(VietNamNet) - Các trường học tỏ ra hoan hỉ vì cho rằng, tăng học phí sẽ tạo nguồn thu đáng kể để cải thiện chất lượng giáo dục. Trong khi đó, phụ huynh lại lo lắng bởi chủ trương đột ngột, cào bằng và quan trọng hơn, liệu các trường có cam kết tăng học phí sẽ song hành cùng tăng chất lượng?
VietNamNet ghi nhận ý kiến từ các giới có liên quan về chủ trương tăng học phí ở TP.HCM.
-
- Mức học phí cũ và mới các trường công lập tại TP.HCM
- "Học phí mới, không còn những khoản thu lắt nhắt"
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng trường THPT Phú Nhuận: Mở rộng diện miễn giảm
Tăng học phí liệu có tăng được chất lượng tương xứng?
Lâu nay, thường bó hẹp chế độ miễn giảm học phí trong một vài diện chính sách, có giấy chứng nhận của địa phương...Nhưng vẫn còn nhiều HS, nhiều phụ huynh không có tiền đóng học phí cho con, nhưng không thuộc diện nào cả, vậy tại sao chúng ta không quan tâm, không mở rộng diện miễn giảm?
Tôi nghĩ, nên giao quyền cho hiệu trưởng nhà trường. Vì hiệu trưởng, thầy cô giáo là những người theo sát với học sinh, biết được hoàn cảnh từng em một, và nhà trường sẽ có chế độ miễn giảm phù hợp. Hiện nay, trường Phú Nhuận có khoảng 200 HS miễn giảm học phí. Trong đó có những HS không thuộc diện chính sách, nên nhà trừơng phải tìm cách xoay sở để đóng học phí giúp các em, tạo điều kiện để các em đến trường. Nhưng nếu được giao quyền, hiệu trưởng có thể miễn giảm mà không cần phải huy động, tìm nguồn tài trợ....Trường luôn điều tra kỹ lưỡng để có chế độ miễn, giảm.
Với mức học phí 30.000đồng/tháng, nhà trường không thể làm gì được. Tuy nhiên, cũng cần xét đến một sự công bằng trong xã hội: người nghèo thì không phải đóng tiền học, người có điều kiện thì đóng góp.
Một thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh sẵn sàng đóng nhiều tiền để con mình được học trong một môi trường tiên tiến, hiện đại. Tại sao không cho con em chúng ta một môi trường học như các nước khác bằng cách xã hội hoá giáo dục? HS đang chịu nhiều thiệt thòi vì không được tiếp cận với một môi trường giáo dục chuyên nghiệp. Vì thế, cần có những đóng góp của phụ huynh để nâng cao điều kiện học tập cho con em. Tuy nhiên, như tôi đã nói, HS không có tiền đóng thì được miễn, giảm. Tôi nghĩ, chúng ta có thể miễn giảm từ 20 - 30% HS.
Nguyễn Hữu Diệu, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức (Quận Thủ Đức, TP.HCM): Tăng học phí thì trường mới hoạt động tốt
Mức thu học phí hiện nay, phải nói là các trường không hoạt động được gì cả. Chính vì thế, các trường cứ phải tìm cách để tìm thêm nguồn kinh phí hoạt động. Tôi có xem qua mức học phí đang được đề nghị, và thấy, với mức học phí như thế, các trường mới phần nào hoạt động tốt. Học phí tăng thì đời sống giáo viên mới tăng được, có như thế, giáo viên mới toàn tâm toàn ý để lo cho việc dạy.
Tuy nhiên, cần có chế độ miễn giảm cho phù hợp. Phụ huynh không có tiền đóng thì miễn, giảm. Và những trường hợp miễn, giảm phải đúng thực chất. Điều này sẽ được giáo viên chủ nhiệm, cán bộ lớp...rà soát, xác nhận...
Mỗi năm, trường Thủ Đức chi 60 - 70 triệu để thực hiện chế độ miễn giảm. Trong đó, kinh phí của nhà trường phải bỏ ra khoảng 1/2. Và hầu hết những phụ huynh thuộc diện khó khăn thì rất có trách nhiệm trong việc đóng học phí. Phụ huynh thường tới trường rất sớm để làm các thủ tục miễn, giảm hoặc xin đóng học phí chậm...
