221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
994364
ĐH khó nhọc "chuyển mình" theo nhu cầu xã hội
1
Article
null
ĐH khó nhọc 'chuyển mình' theo nhu cầu xã hội
,

(VietNamNet) - Trong tháng 9 và 10, lãnh đạo Bộ GD-ĐT liên tục có buổi làm việc với các trường ĐH chuẩn bị cho triển khai cuộc vận động "nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội". Mặc dù, các trường đều đồng lòng với chủ trương, nhưng đi vào thực hiện lại "vấp", bởi thiếu cơ sở thực hiện.

Chuẩn nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (đứng) làm việc tại Trường ĐH Nông nghiệp 1 (Ảnh K.O)

GS Trần Tuấn Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải nêu quan điểm: "Hiểu đào tạo theo nhu cầu, nghĩa là xã hội cần nhân lực gì thì trường ĐH phải đáp ứng.

Nhưng thực tế lại mâu thuẫn, doanh nghiệp (DN) là nơi sử dụng sản phẩm đào tạo, thậm chí có sinh viên (SV) nào "ngon" thì DN chọn nhưng lại không có đóng góp cụ thể. Trong khi đó, nhà trường đào tạo, Nhà nước bù kinh phí còn DN hưởng lợi một cách tự nhiên. Do đó, vấn đề cần xem xét là phải có những chính sách ràng buộc trách nhiệm với bên sử dụng nguồn lực...".

Ông Đỗ Đức Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, SV trường ĐH GTVT hoàn toàn thiếu thông tin về những mảng nhân lực còn khuyết, nên định hướng chọn ngành chỉ là điểm chuẩn đầu vào, rất khó có "bức tranh" tổng thể cho việc chọn ngành đúng nhu cầu ngay từ đầu.

Qua khảo sát, hầu hết SV đều có việc làm, có thể đúng hoặc trái nghề, nhưng phải mất thời gian đào tạo lại. Điều đó cho thấy, mặc dù chương trình đào tạo của các trường dựa theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT nhưng còn nặng lý thuyết, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng...

Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) Nguyễn Đăng Bình cho hay, 1 năm về trước, trường đã cử cán bộ đến các DN sử dụng nhiều SV tốt nghiệp của trường để lắng nghe ý kiến góp ý để nâng chất lượng đào tạo.

Kết quả khảo sát cho thấy: 100% SV ra trường đều có việc làm. Thậm chí có những SV còn nợ môn nhưng vẫn xin được việc, ông Bình thông tin.

"Cứ hô đào tạo theo chuẩn nhưng chưa có chuẩn để các trường quy chiếu thì làm thế nào? Bộ GD-ĐT cần sớm đưa ra chuẩn để các trường soi xét và có những điều chỉnh phù hợp" - ông Hiệp đề nghị.

Đáp lại băn khoăn này, Vụ trưởng Vụ ĐH & Sau ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà khẳng định: "Nói chưa có chuẩn đào tạo là hoàn toàn không đúng. Những quy định, quy chế... để các trường có "đường ray" hoạt động từ trước đến nay thì đó được hiểu là chuẩn. Chỉ có khác, vài năm trở lại đây chúng ta có kiểm định chất lượng giáo dục ĐH thì vấn đề chuẩn mới đặt ra là theo hướng này.

Thiếu dự báo quốc gia?

Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ Địa chất Trần Đình Kiên nhìn nhận, đào tạo theo nhu cầu xã hội là cần thiết, nhưng khó. Bởi, "có thể năm nay nhu cầu xã hội cần nhân lực ngành Dầu khí và trường vận hành theo đó (gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...) nhưng sang năm xã hội lại có nhu cầu ngành khác. Nếu không có đơn vị dự báo nhân lực quốc gia sẽ rất khó cho các trường trong vận hành". 

Trong khi đó, chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào tiến hành phân tích, đánh giá và dự báo để có số liệu đầy đủ, khách quan, tin cậy giúp các trường ĐH có căn cứ để điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo.

Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải Trần Đắc Sử đề xuất, Bộ GD-ĐT cần chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan trình Chính phủ thành lập cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm điều tra, nghiên cứu, dự báo về nhu cầu sử dụng lao động trong từng thời kỳ...

Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp 1 Trần Đức Viên kiến nghị, nhà nước cần có hệ thống số liệu dự báo, phân tích về thực trạng, nhu cầu nhân lực ngành nghề ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch đào tạo.

Theo đó, tạo điều kiện để các trường ĐH phối hợp với người sử dụng lao động (nhà tuyển dụng, cơ sở sản xuất kinh doanh...) thiết kế chương trình giáo dục, xây dựng năng lực người học; Đồng thời, tạo khung chính sách để các nhà tuyển dụng, cơ sở sản xuất kinh doanh có sự cam kết trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực, huy động vốn...

Cùng với đó là phải tạo dựng được "thị trường lao động thật" - ông Viên nói. Mấy năm gần đây một số ngành không đáp ứng nhu cầu người học nên Trường ĐH Nông nghiệp đã tạm ngưng tuyển sinh.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cái khó trong dự báo đào tạo theo nhu cầu xã hội hiện nay là chưa có cơ quan dự báo từ cả trung ương đến địa phương. Một số trường nhỏ lẻ có làm nhưng chưa đồng bộ...

Do chưa có cơ sở dự báo quốc gia nên các trường chuyển động rất chậm trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Tới đây, Chính phủ sẽ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm vấn đề này.

2010: Dừng giảng dạy môn học không giáo trình!

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Vụ ĐH & Sau ĐH xem xét, trong từng khối ngành như Nông nghiệp, Y tế, Kỹ thuật... xác định những ngành cần tập trung xây dựng chương trình khung quốc gia. Không nên để từng trường nhỏ lẻ xây dựng chương trình, tốn kém cho các trường mà không hiệu quả.

Ông Nhân chỉ đạo, Vụ ĐH cần sớm xác định danh mục các ngành đào tạo mới cần thiết để tuyên bố cơ chế tài chính cho việc thực hiện, để sớm có chương trình chuẩn. Nếu trường làm cho trường thì tự lo kinh phí 100%. Nếu các trường cùng khối cùng làm thì, hoặc mỗi trường góp kinh phí làm chung hoặc nhà nước sẽ bỏ kinh phí thực hiện.

Sau khi có những ngành học mới, có chương trình chuẩn thì xây dựng giáo trình chuẩn. Do vậy, cần phối hợp xây dựng giáo trình chuẩn cho những ngành học mới trong toàn quốc. Giáo trình phục vụ chương trình đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.

Thứ trưởng Bành Tiến Long làm việc tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên)
Thứ trưởng Bành Tiến Long làm việc tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên)
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, các trường cần có nghị quyết phổ biến xuống các ngành/khoa những chủ trương của ngành. Qua đó, rà soát các chương trình đào tạo, đảm bảo 100% các môn học có giáo trình. Đến năm 2010, môn học nào chưa có giáo trình thì dừng giảng dạy...

Vẫn theo Bộ trưởng, Bộ GD-ĐT đang tiến tới xây dựng mức học phí trước hết phải bù đắp được chi phí thường xuyên ở các trường công lập. Tinh thần là phải tăng gấp đôi học phí hiện nay.

Các trường phải tự tính toán những khoản cần chi, nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản nhưng sẽ giảm dần đầu tư đại trà, mà tập trung những công trình trọng điểm, trường trọng điểm... Trên cơ sở đó thì quyền tự chủ về tài chính thuộc Hiệu trưởng các trường quyết định.

Chậm nhất trước ngày 15/11, ngành giáo dục phải trả "cái nợ" đã "thai nghén" từ lâu về vấn đề tự chủ cho các trường. Trước mắt là giao cho 14 trường ĐH trọng điểm và sau đó (sau 1 năm) vận dụng cho các cơ sở khác. "Ai" có điều kiện đến đâu giao tự chủ đến đó... Bộ trưởng nhấn mạnh.

  • Kiều Oanh

Ý kiến của bạn:


,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,