(VietNamNet) - Một ba lô, một bản đồ, những lữ khách độc hành cứ rong ruổi khắp chốn như anh chàng cao bồi Lucky Luke trong bộ truyện tranh nổi tiếng thế giới. Cứ ngỡ rằng họ rất cô đơn, nhưng ngược lại, nỗi cô đơn chỉ là cảm xúc thoáng qua. Trên từng bước chân độc hành của mình, họ sẽ gặp những con người dù mới quen nhưng lại rất gần gũi, thậm chí có cả những cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời họ.
- Kỳ 3: Trekking: Lông nhông trên những nẻo đường
- Kỳ 4: Những người trẻ, đi và chia sẻ
“Một mảnh tình riêng… ta với ta”
Phút dừng chân nghỉ ngơi của kẻ độc hành Hạnh Dung
“Thực ra không ai muốn đi du lịch mà xuất phát điểm lại chỉ có một mình đâu, nhưng phần vì không tìm được người có khả năng tài chính và thu xếp được thời gian đi cùng mình, phần vì cái tính “bất tử”, cứ buồn là xách ba lô đi nên chẳng ai theo kịp.” – Bùi Ngọc Linh, cô gái có biệt danh LinhEvil nổi tiếng trong giới du lịch bụi VN, chia sẻ. Từng một mình khoác ba lô lang thang hơn chục nước trên thế giới, tự nhận mình “lầm lũi và lạnh băng” nhưng LinhEvil cũng đã ngả đầu vào vai người lạ khóc vì “lạnh và cô đơn”.
Đó là trong chuyến đi vòng quanh châu Âu năm 2004, khi ngồi trong một quán café ở Brugge, Bỉ với cái lạnh dưới 0 độ ngoài trời, Linh ngắm nhìn anh chàng tóc nâu, mắt xanh lá cây dễ thương đã theo cô suốt mấy con đường. Rồi 2 người cùng bước đi trên cây cầu trắng tinh bắc qua dòng sông băng, lần đầu tiên, Linh quay sang nói với anh ta: “Em lạnh quá!” Và cũng là lần đầu tiên nơi đất khách, Linh cảm nhận hơi ấm khi anh ta ôm Linh vào lòng, và cô đã khóc.
Vài năm sau nhắc lại, Linh vẫn thấy đây là một kỷ niệm đẹp bởi “nó là sự đồng cảm giữa một người bản địa và người khách phương xa”.
Lang thang qua 29 quốc gia trên thế giới, khẳng định mình “đã đặt chân tới mọi tỉnh, thành trên đất nước VN”, Hoangbquang, quản trị box Du lịch của mạng Trái tim VN Online, vẫn thường một mình rong ruổi trong những chuyến đi ấy.
Hoangbquang tâm sự: “Không ai thích sự cô độc nhưng nếu đã chọn bạn đồng hành thì phải tìm được người thực sự đồng cảm.”
Nhớ lại chuyến đi Hà Giang năm 2005, găp phải thời tiết mưa bão, đường đi khó, Hoangbquang đã “suýt chết” vì bị lật xe. Mệt mỏi và cô đơn, anh lập tức lên mạng và “gào” lên: “Giá như có một người bạn đường thì tốt biết mấy!”. Say đó nhiều bạn đã nhắn tin hỏi liệu anh có thể dừng lại trên đường và chờ họ đến để cùng đi được không.
Nhưng khoảnh khắc cô đơn nhất với Hoangbquang là giây phút lạc đường ở Paris trong một đêm tối trời rất lạnh và tuyết rơi dày. Không giỏi ngoại ngữ, nên anh cứ phải chìa cuốn sách đã ghi sẵn những câu hỏi do người bạn viết hộ bằng tiếng Anh để hỏi người qua đường nhưng họ nói nhanh quá, anh không hiểu. Lúc đó chỉ thèm được nghe tiếng Việt, thèm có một người bên cạnh cùng chia sẻ.
Chui vào một góc tối trên phố ngồi thẫn thờ một lúc, Hoangbquang quyết định hôm sau phải bay về VN ngay, chấm dứt chuỗi ngày “độc hành” nơi đất khách quê người.Nhưng đến khi về tới nhà trọ, bình tâm lại, anh lại tiếp tục khoác ba lô rong ruổi đi khám phá những miền đất mới.
Đi một mình đồng nghĩa với việc phải tự biết bảo vệ mình trước những nguy hiểm trên đường.
