(VietNamNet) - Một ít kiến thức từ thời phổ thông. Lòng đam mê khám phá vũ trụ. Những buổi online tranh luận về các hiện tượng đang diễn ra trong không gian, thời gian... Những người trẻ yêu thiên văn tình cờ gặp nhau trên diễn đàn Trái tim Việt Nam online đã quyết định thành lập câu lạc bộ thiên văn học trẻ, mở trang web như một tạp chí giới thiệu đầy đủ về thiên văn học.
Khám phá vũ trụ
Các bạn trong câu lạc bộ chuẩn bị phóng tên lửa trong ngày 17/10 |
Nhưng rồi những câu hỏi đó cũng dần lui vào dĩ vãng và chúng được mặc định như một sự vốn có hiển nhiên. Còn lại một bộ phận nhỏ vẫn “ôm” câu hỏi và đi tìm câu trả lời tại sao?
Và rồi, họ cùng gặp nhau trên diễn đàn Trái tim Việt Nam online, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm, tranh luận, thảo luận với nhau qua yahoo! Chat. Họ tìm ra được quy luật chuyển động của hệ mặt trời. Tìm ra câu trả lời cho ba câu hỏi lớn: Chúng ta đến từ đâu? Chúng ta sẽ đi về đâu? Chúng ta có phải là duy nhất?
Trong buổi thử nghiệm phóng tên lửa ngày 7/10 tại sân vận động Mỹ Đình vừa qua, hơn 60 bạn trẻ đã đến tham gia buổi ngoại khóa. Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra: Tại sao tên lửa lại được làm bằng nhựa? Tại sao nó không nguy hại tới tính mạng con người? Tại sao thế này mà không phải là thế kia…Hầu như, “buổi học ngoại khóa” nào cũng được các bạn trẻ đón chờ một cách nhiệt tình.
Tên lửa đã được phóng thành công |
Trong một buổi quan sát nhật thực do câu lạc bộ tổ chức tại SVĐ Mỹ Đình, dù trời sắp đổ mưa nhưng gần một trăm người trẻ đã có mặt. Nguyễn Thị Hải, ĐH Ngoại ngữ đã “chực” 4 tiếng đồng hồ để xem cho thỏa lòng đam mê từ nhỏ chia sẻ: “Dù hôm nay trời nhiều mây không quan sát được nhưng em vẫn thấy vui vì có nhiều người chung sở thích với mình”.
Còn Nguyễn Hoàng Anh, ĐH Bách Khoa Hà Nội cố nán lại sau cùng chỉ để nói với một thành viên câu lạc bộ: lần sau có hội thảo anh mail cho em nhé.
Sau 3 năm hoạt động, CLB Thiên văn học đã trở thành một tổ chức hoạt động độc lập với nhiều hoạt động nghiên cứu, phổ biến kiến thức và đổi tên thành câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam (Vietnam Amateur Club of Astronomy - VACA) với khoảng 30 người. Những người trẻ ở đây chủ yếu là HS, SV các trường đại học, cao đẳng, và PTTH, có một bộ phận nhỏ, khoảng 30% là đã đi làm.
Họ đến với tất cả sự nhiệt tình của người yêu thiên văn. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng chục đô để mua một quả tên lửa về phóng thử nghiệm cho anh em xem như anh Vũ Trọng Thư, hay cùng nhau sáng chế ra kính thiên văn…
Mục đích chính của VACA là nhằm giới thiệu bộ môn Thiên văn học cho các bạn trẻ Việt Nam đang học tập và làm việc tại mọi nơi trong và ngoài nước và phổ biến kiến thức thiên văn học cơ bản cho tất cả những ai quan tâm. Đồng thời, nghiên cứu quan sát các hiện tượng thiên văn cơ bản, kinh nghiệm quan sát bầu trời, tổng hợp tài liệu về Thiên văn vật lý và Vũ trụ học. Đặc biệt là những khám phá mới về vũ trụ hay cách tự chế kính thiên văn do hội sáng tạo ra…
Kết nối tri thức
Anh Vũ Trọng Thư dạy các bạn tự chế kính thiên văn |
“Câu lạc bộ khuyến cáo ngay từ đầu là không nhất thiết đóng quỹ hội, nhưng nếu ai đóng quỹ hội và tham gia đầy đủ các buổi họp mới được cấp thẻ thành viên. Đây cũng chính là lợi ích của họ”, anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch CLB cho biết.
Theo anh, CLB Thiên văn cũng giống như một lớp học. Người này đến người kia lại đi. Đó là sự lựa chọn của mỗi người chứ hội không níu kéo, không ép buộc. Mục đích của hội là phổ biến kiến thức thiên văn đến với mọi người, nghiên cứu và giải đáp các hiện tượng đang diễn ra trong vũ trụ…
Đặc biệt, sự ra đời của trang web: www.thienvanvietnam.org như sự kết nối tri thức khoa học. Đây cũng là website thiên văn học đầu tiên tại Việt Nam và là một trong các phương tiện chủ yếu của VACA với mục đích giới thiệu về các hoạt động của CLB cũng như đưa kiến thức thiên văn vào giới trẻ.
Mục Kiến thức trong diễn đàn là những bài viết do các thành viên của câu lạc bộ tự quan sát rồi phân tích, tổng hợp kiến thức của mình để viết. Tuy vậy, “Công nghệ Thiên văn học nói chung và thiên vũ trụ nói riêng còn rất hạn chế, hầu như không có. Các thiết bị phần lớn phải mua từ nước ngoài với giá thành cao (thiết bị rẻ nhất khoảng 200 - 500 USD). Do giá thành cao nên các nhà thiên văn nghiệp dư tự chế tạo kính thiên văn, do đó hiệu quả không cao”, anh Sơn cho biết.
Hiện nay, câu lạc bộ Thiên văn học trẻ đã hình thành và phát triển ở một số tỉnh khác như: Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Hải Phòng. Sự dần lớn mạnh về thiên văn học sẽ là điều kiện thuận lợi để trong tương lai, các nhà thiên văn học trẻ thực hiện thành công dự án phóng vệ tinh nhân tạo lên bầu trời.
"Đưa đất nước bước vào một quỹ đạo mới: chinh phục vũ trụ và thiên nhiên". Đó là mục tiêu của các thành viên trong câu lạc bộ thiên văn học trẻ ở Hà Nội.
-
Phan Lê