(VietNamNet) - Là địa phương được đích thân Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tới "thị sát" trong ngày đầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2007, "điểm nóng" Hà Tây năm nay dường như đã "nguội" dần. Nhưng thực chất, trong lòng các lãnh đạo, giáo viên, giám thị, HS, phụ huynh Hà Tây vẫn đang "nóng" như lửa đốt bởi làm sao để đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc lấy lại niềm tin của toàn xã hội nhưng phải cố gắng để kết quả không quá thấp.
Ảnh chụp tại phía ngoài khu vực thi Trường THPT Phùng Khắc Khoan (Hà Tây). Ảnh: Phạm Hải |
Bắc thang... lên giời
Cảnh tượng người dân bắc thang ném bài rào rào từ bên ngoài vào khu vực thi vốn đã "quen thuộc" ở hội đồng thi Trường THPT Phùng Khắc Khoan đã không tái diễn trong mùa thi năm nay. Mọi lối vào có thể tiếp xúc với tường rào của trường đều được chăng dây cách xa tới 100 mét.
Một phụ huynh ngồi chờ con ở quán nước cạnh trường chặc lưỡi: "Thế này có mà bắc thang lên giời!"
Hội đồng thi Trường THPT Phùng Khắc Khoan được “phong toả” hoàn toàn bởi dây thừng và đội ngũ 10 công an huyện và xã tạo thành “hành lang trắng” vây toàn bộ khu vực thi. Bên cạnh đó còn có thêm 10 thanh niên tình nguyện do huyện Đoàn Thạch Thất cử xuống trợ giúp.
Bên trong khu vực thi còn có 3 công an tỉnh và 4 thanh tra từ Sở GD-ĐT Hà Tây và Bộ GD-ĐT liên tục đi kiểm tra. Bất cứ ai muốn vào khu vực thi đều phải có thẻ đặc biệt của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Tây. Số lượng thẻ này phát ra rất hạn chế.
Nói về hàng rào tre "mất mỹ quan" bao quanh Trường THPT Quốc Oai, bà Mai Thị Lan, Hiệu phó nhà trường tâm sự: "Tuy mất mỹ quan nhưng rất hiệu quả. Sáng kiến này được chúng tôi sử dụng từ năm ngoái, nhờ đó ngăn chặn được tình trạng người dân bên ngoài áp sát khu vực thi gây lộn xộn."
Lọt một tờ giấy từ ngoài vào trong: Từ chức ngay!
Ông Nguyễn Như Viên (Trưởng Công an Huyện Thạch Thất, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2007 huyện Thạch Thất) cho biết: “Trước kỳ thi, tất cả trưởng công an huyện đều đã ký giấy cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm với giám đốc công an tỉnh nếu xảy ra bất cứ vấn đề gì về an ninh, trật tự. Lọt một tờ giấy nào từ bên ngoài vào khu vực thi, tôi xin từ chức ngay.”
Mùa thi năm nay, hội đồng Trường THPT Quốc Oai vẫn tiếp tục duy trì “sáng kiến” dựng hàng rào tre cách tường 2 mét để ngăn “tiếp viện” từ bên ngoài vào. Bà Mai Thị Lan (Hiệu phó Trường THPT Quốc Oai) cho biết: “Toàn bộ cửa sổ phòng thi tiếp giáp với bên ngoài cũng được đóng chặt và buộc bằng dây thép.”
Do nằm sát chợ, lại có nhiều cửa ngách thông ra bãi gửi xe nên xung quanh khu vực thi của trường bố trí tới 30 công an. Bên trong là 2 thanh tra uỷ quyền của Bộ GD-ĐT, 1 thanh tra “nằm vùng” và 3 thanh tra Sở GD-ĐT Hà Tây.
Qua 5 buổi thi, chỉ có 4 trong tổng số 934 thí sinh bị ở hội đồng này bị đình chỉ vì mang tài liệu vào phòng thi.
Tương tự, Trường THPT Đồng Quan, một "điểm nóng" khác trong tỉnh được bố trí tới 15 công an huyện, 5 công an tỉnh bảo vệ vòng ngoài.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại điểm thi này hoàn toàn không còn hiện tượng ném tài liệu, phao thi vào các phòng thi, ngay cả trong các phòng học, sân trường không còn cảnh "phao" rải trắng xoá.
"Nóng" nhất trong các điểm nóng (điểm thi mà giáo viên Đỗ Việt Khoa đã tố cáo năm 2006), Trường THPT Phú Xuyên A được "bao bọc" bởi lực lượng hùng hậu lên tới 29 công an cả huyện lẫn tỉnh. Hội đồng thi này cũng được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, bố trí tới 4 tầng thanh tra gồm thanh tra của Sở GD-ĐT Hà Tây, Thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT, Cán bộ phòng thanh tra Sở, và thanh tra Bộ "nằm vùng".