Chị Nguyễn Thu Thuỷ, công ty phần mềm VASC, phụ huynh: Nội, ngoại thành cùng một mức là chưa hợp lý
Tăng học phí không nên làm đột ngột như hiện nay. Đưa ra đề án và áp vào thực tế, sự phản hồi của phụ huynh có chăng chỉ là ý kiến trên báo chí. Cần phải có những nghiên cứu xã hội rõ ràng về tỉ lệ mức thu nhập gia đình học sinh để có điều chỉnh hợp lí. Một điều nữa, mức học phí như nhau giữa khu vực nội, ngoại thành là chưa thỏa đáng.
Cùng với việc tăng gấp đôi, gấp ba học phí, cần có thêm những trường cộng đồng, nhà nước chấp nhận bù lỗ cho những trường này.
HS những gia đình khó khăn, thu nhập thấp sẽ được vào học với điều kiện giống nhau giữa các trường, các học sinh, chí ít là điều kiện công bằng về cơ hội. Bởi nếu không có những cánh cửa như thế, sắp tới chắc rằng có nhiều học sinh phải nghỉ học trong độ tuổi đến trường.
Chị Trần Thị Hồng (Công ty nệm KymĐan), phụ huynh: Tăng từ từ mới dễ thở
Với thu nhập gia đình tôi, hai vợ chồng đều lương công nhân, chỉ có thể an tâm cho con đi học với mức học phí cũ. Sắp tới tăng gấp ba, đành rằng cũng phải “nhịn miệng” để đưa con đến trường nhưng phải chi tăng từ từ, gấp rưỡi rồi tới gấp đôi… sẽ đỡ kẹt hơn.
Bởi trẻ con đi học không chỉ mỗi tiền học phí, còn tiền ăn các cháu, không biết sẽ thế nào. Gặp con tôi, kén ăn, phải lo đồ ăn, sữa ăn riêng cho bé, gửi cô giáo tới bữa cho ăn, mỗi tháng riêng học phí và tiền ăn của con đã bằng luơng mẹ. Còn mỗi ba nó cũng công nhân, lo cho cả nhà không biết sẽ ra sao.
Bạn tôi, có người khuyên, mời bà ngoại hoặc nội của cháu vào trông cháu giúp, đỡ đần được việc nhà, an tâm hơn, đỡ tốn kém hơn, một công đôi ba việc. “Giải pháp” này cũng chỉ được vài ba năm, cháu cũng phải vào lớp 1, phải đến lớp. Việc tăng học phí khiến gia đình tôi rất băn khoăn, âu lo.
Chị Phạm Thu Bảo Vân (134/1/3C Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM): Không thề vì "bớt lắt nhắt" mà thu cao quá
Nói là mức học phí quy về một mối, không còn các khoản thu lặt vặt. Nhưng không thể dựa vào lý do này để thu một mức học phí cao quá thể. Hiện nay, tôi đang đóng mức học phí cho con mình là 135.000 đồng/tháng (bao gồm cả tiền tăng cường, bán trú, vệ sinh...).
Nếu học phí sẽ tăng như trong đề án, sắp tới tôi sẽ phải đóng gần 400.000 đồng/tháng, chưa tính tiền ăn của con, thêm tiền ăn trưa nữa là 700.000 đồng. Tôi chỉ có một cháu sẽ học lớp 8 vào năm tới. Mức thu nhập hiện tại của tôi là 2 triệu đồng/1 tháng. Hai mẹ con phải trả tiền thuê nhà gần 1 triệu. Thử hỏi, với mức học phí trên, tôi lấy tiền đâu mà lo cho con ăn học.
