(VietNamNet) - 1 phút sau khi rời bàn tiệc chiêu đãi của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, ngày 9/10, Bộ trưởng giáo dục Singapore Tharman Shanmugaratnam đã dành cho VietNamNet cuộc phỏng vấn ngắn.
- Singapore giúp VN đào tạo nhà quản lý giáo dục
- Gặp Hiệu trưởng ĐH danh tiếng nhất Pháp
- Giáo dục sự hoài nghi
3 ưu điểm và 1 điểm yếu
Bộ trưởng GD Singapore: "Toàn bộ kinh phí hỗ trợ SV đều được chuyển về trường". .Ảnh: Lan Hương
- Qua nhiều lần thăm và làm việc tại VN, ông đánh giá thế nào về những điểm mạnh và điểm yếu của nền giáo dục VN?
Thời gian qua, tôi gặp Thứ trưởng Bộ GD-ĐT VN Trần Văn Nhung còn nhiều hơn gặp một số nhân viên của tôi. Trong năm qua, tôi cũng đã làm việc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân ít nhất 3 lần.
Điều đó chứng tỏ VN và Singapore có mối quan hệ chặt chẽ trong hợp tác phát triển giáo dục. Tuy nhiên, tôi cũng chưa thể đưa ra những nhận định sâu sắc về tình hình giáo dục VN.
Theo tôi, có 3 yếu tố, cũng là những ưu điểm, sẽ làm nên thành công của giáo dục VN.
Thứ nhất là văn hóa và truyền thống hiếu học của các bạn. So với những nước khác, kể cả trong khu vực châu Á, người VN có quyết tâm học tập cao hơn hẳn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người rất quan tâm tới xây dựng nền móng giáo dục nên đất nước các bạn có thành tựu giáo dục cơ bản cao hơn nhiều so với nhiều nước khác.
Thứ hai là người dân VN rất chăm chỉ. Dù ở Hà Nội hay TP.HCM, tôi cũng luôn thấy những bạn trẻ làm việc miệt mài để có cuộc sống tốt hơn.
Yếu tố cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất là VN đang mở cửa đón những ý tưởng mới từ khắp thế giới. Đó cũng là cách làm mang lại thành công cho giáo dục Singapore trong thời gian qua. Chúng tôi phát triển không phải nhờ cơ sở hạ tầng tốt, mà chính nhờ không ngừng học hỏi.
Về điểm yếu của giáo dục VN, cũng như các nước châu Á khác, chính là sự cứng nhắc trong dạy và học. HS muốn đạt điểm cao trong kỳ thi thì phải cố gắng nhắc lại càng chính xác càng tốt tất cả những gì giáo viên đã dạy. Trong khi đó, chúng ta cần khuyến khích mọi HS đưa ra chính kiến của mình, dù ý kiến đó trái ngước với những người khác.
Chính phủ, doanh nghiệp và trường: Họp hàng năm
- Các trường ĐH Singapore làm thế nào để đảm bảo nguồn nhân lực cung cấp ra thị trường phù hợp với nhu cầu xã hội?
Bộ trưởng GD Singapore tặng quà cho Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Lan Hương
Các trường ĐH ở Singapore hiểu rằng, giáo dục là hệ thống cung cấp nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, chứ không phải những gì sẵn có.
Chính phủ, doanh nghiệp và các trường hàng năm đều phải ngồi lại với nhau để bàn bạc xem nhu cầu nhân lực của đất nước trong thời gian tới là gì, từng lĩnh vực, từng ngành cần bao nhiều SV tốt nghiệp mỗi năm. Tất cả những con số này đều được đưa ra dựa trên nhu cầu xã hội chứ không phải khả năng đáp ứng của các trường.
Hàng năm, Bộ GD, Bộ Nguồn Nhân lực phối hợp với Bộ Thương mại và Công nghiệp tiến hành khảo sát về chất lượng và yêu cầu của nhân lực trên thị trường lao động.
Kết quả khảo sát sẽ được gửi về từng trường và các trường sẽ tiến hành thảo luận, nghiên cứu để điều chỉnh chương trình học phù hợp với yêu cầu thay đổi hàng năm.
Các trường ĐH cũng có mối quan hệ rất chặt chẽ với công ty, doanh nghiệp bên ngoài. Các doanh nghiệp này đóng góp một phần vốn vào xây dựng chương trình học cho các trường.
Chính phủ hỗ trợ 75% học phí
- Singapore là một trong những nước rất thành công với mô hình hỗ trợ tài chính cho SV. Ông có thể chia sẻ với VN kinh nghiệm thực hiện chính sách này?