Nỗi lòng những người trong "điểm nóng"
Buổi thi đầu tiên, dù được sự nhắc nhở của các đồng chí công an và thanh niên tình nguyện nhưng phụ huynh HS vẫn tập trung đầy trước cổng Trường THPT Phùng Khắc Khoan.
Một cán bộ công an làm nhiệm vụ ở đây cho biết: "Một số phụ huynh vì lo lắng, nhưng một số không nhỏ có tâm lý hy vọng và chờ đợi. Dù biết tinh thần kỳ thi nghiêm túc, nhưng họ vẫn hy vọng có thể nới lỏng như năm trước. Nếu bỏ về sớm, không ai ném bài vào trong cho con, em mình thì sẽ... thiệt. Tuy nhiên, hết buổi thi đầu tiên, nhận thấy không có hy vọng gì, từ buổi thi sau, phụ huynh không còn tụ tập đông nữa."
Không chỉ phụ huynh HS, ngay cả người dân sống xung quanh cũng đã có ý thức hơn để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc. Họ sẵn sàng đi đường vòng để tránh xa 100 mét xung quanh khu vực thi.
Ông Nguyễn Như Viên (Trưởng Công an Huyện Thạch Thất, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2007 huyện Thạch Thất) bày tỏ: “Trường THPT Phùng Khắc Khoan nằm ngay sát làng nghề mộc và sắt. Bình thường rất ồn ào nhưng 3 ngày thi này, người dân đã tình nguyện nghỉ làm để đảm bảo sự yên tĩnh cho HS làm bài. Tôi rất đồng tình với VietNamNet rằng quan trọng là phải phá bỏ được bức tường trong lòng người chứ không phải bịt lỗ hổng trên tường rào. Cả phụ huynh, HS và người dân đều có ý thức về một kỳ thi nghiêm túc thì sẽ không còn tình trạng lộn xộn xảy ra.”
Còn bà Nguyễn Thị Hà Thanh - Hiệu trưởng Trường Nguyễn Trãi, Phó chủ tịch hội đồng thi này, nơi có giám thị Đỗ Việt Khoa làm nhiệm vụ trong kỳ thi năm nay - cho biết "Khi cầm tờ quyết định phân công giám thị có tên thầy Đỗ Việt Khoa về công tác cũng hơi băn khoăn. Không phải vì lo mình làm sai sẽ bị phát hiện mà ngại ở chỗ đọc tên Đỗ Việt Khoa, học sinh sẽ... hoang mang. Thậm chí lúc đầu tôi còn giấu cả thông tin này với phụ huynh học sinh. Một số giáo viên cũng e ngại. Đây là vấn đề tâm lý không tránh được".
"Từ khi nhận nhiệm vụ về Đồng Quan làm Chủ tịch Hội đồng, tôi rất băn khoăn vì đây là một trong những điểm nóng của tỉnh. Không chỉ riêng tôi mà tất cả giám thị đều băn khoăn, lo lắng." Ông Sáng còn chia sẻ rằng, ông đã mất 2 đêm để suy nghĩ... cách trả lời phỏng vấn vì biết sẽ có nhiều phóng viên cũng như cán bộ cấp trên về kiểm tra, thị sát.
Qua 4 buổi thi, giám thị Đỗ Việt Khoa đã 3 lần được phân công làm giám thị 1, một lần được phân công làm giám thị 2 và đã xử lý đình chỉ thi 1 thí sinh.
Mong lần 2 nghiêm túc như lần 1
Trong kỳ thi thử vừa qua, Trường Nguyễn Trãi chỉ có gần 45% đạt điểm từ trung bình trở lên, trong khi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2006 là 100%.
Tương tự, trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2006, tỉ lệ đỗ của Trường THPT Đồng Quan là hơn 99%. Nhưng trong kỳ thi thử chỉ có 39% số thí sinh đạt điểm từ trung bình trở lên. Vì thế, ông Nguyễn Như Ý, hiệu trưởng nhà trường, dự báo tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của hội đồng thi này sẽ thấp.
Ông Lê Văn Hưởng (Chủ tịch Hội đồng thi Trường THPT Phú Xuyên A) lại băn khoăn: "Tôi tin rằng thi lần 1 ở Hà Tây sẽ được tuyên dương vì công tác tổ chức thi nghiêm túc. Nhưng nếu thi lần 2 mà nới lỏng thì coi như công lao làm nghiêm túc lần 1 đổ xuống sông, xuống biển. Vì thế, tôi rất mong kỳ thi lần 2 cũng sẽ thực hiện mọi quy chế đầy đủ và nghiêm túc như lần 1."
Ông Hưởng nhận định tổ chức thi nghiêm túc là một "bước ngoặt" lớn nhưng các địa phương cần chấp nhận "mất mát" bởi tỉ lệ đỗ có lẽ sẽ rất thấp. Riêng ông, dự báo tỷ lệ này của Hà Tây là khoảng 40%.
Kiều Oanh - Lan Hương