Biết rằng, Sở có phương án miễn giảm học phí, nhưng chắc chắn tôi không thuộc diện được miễn giảm. Và không ít phụ huynh sẽ rơi vào tình trạng khó khăn như tôi. Thu học phí cao để đảm bảo chất lượng đào tạo, nhưng tôi nghĩ, mỗi tháng đóng 200.000 đồng là phù hợp. Và nếu tăng như thế cũng là mức tăng phù hợp. Chứ tăng nhiều quá, e rằng phụ huynh sẽ gặp nhiều khó khăn.
-
Đoan Trúc - Thu Hương (ghi)
**************************
Ý kiến của bạn:
Không được tăng học phí
Nguyễn Thị Huyền Châu, TP. HCM, email: huyenchau@yahoo.com
Tôi còn nhớ, trước đây, trong thời chiến tranh, đất nước ta còn rất nghèo nhưng Đảng và Nhà nước vẫn thực hiện được chế độ miễn học phí 100% cho học sinh. Hiện nay, đất nước đã phát triển lên rất nhiều lần so với thời đó, người dân mong mỏi đến một lúc nào đó Nhà nước ta thực hiện lại chế độ “học sinh đến trường không phải đóng học phí” như trước kia, bởi đó là những điều tốt đẹp nhất mà người dân đã từng được hưởng một thời. Người dân không có nhiều lựa chọn trong vấn đề giáo dục.
Với mức học phí chưa tăng như hiện nay, theo tôi nghĩ, đã là mức đóng góp không dễ dàng gì đối với tầng lớp dân nghèo thành thị chứ chưa nói đến dân nghèo vùng nông thôn. Nếu mức học phí dự kiến tăng từ 2 đến 3 lần như TP. Hồ Chí Minh định thực hiện thì quả là một vấn đề không nhỏ nhất là lại thuộc lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực mà mọi người dân đều có quyền được học hành.
Rất mong rằng ngành giáo dục cũng như các cấp lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cân nhắc thật kỹ và cần phải tổ chức một cuộc điều tra xã hội về mức sống, mức thu nhập của tầng lớp dân nghèo nhất thành phố, lấy đó để làm cơ sở cho việc xác định tăng hay không tăng hoặc tăng bao nhiêu là hợp lý đối với vấn đề học phí, vì đây là một vấn đề xã hội rộng lớn.
Email: mongmuon@yahoo.com
Vấn đề học phí phải đảm bảo được nguyên tắc: Tầng lớp nghèo nhất thành phố vẫn có đủ khả năng đóng để con em họ không bị thất học. Bác Hồ trước kia đã từng mong muốn “Mọi người dân ai cũng có cơm no áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là mong muốn của Bác khi đất nước ta còn đang trong chiến tranh rất nghèo, chẳng lẽ khi ngày nay đất nước đã phát triển hơn, các quan chức thành phố lại để con em dân nghèo thất học vì không đóng nổi tiền học phí. Đề nghị Báo gửi mấy điều tôi viết này tới HĐND TP.HCM và những người ký quyết định tăng học phí giúp tôi để họ hiểu dân nghèo cũng phải có quyền học tập?
Tăng học phí, liệu chất lượng có tăng?
Phạm Văn Huyền, Bắc Giang, email: huyenpv@gmail.com
Tôi được biết Bộ GDDT chuẩn bị có đề án tăng học phí. Theo quan điểm của tôi, đây là đề án cũng cần phải được triển khai. Bản thân tôi cũng ý thức được rằng, muốn tăng chất lượng thì 1 trong những điều cần làm ngay là tăng học phí. Thế nhưng khi tăng học phí liệu chất lượng có tăng hay không? Việc đó làm tôi rất lo.
Theo quan điểm của tôi, giáo dục cũng là 1 thứ để kinh doanh, nhà trường, thầy giáo, cô giáo là người bán hàng. Còn chúng tôi là những người mua hàng. Ở đây, hàng hóa chính là kiến thức mà chúng tôi đã học được, mà khách hàng là thượng đế. Nếu chất lượng hàng hóa (dậy học) mà kém thì chúng tôi phải có quyền được thay đổi người bán hàng (có nghĩa là giáo viên) chúng tôi có quyền yêu cầu cơ sở vật chất. Nếu được như vậy thì chẳng ai là không đồng tình việc tăng học phí cả.