221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
998180
Những "barie" nhà trọ
1
Article
null
Những 'barie' nhà trọ
,

(VietNamNet) - Các SV thường hay ngồi kể cho nhau nghe “truyền kì” về những ’barie" chủ nhà trọ khó tính, khó chịu đến mức họ phải chuyển đi nơi khác. Vậy gặp được một chủ nhà “dễ tính” có thực sự là điều đáng mừng hay cũng lại là điều lo lắng?

Những chủ nhà “khó”

g

Ly (ĐH Sư phạm HN) cho biết: “Hiện tại, mình đang ở trọ một nhà trong khu tập thể của trường. Nhà cao tầng khá đẹp và rộng rãi. Chỉ có điều, khu nhà này “Chỉ cho SV nữ thuê”, và tuyệt đối không được cho bạn lên chơi, bất kể trai hay gái.

Chủ nhà là một bà già sống một mình. Bà ở tầng 1, bên ngoài phòng, có 1 bộ bàn ghế. Khách đến chơi thì ngồi đó mà tiếp. Nhưng vì chỗ này thẳng ngay trước phòng bà ra nên chẳng đứa nào dám to tiếng và cũng chẳng dám ngồi lâu.

Bích (ĐH Thuỷ lợi) ở trọ trong một khu 2 tầng có 4 phòng, chung sân với nhà chủ. Một lần, có một bạn trai đến phòng mình trong lúc chỉ có Bích ở nhà. Cô chủ nhà cảm thấy dấu hiệu khả nghi nên bắc ghế ra ngoài sân, cứ ngồi đấy nói chuyện với mấy anh chị nhưng mắt nhìn chằm chằm, chiếu thẳng lên phòng Bích.

Bích phải mở toang cửa cho cô đỡ nghi ngờ “có vấn đề”. Nói chuyện với bạn trai cũng không thể thoải mái nên đành tìm cách đuổi khéo. Kể từ đợt ấy, Bích "cạch" không dám cho tên con trai nào biết nhà.

An (SV năm 4, HV Ngân hàng) kể lại: “Hồi mình học năm thứ 2, mình ở trọ cùng nhà chủ trong ngõ 175, đường Xuân Thuỷ, Cầu Giấy. Cô chú và hai em nhỏ chỉ ở hết tầng dưới. Bọn mình ở tầng trên. Đang yên lành, tự dưng cô chú một mực đuổi bạn mình đi. Nó còn bị chú mắng cho một trận té tát. Hỏi ra, mới biết là tối hôm trước, người yêu đưa về đến chân cầu thang, có trót…ôm một cái và không may bị chủ nhà nhìn thấy.

Những phòng trọ ở chung với nhà chủ thường có quy định về chuyện bạn bè đến chơi khắt khe nhất. Tiếp đến là những khu tách riêng nhưng vẫn chung sân, chung ngõ hoặc ngay bên cạnh nhà chủ. Cuối cùng là những khu hoàn toàn biệt lập, cách xa nhà chủ. Nhưng một khi gặp phải chủ nhà “khó”, dù có tìm được nhà trọ loại thứ 3 này, vẫn bị quản thúc như thường.

Một ví dụ điển hình là nhà trọ của Hường, cũng nằm trong khu tập thể ĐH Sư phạm. Đó là một ngôi nhà năm tầng, 10 phòng, tất cả đều cho SV thuê và chủ nhà thì ở cách xa hàng kilômét. Thế nhưng, 2 chủ nhà vẫn thường xuyên phóng xe ra kiểm tra. Giờ kiểm tra cũng không cố định, có lúc 6h sáng, lúc hơn 10h đêm. Phòng con gái thì tuyệt đối không có con trai. Và ngược lại. Bác có thể gõ cửa bất kì phòng nào kiểm tra và để lại lời nhắn nhủ: “Cấm đưa người yêu về. Bác có chìa khoá tất cả các phòng. Bác mà bất ngờ phát hiện ra thì 11h đêm, cũng cho tất cả chúng mày ra ngoài đường luôn.”

