thành chuẩn đào tạo, cần có sự tham gia tam giác nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. Việc thông qua các trưởng khoa, trưởng ngành rất quan trọng. Nên hình thành hội đồng giúp Bộ tư vấn, định hướng chuẩn nghề nghiệp.
Phòng đào tạo các trường cần có tổ quan hệ doanh nghiệp. Tổ này có nhiệm vụ xác định những doanh nghiệp đại diện tiêu biểu cho những ngành mà trường mình đào tạo. Tổ phải có danh sách, duy trì quan hệ thường xuyên, theo dõi được số lượng SV được đánh giá thế nào.
Các công ty không thể liên hệ trực tiếp với các trường có ngành nghề mình cần. Do đó, các trường cần hình thành trung tâm hỗ trợ đào tạo cung ứng nhân lực.
Theo tôi, một số việc nên làm:
-Tổ chức hội thảo trao đổi giữa tất cả các trường về đào tạo theo nhân lực trên cơ sở một đĩa video tổng hợp chung.
- Đến tháng 4/2008, tất cả các phòng đào tạo cần có một tổ hoặc một nhân viên lo quan hệ xã hội hoặc quan hệ doanh nghiệp.
- Xây dựng chuẩn đào tạo: Dự kiến, cần xây dựng 9 "chuẩn" về: kỹ năng đầu ra, chuẩn đầu vào, chương trình chuẩn, phương pháp đào tạo, chuẩn giáo viên, chuẩn cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, suất đầu tư và quản lý đào tạo. Việc này làm trên tinh thần Bộ không làm tất cả, mà sẽ phối hợp với trường.
Cụ thể, ở cấp Bộ:
- Tiếp tục xây dựng đầu tư chương trình đào tạo chất lượng cao ở các trường ĐH, CĐ trong cả nước, ngoài 9 chương trình đã có. Sắp tới, sẽ có trường ĐH chất lượng cao Việt - Đức
- Hình thành trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp và địa phương (theo vùng và tỉnh) trong tháng 12.
- Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo tại chỗ. Khuyến khích doanh nghiệp tự mở trường công nhân, trường nghề. Chậm nhất trước tháng 3/2008 xin ý kiến nếu cần thiết.
- Đẩy mạnh xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục, bao gồm kiểm định trường và ngành, từ trung cấp đến ĐH.
Trong hội thảo, 24 văn bản thoả thuận hợp tác giữa Bộ GD-ĐT, 10 trường ĐH, CĐ phía Nam với 24 đối tác, trong đó có 20 doanh nghiệp đã được kí kết. Tập đoàn Hồng Hải kí hợp tác với ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Tập đoàn SPC, chuyên cung cấp những chương trình giáo dục, nghiên cứu vận tải biển đã đầu tư 3 triệu Euro (kí với các chủ tập đoàn tàu biển ở Đức, Pháp, Nauy... cung cấp nhân lực) đã cấp học bổng cho 200 SV trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM. Mỗi SV được hỗ trợ 1300 USD. Dự kiến năm 2010 sẽ kí kết với nhu cầu 2.000 SV. Đại diện công ty Napotec (công ty cổ phần công nghệ Nano phát sáng) cho biết: Việc hợp tác với trường CĐ Nguyễn Tất Thành giúp phần nào giải quyết sự khó khăn về bài toán nhân lực. Trước đây, công ty chỉ tuyển SV tốt nghiệp gửi ra nước ngoài đào tạo tiếp mới giao việc. Giờ, thay vì đào tạo công nhân, mướn chuyên gia, công ty phối hợp với nhà trường đào tạo. Khi SV tốt nghiệp sẽ thử tay nghề nếu làm được việc thì nhận thẳng vào dây chuyền sản xuất. |
-
Đoan Trúc - Thu Hương (ghi)