Theo Bộ GD-ĐT, ngay trong năm học 2007-2008, bộ sẽ cho thực hiện chủ trương “giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết (lễ)”, thí điểm ở cấp tiểu học. Lãnh đạo một số sở GD-ĐT đã cho ý kiến của họ về việc này, mặc dù thời điểm này chưa có chỉ đạo gì từ phía bộ.
>>Giảm nghỉ hè, tăng nghỉ Tết: Địa phương tự quyết!
* Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng Huỳnh Văn Hoa: Triển khai ngay năm học 2007-2008
Các em học sinh làng gốm cổ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vui chơi trong ngày nghỉ cuối tuần. |
Phụ huynh học sinh đỡ bận tâm về việc nghỉ hè quá dài của con em, ảnh hưởng đến sự học. Phụ huynh sẽ có điều kiện theo dõi sát hơn việc học con em trong cả năm, từ đó có thể giúp đỡ, định hướng học tập cho các em. Còn học sinh, tôi nghĩ rằng các em sẽ vui mừng vì thời gian nghỉ hè quá dài, các em chưa chắc đã nghỉ hết mà còn phải học hè, tránh được việc chúi đầu vào học hè, ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ em cũng như học sinh sẽ bị “hụt hẫng” các sinh hoạt xã hội, tìm hiểu, vui đùa với thiên nhiên có tác dụng giáo dục rất tốt một khi thời gian nghỉ được phân bố hợp lý.
Ngành giáo dục Đà Nẵng sẽ triển khai trong năm học 2007-2008. Song cụ thể như thế nào sẽ còn tính toán lại và cần phải có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
* Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang Hồ Việt Hiệp: Sẽ áp dụng cho cả tiểu học và THCS
Đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được văn bản hay hướng dẫn chính thức nào từ Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, nếu có hướng dẫn chính thức thì Sở GD-ĐT An Giang sẽ thực hiện chủ trương này cho cả bậc tiểu học và THCS. Đây là giải pháp tích cực nhằm giảm căng thẳng cho học sinh, ngành giáo dục cũng thuận lợi hơn trong công tác bồi dưỡng học sinh và tập huấn chuyên môn cho giáo viên. Thời gian nghỉ hè quá dài sẽ khiến các em quên kiến thức và gia đình cũng khó khăn trong việc quản lý các em.
* Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ Nguyễn Quý Đôn: Biện pháp tốt để xóa “học kỳ 3”
Chủ trương này dứt khoát phải thực hiện bởi mô hình quản lý trước đây không còn phù hợp với thực tế cuộc sống. Đây là chủ trương hay, cần sớm có hướng dẫn cụ thể. Trước đây nói nghỉ hè chứ thực chất là vào học kỳ 3. Mà học kỳ này còn căng thẳng, lộn xộn hơn với các hoạt động dạy thêm, học thêm. Theo tôi, việc nghỉ rải ra cho cả năm học sẽ giúp các bậc phụ huynh thuận lợi hơn trong việc quản lý con cái của mình.
* Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Nguyễn hoài chương: Nên giảm ở cả ba cấp học
Việc giãn thời gian học đã được Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị Bộ GD-ĐT lâu rồi, thay vì nghỉ hè ba tháng, học một hơi chín tháng sẽ giảm nghỉ hè còn hai tháng, giãn thời gian học thành mười tháng, xen kẽ trong đó là những đợt nghỉ học kỳ, nghỉ tết...
Tuy nhiên, muốn thực hiện điều này, bộ phải định hướng tổng thể chung về thời gian, trên cơ sở đó, địa phương sẽ linh động sắp xếp (nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản nào của bộ về việc này). Mặt khác, nếu chỉ thí điểm ở tiểu học thì chúng tôi rất khó thực hiện. Bởi giáo dục cần phải có sự đồng bộ của các bậc học. Không thể bậc học này làm kiểu này, bậc học kia làm kiểu khác, khi cần huy động toàn ngành không thực hiện được. Ngay trong một gia đình có con học tiểu học, con học THCS, THPT, thời gian học không đồng bộ phụ huynh cũng khó xoay xở nói gì đến cả ngành.
* Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định Trần Văn Quý: Các em có được nghỉ thật sự?
Với tư cách là nhà sư phạm, tôi tán thành chủ trương giảm thời gian nghỉ hè, tăng thời gian nghỉ tết cho học sinh tiểu học. Đó là chủ trương đúng và cần thiết. Còn với tư cách là nhà quản lý, là giám đốc sở thì đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ và mục tiêu đặt ra trước khi triển khai thực hiện là phải đạt sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Hiện nay, sở đang bàn bạc, thảo luận giữa các phòng chức năng, sau đó sẽ triển khai trao đổi với phòng GD-ĐT các huyện, với hiệu trưởng các trường tiểu học rồi mới quyết định cụ thể tăng thời gian nghỉ tết lên bao nhiêu ngày, khoảng thời gian nào là hợp lý và ngược lại, giảm thời gian nghỉ hè như thế nào.
Vấn đề này, theo cá nhân tôi, có hai mặt - cả mặt tích cực và nhiều mặt chưa hợp lý trong hoàn cảnh của ta. Hoạt động ngoại khóa ở trường tiểu học của ta thật ra chưa hoàn hảo. Liệu thời gian các em nghỉ tết nhiều hơn, nghỉ hè ít hơn, đối tượng học sinh tiểu học còn nhỏ, phụ huynh sẽ sử dụng thời gian này để gửi gắm con cháu học thêm chỗ này chỗ kia, nhất là tầng lớp công chức. Như vậy các em có thật sự được nghỉ ngơi tích cực, được “giảm tải” như chúng ta mong muốn?
Chính vì vậy cho đến thời điểm này, Sở GD-ĐT Bình Định vẫn chưa có quyết định cụ thể để báo cáo lên bộ chủ quản.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai: Có tới 4 phương án để các địa phương lựa chọn
Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ có tới bốn phương án để các địa phương tùy theo tình hình thực tế của mình lựa chọn, áp dụng phương án thực hiện phù hợp nhất. Thứ nhất, bắt đầu học từ ngày 1-8 và kết thúc năm học ngày 15-5. Thứ hai, bắt đầu học từ 15-8 và kết thúc ngày 31-5. Hai phương án này có thể áp dụng cho những tỉnh, thành có mùa nắng nóng, mùa mưa...
Phương án thứ ba, bắt đầu năm học đúng ngày 5-9, kết thúc ngày 30-6. Các tỉnh miền núi phía Bắc muốn áp dụng biên chế này để HS có ngày nghỉ đông, tránh những ngày quá rét, tránh mùa lễ hội của đồng bào các dân tộc thường kéo dài sau tết âm lịch. Và phương án thứ tư đang được nhiều thành phố lớn ủng hộ là vẫn giữ lịch học như hiện nay: bắt đầu ngày 5-9, kết thúc ngày 31-5, dùng tuần nghỉ dự trữ để tăng thời gian nghỉ tết của HS. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào cũng phải có một đích chung là năm học kết thúc chậm nhất vào ngày 30-6.
Thực hiện theo phương án nào sẽ do UBND, sở GD-ĐT các tỉnh, thành xem xét quyết định và phải công bố sớm cho HS và phụ huynh biết. Thậm chí trên cùng một địa phương, để phù hợp với điều kiện cụ thể còn có thể áp dụng nhiều phương thức thực hiện khác nhau. Ví dụ như ở Lào Cai, Sở GD-ĐT cho biết dự kiến sẽ áp dụng cả bốn phương thức trên vì điều kiện địa lý, thời tiết trên địa bàn tỉnh rất đa dạng.
(Theo Tuoitre)