Ông Tharman Shanmugaratnam: Chúng tôi coi đây là một chính sách rất quan trọng bởi hầu hết những người tốt nghiệp ĐH đều có thể tìm được những công việc tốt với mức lương khá.
Vì thế, sẽ là công bằng nếu họ phải chi trả một phần kinh phí của khóa học.
Chúng tôi chỉ yêu cầu SV trả 25%, Chính phủ sẽ chi trả 75% còn lại.
Với đối tượng SV nghèo, chúng tôi hỗ trợ hoàn toàn tiền học phí, còn với những người không quá nghèo, ở tầng lớp trung lưu có thể vay tới 80% chi phí khóa học.
Như vậy, các trường vẫn có đủ tiền để cung cấp những khóa học tốt nhất, trả lương cao cho giáo viên. Trong khi đó, SV nghèo vẫn được nhận học bổng, hỗ trợ và vay nợ để đi học.
Chúng tôi cố gắng không đi vào vết xe của các trường ĐH châu Âu, đặc biệt là ở Pháp và Đức.
Ở đó, SV đi học ĐH hoàn toàn miễn phí hoặc chi phí rất thấp. Những năm gần đây, châu Âu đang muốn cải tổ lại hệ thống giáo dục để nâng cao chất lượng.
Singapore đang theo mô hình tương tự như Hoa Kỳ, nhưng tất nhiên, học phí ĐH của chúng tôi không quá cao như vậy.
- Phương thức cho vay và thu hồi vốn được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi chuyển toàn bộ kinh phí hỗ trợ về từng trường. 75% chi phí khóa học, trường sẽ giữ lại. Với những SV không đủ khả năng trả 25% còn lại, họ sẽ được nhận tiền trực tiếp từ các trường, chứ không phải ngân hàng hay các cơ quan của Chính phủ.
Quá trình hoàn trả được ràng buộc bởi những quy định về pháp lý và đạo đức. SV phải ký hợp đồng với nhà trường khi vay tiền, và nếu không trả, có thể bị trường truy tố trước tòa.
Cho đến thời điểm này, quá trình thu hồi vốn của các trường ở Singapore diễn ra rất tốt đẹp vì đa số SV đều có khả năng hoàn trả sau khi tốt nghiệp. Họ có thể trả nợ trong vòng 20 năm nên số tiền phải trả hàng tháng là rất ít.
Với những SV sau khi tốt nghiệp, tiếp tục đi du học ở nước ngoài mà không có ý định hoàn trả tiền, các trường có thể đăng tên họ lên website trường. Chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy xấu hổ và phải tự giác hoàn trả. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Singapore chưa phải áp dụng biện pháp "bêu gương xấu" này bởi chúng tôi chưa gặp vấn đề gì trong thu hồi vốn.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Lan Hương (thực hiện)
******************
Email: missgirl_style@...
Mỗi lần bài làm khác với cô giáo thì điểm của em lại kém. Khi có chủ trương thi trắc nghiệm bọn em được làm bài trác nghiệm với 2 câu. Nên điểm lấy vào sổ chỉ có 10 và 5. Vì bọn em đang học lớp 12, áp lực phải thi đại học là rất lớn, tuy nhiên các thầy cô cũng quá gây sức ép làm ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh. Em cũng thấy việc đi học trên lớp là ko cần thiết vì em có thể tự học bằng sách ở nhà. Lớp học cần phải thay đổi sao cho học sinh thầy đi học là cần thiết và hiệu quả. Việc chỉ hocj trong sách khiến em thấy quá nhàm chán.
Ho ten: Nguyễn Chung
Dia chi: TP Thanh Hóa
Email: nguyenkimchung060162@...
Tôi đồng ý với ý kiên của chị Nguyệt Hà. SV ra trường nhiều em sau 2 năm còn chưa có việc làm ổn định thì lấy đâu tiền để hoàn trả. Tôi đề nghị hãy đầu tư quyết liệt vào GD -ĐT nhất là đào tạo ĐH. Chúng ta vay rất nhiều cho các dự án hạ tầng. Cũng tốt thôi nhưng đó chỉ là đầu tư cái ngọn, còn muốn đầu tư vào cái gốc và tương lai của quốc gia phải đầu tư vào GDĐH, sinh viên là của để giành của đất nước. Tôi đề nghị nhà nứoc trả 60% học phí, SV trả 40%. Tiền vay hoàn trả trong vòng 5 năm sau khi ra trường. Nếu thiếu kinh phí thì ta tăng cường vốn vay, được đầu tư và đào tạo tử tế, con em chúng ta thừa sức trả nợ sòng phẳng. Có 2 lĩnh vực mà nó thể hiện tính tốt đẹp và bền vững của một xã hội, đó là y tế và giáo dục. Chúng ta hãy dốc sức làm tốt 2 lĩnh vực này.