Thú vị nhất có lẽ là câu chuyện của cô Hoà, một chủ nhà trọ ở phố Tôn Thất Tùng, nơi vẫn thường có nhiều sinh viên ĐH Y thuê trọ. “Ngày trước có hai đứa con gái trọ một phòng ở nhà cô. Nghỉ hè ra, một đứa lên ở một mình vì phải đi học trước. Buổi chiều tối, thằng bạn trai nó đến chơi. Rồi cô không thấy nó về thì phải. Nhưng chỉ thấy có mình đứa con gái ra vào mua đồ ăn. Cô sinh nghi. Sáng sớm hôm sau, cô bảo chú lên gõ cửa thì đúng thật là thằng bạn trai đã ngủ ở đó. Chú mắng cho hai đứa một trận thì nó cãi: “Bạn cháu ở đây để cùng làm tiểu luận nhóm suốt đêm.” Cô bảo luôn: “Làm bài tập cái gì mà tao thấy chúng mày…tắt hết cả điện.” Thế rồi cô chú nhất quyết đuổi.”

Những trường hợp như bạn gái trên đây, sau khi bị đuổi đi, hẳn đều vô cùng tức tối và quyết tìm cho kì được một khu trọ có chủ nhà dễ tính. Và sự thật là những chủ nhà dễ tính không hề… khó tìm. 

"Barie" thoáng

Đó thường là những khu trọ hoàn toàn riêng biệt với chủ nhà, mỗi phòng đều có vệ sinh khép kín. Giá phòng, giá điện nước, cái gì cũng nhỉnh hơn một tí nhưng không bao giờ ế SV thuê vì vô cùng “thoải mái”.

Đặc biệt, những nơi như thế này thường vô cùng lí tưởng cho các cặp đôi muốn sống thử.

Nam (CĐ Giao thông) một lần dẫn đứa em họ đi tìm thuê nhà, cô chủ nhà to béo thờ ơ hỏi (tay vẫn thoăn thoắt điền vào tờ hợp đồng): “Hai đứa chúng mày ở với nhau chứ gì?” “Không, chúng cháu là anh em…” Chưa nói dứt câu, Nam đã nhận được cái bĩu môi đầy mai mỉa: “Vâng, anh em, đứa nào chả nói thế. Thôi, không cần giải thích. Bất biết anh em hay yêu đương gì, đóng đủ tiền nhà vào đầu tháng, chậm ngày nào cộng thêm 5000 đồng ngày ấy. Muộn quá là đuổi. Ở đây, không thiếu đứa muốn thuê”.

Đúng là nhiều người muốn thuê ở đây thật. Cứ người này chuyển đi buổi sáng, thì buổi trưa đã có người đến thế chỗ ngay.

"Sống thử" thì trong xóm đã có sẵn 4, 5 đôi “cắm cọc”, không hề có ý định chuyển đi nơi khác. Thoải mái như vậy, hầu như SV nào cũng thích, nhà trọ của cô cứ đắt như tôm tươi.

Nhưng liệu chủ nhà trọ “dễ” có tốt cho các SV vẫn còn tuổi ham chơi, ham vui?

 “Đến thăm đứa em mấy lần, thấy khu trọ của chúng nó người ra người vào cứ nườm nượp, đứa tóc xanh, đứa tóc đỏ. Mấy đôi "sống thử" thì cứ đi khoác tay khoác chân, ôm ấp… Có phòng lại còn cả con trai con gái đùa rầm rầm, bia rượu nhậu nhẹt. Mấy đứa em mình còn kể mấy anh chị ý có hôm còn đùa suốt đêm, vui lắm.

Mình phát hoảng, vội vàng tìm chỗ khác cho chúng nó chuyển ngay. Cứ ở đấy không chừng …hỏng mất.” Minh tâm sự.

Và liệu chủ nhà trọ “khó” có đáng ghét như SV vẫn thường nghĩ? Hãy lắng nghe những lời nói rất thật lòng của cô Hoà ở phố Tôn Thất Tùng: “Nghĩ bố mẹ chúng gửi gắm, chúng lại là con gái, nên mình có trách nhiệm quản. Có nghiêm cũng chỉ để giữ cho chúng nó thôi chứ mình có được gì, có khi còn mệt thêm, mà lại mang tiếng “ác”…”

  • Thanh Huyền (Báo Mạng K25, Học viện Báo chí và tuyên truyền)
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,