Nguyễn Hoàng Tịnh Minh (nhân viên kế toán công ty Dalat Palace Golf Club & Ocean Dunes Golf Club), cô gái nổi tiếng trong giới mô tô thể thao bởi đã từng một mình cưỡi con xe đua NSR 150 phân khối to gấp 3 lần cô đi 1800 cây số xuyên Việt, kể lại giây phút “hãi hùng” trên đường: “Đi qua Đèo Ngang vắng tanh vắng ngắt, tuyệt đối không một bóng người, bóng xe. Tôi bắt đầu thấy rờn rờn và cứ thế chạy xe như ma rượt sau lưng vì sợ.”
Dừng ở một quán ăn vắng teo ven đường, tự nhiên lo ngộ nhỡ gặp dân “giang hồ”, Minh rút điện thoại ra làm “động tác giả”: “Alô, mình đang ăn ở Tuy Hoà, ngay cái quán cơm lúc vừa qua đèo Cả nhé!”. Minh nói rất to vào điện thoại để chứng tỏ “đồng đội” đã biết mình ở đây, không phải “đơn thương độc mã” đâu mà bắt nạt.
Nhưng có lẽ, phút giây cô đơn nhất của những lữ khách độc hành là khi thấy cảnh đẹp mà không biết chia sẻ với ai, đến được đích mà không có người để ôm chầm sung sướng.
Khi một mình leo lên tới tận đỉnh Fansipan, Nguyễn Hoàng Tịnh Minh đã hét lên sung sướng và ý nghĩ đầu tiên là “Chụp hình đi!”. Nhưng “ai chụp cho mình?” khi cái máy ảnh này không có chế độ tự động. Thế là đành tự một serie ảnh, cái mất đầu, cái mất chân tay lưu giữ kỉ niệm.
Một mình một "cào cào sắt", Nguyễn Hoàng Tịnh Minh vẫn rong ruổi trên khắp nẻo đường quê hương.
“Tôi không độc hành vì trên đường có lúc nào vắng xe đâu!”
Cô đơn, vất vả như thế, sao những người lữ hành vẫn cứ miệt mài rong ruổi một mình một ba lô chu du thiên hạ? Đó là bởi những xúc cảm, những trải nghiệm khó quên mà họ thu nhặt được trên đường độc hành, những điều mà nếu có thêm một bạn đồng hành, họ sẽ không thể tìm kiếm được.
Hạnh Dung, cô gái đã từng một mình lang thang từ Malaysia, Thái Lan, Campuchia sang tận Ấn Độ trong suốt 9 tháng liền, chia sẻ: “Đi một mình, bạn được tự do hoạch định chuyến đi và tiếp xúc với nền văn hoá địa phương, ăn cùng với người bản địa những món bình dân nhất.”
Cũng nhờ sự tự do của du lịch độc hành mà 6 tháng lang thang khắp Ấn Độ, Hạnh Dung đã nhìn thấy một thế giới hoàn toàn đối lập với những gì cô biết trước đây. Đó là một Ấn Độ với những người sắp chết nằm đầy đường, một Ấn Độ mà người ta nấu nướng và đi vệ sinh ngay trên phố.
Ái Linh, nhân viên thiết kế thời trang, đã từng đi du lịch một mình khắp Tây Nguyên và Campuchia cũng đồng cảm: “Có những lúc một mình lại thấy mình càng phải yêu bản thân hơn. Và đó cũng là lúc nhận ra bản thân mình thiếu thốn điều gì nhất.”
Sau nhiều năm tháng độc hành, LinhEvil tâm sự: “Điều trải nghiệm lớn nhất sau các chuyến độc hành là bạn không thể sống đơn lẻ và phải luôn mở lòng mình. Chính vì thế, khi đi một mình, người ta lại thấy cái quý giá của tình bạn và tính cộng đồng.”
Khi du lịch một mình, nhu cầu được nói chuyện, giao lưu, được chia sẻ, tâm sự lớn hơn nhiều so với đi theo nhóm. Và khi ấy, những người xa lạ cũng dễ xích lại gần nhau hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Thậm chí có những cuộc gặp gỡ ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời mình.
Chuyến đi 29 nước vòng quanh thế giới của Hoangbquang cũng xuất phát từ một cuộc gặp gỡ tình cờ như thế. Năm 2004, Hoangbquang chỉ định sang Thái Lan chơi vài ngày. Khi ngồi ở sân bay Đôn Mường (Bangkok), tay cầm chiếc vé chờ đến giờ lên máy bay về VN, anh nhìn thấy một cô bé “rất giống người Việt”.
