221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
961116
Năm học mới, ngành giáo dục thêm hai "không"
1
Article
null
Năm học mới, ngành giáo dục thêm hai 'không'
,

(VietNamNet) - Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo, không ngồi nhầm lớp là cuộc vận động mới của ngành giáo dục trong năm học 2007 - 2008. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định một lần nữa về đề án tăng học phí theo tinh thần "học phí tăng nhưng không vượt quá khả năng chi trả của phụ huynh. Mức học phí sẽ chiếm 4-8% thu nhập của mỗi gia đình; sẽ có mức học phí cho từng tỉnh thành".

Ngày 22/7, tại TP. Vũng Tàu, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2006-2007 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2007-2008. Trong năm học mới này, theo nhiều giám đốc Sở GD - ĐT, cần có cuộc vận động để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, sau một năm thực hiện "hai không" (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục), xã hội đã có niềm tin vào hệ thống giáo dục.

Không để HS ngồi nhầm lớp

Các giám đốc Sở GD - ĐT ký kết nhiệm vụ năm học mới.
Các giám đốc Sở GD - ĐT ký kết nhiệm vụ năm học mới.

 Cuộc vận động "nói không" thứ ba sẽ là rà soát lại chất lượng HS, có kế họach cụ thể và phù hợp để phụ đạo, kèm cặp đối với HS yếu kém, kiên quyết không để HS ngồi nhầm lớp.

Ông Lê Đức Túy – Giám đốc Sở GD –ĐT Hà Tĩnh khẳng định: "Muốn không có tình trạng ngồi nhầm lớp thì giáo viên phải năng động và đầu tư nhiều cho công tác giảng dạy. Nhưng hiện nay, giáo viên phải kham quá nhiều phần việc."

Cũng băn khoăn về chuyện này, ông Võ Hiền Phương – Giám đốc Sở GD-ĐT Tây Ninh đặt câu hỏi: "Nếu đã bồi dưỡng mà vẫn không đạt thì thế nào?" Đối với Tây Ninh, năm học vừa qua, có khoảng 20% HS không đạt chuẩn. Dịp hè, các trường cũng đã tổ chức để bồi dưỡng HS để có kết quả khả quan hơn. Tuy nhiên, giải quyết thế nào đối với những HS bồi dưỡng mà vẫn không đạt chuẩn để vào lớp trên vẫn là một dấu hỏi.

Trả lời cho băn khoăn này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Chất lượng giáo dục phải được chấn chỉnh từ cấp tiểu học."

Chính vì thế, trong năm học 2007 - 2008, Bộ GD - ĐT tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra và đánh giá chất lượng học sinh đầu năm học và hết học kỳ 1. Ngành giáo dục sẽ phối hợp với cha mẹ học sinh và học sinh để bồi dưỡng học sinh yếu kém vươn lên đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng.

Theo đó, kỳ thi học kỳ I sẽ thực hiện nghiêm túc và đáng giá thực chất kết quả học tập của HS. Kết quả này được thông báo tới từng phụ huynh và có chương trình phối hợp trong học kỳ II.  

Các thầy cô lớp dưới không bàn giao HS không đạt chuẩn kiến thức lên lớp trên. Các thầy cô lớp trên không nhận HS không đạt chuẩn vào lớp mình.

2010: Hiệu trưởng đều phải qua đào tạo

"Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo" sẽ là cuộc vận động "nói không" thứ tư của ngành.

Trong những năm học tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên từ cấp tiểu học đến giáo viên mầm non, giáo viên trung học, giáo viên TCCN.

Trước hết, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đào tạo hiệu trưởng trường phổ thông theo chương trình mới để tiến tới năm 2010, tất cả các hiệu trưởng đều qua đào tạo. Kết thúc năm học 2007-2008, thực hiện đánh giá tất cả hiệu trưởng qua ý kiến của thầy cô giáo tại trường; triển khai thí điểm theo chỉ số của Bộ việc đánh giá giáo viên đứng lớp qua ý kiến của HS.

Nhằm tạo điều kiện để các nhà giáo yên tâm công tác, đáp ứng các yêu cầu cao hơn về đạo đức, trách nhiệm và chuyên môn nghiệp vụ, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong tháng 8, sẽ trình Chính phủ đề án tiền lương mới đối với nhà giáo.

Tuy nhiên, một số giám đóc Sở cho rằng, nếu chỉ tăng lương mà không tăng thêm đầu tư cho giáo dục thì ngân sách chi cho lương sẽ chiếm hết tổng ngân sách và những khoản chi cho cơ sở vật chất, giáo dục...bị thu hẹp lại. Cụ thể ở Tiền Giang, hiện có những nơi sử dụng 80% ngân sách để chi cho lương.

Xã hội hoá giáo dục là đầu tư cho giáo dục tăng

Trong giờ học của Trường dân lập Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ảnh: LAD
Trong giờ học của Trường dân lập Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ảnh: LAD
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân xác định: Xã hội hoá giáo dục có nghĩa là đầu tư cho giáo dục tăng. Cụ thể hơn, cả Nhà nước và nhân dân cùng tăng thêm ngân sách cho giáo dục.

Khẳng định một lần nữa về đề án tăng học phí, ông Nhân cho biết: Học phí tăng nhưng không vượt quá khả năng chi trả của phụ huynh. Mức học phí sẽ chiếm 4-8% thu nhập của mỗi gia đình. Chính vì thế, sẽ có mức học phí cho từng tỉnh thành khác nhau. Những gia đình có thu nhập dưới mức bình quân sẽ được xét miễn, giảm học phí.

Cũng đóng góp ý kiến về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Trần Hồng Quân phát biểu: "Cần có đề án chính sách đối với người học nhằm đạt được 3 mục tiêu: Tạo sự công bằng xã hội trong học tập; sử dụng ngân sách Nhà nước hợp lý, hiệu quả; huy động một cách đáng kể nguồn lực của xã hội. Tăng học phí cần phải có chính sách học bổng đủ lớn để đảm bảo đóng được học phí và chi phí học tập, có sự chi viện cho giáo dục, chi phí đối với người sử dụng lao động...  

  • Đoan Trúc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,