Ho ten: TC
Ý kiến của Bộ trưởng Bộ giáo dục Singapore là một ý rất hay nhưng tôi nhận thấy là còn chưa đủ. Tôi nghĩ một cái "cứng nhắc" nữa ở đây chính là: khung chương trình đào tạo của Việt Nam còn quá dàn trải. Ví dụ: như chương trình Đại học. Tôi thấy lượng kiến thức chuyên ngành được học với thời gian quá ít, số thời gian còn lại giành cho những môn mà sinh viên hầu như chỉ học một cách chống chế."Học của thầy rồi sau đó chữ của thầy lại trả cho thầy". Tôi nhận thấy rằng người Việt Nam ta có cái bệnh là nói quá nhiều khiến cho người nghe cảm thấy nhàm chán, có khi mệt mỏi vì phải nghe những bài giảng quá dài mà không đạt hiệu quả.
Ho ten: Ngô Văn Quang
Dia chi: Đại học Khoa học Huế
Email: cuoc_song_gian_chuan@...
Sự cứng nhắc không chỉ ở số lượng kiến thức dàn trải mà cách thức giảng dạy cũng như chương trình học không phù hợp. Hầu hết, những trường ĐH đều cho SV học theo kiểu "cuốn chiếu". Có những môn có trong lịch học nhưng cả kì không được. Chỉ mãi đến khi gần thi mới học và bó gọn trong một hoặc hai tuần. Vậy thời gian đâu để ôn hay học môn khác mà khi ấy mức độ tiếp thu bài không cao. Những môn dễ học hay thầy cô vui tính thì tốt,nhưng môn học khó lại thầy cô khó tính gây áp lưc rất lớn cho sinh viên. Đề nghị Bộ GD - ĐT nên áp dụng chương trình giáo dục đào tạo mới có lợi cho sinh viên.
Ho ten: Hà Trọng Đoàn
Dia chi: Hà Nội
Mô hình giáo dục của Singapore có thể là một kinh nghiệm hay để tham khảo. Tuy nhiên, cũng cần tính đến những khác biệt lớn về quy mô dân số, trình độ phát triển và về ngôn ngữ, văn hoá giữa hai nước. Cần học hỏi kinh nghiệm trên một phạm vi quốc tế rộng lớn hơn. Có những việc áp dung đạt kết quả tốt ở Singapore nhưng chưa chắc đã phù hợp với thực tế Việt Nam.
Ho ten: Nguyệt Hà
Dia chi: Hà Nội
Email: lunedemiel20032003@...
Lời góp ý của Bộ Trưởng GD Singapore rất chí tình và hợp lý đối với nền giáo dục của Việt Nam hiện nay. Theo ý kiến cá nhân của tôi, chúng ta có thể học và làm theo cách mà Singapore đã làm đối với hệ thống giáo dục. Bài học thành công của kinh tế Singapore có nguyên nhân sâu xa từ việc xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục. Chính sách giáo dục nói riêng và chính sách kinh tế xã hội của Singapore luôn là những chính sách thông minh và hiệu quả, kể cả khi nền kinh tế Singapore còn ở xuất phát điểm rất thấp như Việt Nam hiện nay. Do đó, mô hình giáo dục đào tạo của Singapore chắc chắn sẽ thành công ở Việt Nam. Nhìn lại thấy ngay trong chính sách gần đây nhất về cho vay vốn sinh viên nghèo đã thấy sự không "thông minh" của nhà làm chính sách. Singapore cho phép sinh viên hoàn lại tiền vay trong 20 năm, mặc dù mức thu nhập của sinh viên ra trường là khá cao. Trong khi đó các "nhà làm chính sách" của ta định đòi sinh viên phải hoàn trả trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp. Thực sự không hiểu các nhà làm chính sách của ta có nhìn nhận những vấn đề khách quan về khả năng việc làm và thu nhập thực tế của sinh viên Việt Nam mới ra trường hay không khi đề xuất chính sách như vậy. Xây dựng những chính sách thông minh và hiệu quả sẽ có tác dụng tích cực đến việc thực hiện chính sách cũng như thu lượm kết quả của chính sách mang lại.
Ho ten: Vũ Tuấn Anh
Dia chi: CĐ Kkinh tế đối ngoại
Email: samactrendaitayduong@...
Sau khi đọc bài này em thấy rất thích.em cũng thấy sinh viên VN cứng nhắc trong học tập.để có điểm cao thì phải làm chính xác những gì thầy cô giáo dạy.em nghĩ khi thi nên cần nhiều nhưng câu hỏi thảo luận về 1 vấn đề.để sinh viên có thể nêu ý kiến của mình.