Nói chuyện mới biết cô bé này người Hải Phòng, mới 18 tuổi đã khoác ba lô một mínhang Thái, rồi sẽ sang tiếp Arập Xêút. Bản lĩnh của cô gái trẻ là chất kích thích khiến anh đột ngột quyết định tiếp tục vác ba lô “chinh chiến”.
Bỏ chiếc vé Bangkok-TP.HCM, Hoangbquang lên lịch trình vòng quanh thế giới. E ngại vốn ngoại ngữ ít ỏi của mình, anh ngồi tự nghĩ ra đủ các loại tình huống rồi nhờ cô bé mới quen dịch sang tiếng Anh, viết thành quyển từ điển tự tạo to đùng mang theo.
Mỗi chuyến độc hành cũng là một dịp thử thách ý chí và bản lĩnh của mỗi người bởi khi không có ai bên cạnh, bạn buộc phải vận dụng hết khả năng của mình để vượt mọi khó khăn.
Hoangbquang tâm sự: “Đó thực sự là chuyến đi thay đổi cuộc đời tôi. Hơn 70 ngày một mình lang thang 29 nước, trở về tôi tự tin hơn nhiều. Trước đó dù rất muốn làm chủ cuộc đời mình nhưng chưa đủ dũng cảm. Sau chuyến đi, tôi nộp đơn xin nghỉ việc ở công ty cũ và lập công ty riêng.”
Một kỷ niệm khác cũng khiến Hoangbquang không thể quên đó là lần bị xỏng xe giữa rừng ở Kon Tum, 70km đường rừng, có hai vợ chồng người dân tộc đã tiếp đãi anh nồng hậu trong khi chờ người đến kéo xe về. Vài năm sau quay lại thăm họ thì người chồng đã qua đời. Lúc đó anh mới biết, lúc gặp anh, người chồng đã mắc bệnh hiểm nghèo nhưng hai vợ chồng vẫn vui vẻ đón tiếp anh. Đó là giây phút anh thấu hiểu nhất về cái tâm, cái tình của con người.
Nguyễn Tuấn Anh (24 tuổi), chàng trai đã một mình leo lên đỉnh Fansipan đón sinh nhật lần thứ 23 của mình, tâm sự: “Có thể nói khi không có guide và người gánh đồ, tôi sẽ rất vất vả, có khi phải đặt cược tính mạng mình 50/50. Nhưng chính khi đó tôi phát huy được bản năng sinh tồn của mình và sau chuyến đi tôi thấy trưởng thành hơn hẳn.
Đơn giản như việc căng lều, bình thường có bạn bè thì rất dễ dàng, nhưng làm một mình lại khó khăn hơn tôi tưởng. Đến khi nấu ăn, một tay cứ phải giữ nồi, một tay căng lều cẩn thận kẻo lửa làm cháy, chân thì giữ chai nước diệt khuẩn.”
Để đủ sức khoẻ và sự dẻo dai để một mình leo lên nóc nhà Đông Dương hơn 3000 mét, Tuấn Anh đã phải luyện tập miệt mài suốt 3 tháng, từ bài tập chạy bộ, đeo ba lô 20kg đi bộ kiễng chân đến bật nhảy.
Chỉ một quả lê chia sẻ, một chiếc mũ cho mượn hay một câu chúc mừng sinh nhật của những người lạ vô tình gặp trên đường cũng khiến Tuấn Anh thấy hạnh phúc và sự vất vả, cô đơn hoàn toàn biến mất.
Còn những bạn tình cờ của “người đẹp môtô” Nguyễn Hoàng Tịnh Minh lại là những chiếc xe tải, xe khách đường trường chạy cùng hàng trăm cây số. Có những phụ xe ban đầu còn thách thức “Đua không cu em?” nhưng đến khi dừng lại thì “ngã ngửa” vì phát hiện “đối thủ” là một cô gái.
Một lời chúc thượng lộ bình an của những người chỉ đường cũng tiếp thêm sức mạnh cho Minh vượt quãng đường hàng nghìn cây số, khi thì dưới cái nắng đổ lửa, khi lại mưa dầm dề.
Khi biết ý định lái mô tô xuyên Việt của Minh, một hãng xe máy đã đề nghị tài trợ toàn bộ chuyến đi với yêu cầu Minh phải đi xe của hãng và sẽ có một đoàn theo hộ tống nhưng cô từ chối vì chỉ muốn thử sức một mình.
Kể về những chuyến đi ấy, Minh cười bảo: “Đừng gọi mình là người độc hành, vì trên đường có bao giờ vắng xe đâu!”
-
Lan Hương