(VietNamNet) - Hội nghị giao ban lần thứ ba của các trường Đại học, Cao đẳng, TCCN “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã diễn ra tại Trường Đại học Nông lâm TP. HCM, ngày 24/4/2007. Chủ trì buổi giao ban hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, không chỉ “Nói không với tiêu cực trong thi cử” mà phải là "Nói không với tiêu cực trong giáo dục". Hơn một nửa số trường ĐH, CĐ, THCN tham gia cuộc vận động đã thực hiện tích cực trong 8 tháng vừa qua.
Ít trường nói thẳng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, cuộc vận động "hai không" đã có những bước thành công. Có thể thấy điều này qua kết quả học kì một vừa rồi tại các trường: Khi giáo viên giảng dạy nhiệt tình hơn, chất lượng hơn thì chất lượng học tập của học sinh sinh viên chắc chắn sẽ tăng. Tuy vậy, nhìn vào kết quả điểm số học tập lại giảm, điều này càng chứng tỏ đã việc chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục bước đầu đã có hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị (ảnh: thu Hương) |
Tuy vậy, số ý kiến từ các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học phía Nam chia sẻ trong hội nghị này lại khá "khiêm tốn". Một hiệu trưởng ở TP.HCM khẳng định: Chắc chắn trường nào cũng có phương pháp “chữa bệnh” riêng. Tuy nhiên, chỉ với 8 tháng, dù có nhiều tiến bộ cũng khó có thể khẳng định đã thành nề nếp, đã “trị được bệnh”, mà cần phải đợi thêm thời gian.
Hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Cà Mau Tạ Tấn Thành khẳng định: Kết quả quan trọng nhất là học sinh, sinh viên có bằng thật, điểm thật, kiến thức thật, chứ không phải như hiện nay, vẫn còn những trường hợp điểm thật, bằng thật mà kiến thức giả.
Ông Thành bức xúc về vấn đề thi đua: Theo luật, phải có 10 năm giảng dạy trở lên mới được nhà nước xét. Vậy, với những giảng viên chỉ dạy 3 năm được cất nhắc làm quản lý, họ có năng lực nhưng lại không đạt yêu cầu xét thi đua của luật.
Ông Đỗ Hữu Khoa, Chủ tịch Trường TC Công nghệ Thông tin Sài Gòn nêu một phương pháp tránh “hai không” là sử dụng bài thi điện tử. Đã có hệ thống phần mềm này, tiết kiệm nhiều công sức, vật chất, dễ kiểm soát và học sinh khó gian lận được. Trường sẵn sàng chuyển giao công nghệ khi các trường khác có nhu cầu.
Phó giám đốc Trường ĐH Đà Nẵng Lê Tấn Duy đưa ra giải pháp: “Không tạo điều kiện cho sinh viên quay cóp bằng cách áp dụng thi trắc nghiệm khách quan nhiều hơn, ra đề thi mở…
“Cẩn trọng" hơn, Hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên cho biết, trường đã thành lập thanh tra đào tạo trước khi phát động “hai không”, đảm bảo nghiêm túc trong tất cả các kì thi. Khâu thi và giảng dạy, đào tạo cũng tách riêng và có phòng khảo thí chú ý công việc này.
Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Đông Á – Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Anh Đào nói thẳng: “Phong trào hai không như một loại thuốc “cải tử hoàn sinh" cho giáo dục nước nhà. Sang năm thứ 2 này chắc chắn phải chuyển từ “bao vây” toàn xã hội sang “liều cao”, kể cả liều “đặc trị” cho người mắc bệnh nặng mà ai cũng nhìn thấy rõ là phần lớn giám đốc các Sở GD & ĐT và Hiệu trưởng các nhà trường.
Hướng nhiều hơn tới các trường nghề
Sinh viên Trường ĐH Nông lâm xin chữ kí Bộ trưởng (ảnh: Thu Hương) |
Dù là hội nghị giao ban “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích” nhưng Bộ trưởng “mở lời”, mời đại biểu nói những điều quan tâm, bức xúc, trăn trở trong ngành.
Các trường nghề đã “được lời cởi tấm lòng”. Hiệu trưởng Trường Trung cấp Chuyên nghiệp Vạn Tường, bà Bùi Thị Nguyệt Ánh , TP.HCM “kêu”: “Khối TCCN đến nay vẫn rất khó tuyển sinh. Bộ hãy giúp sao cho tốt hơn, sao cho có nhiều nguồn học sinh hơn”.
Theo bà, kể từ khi trường TCCN đầu tiên ra đời, chỉ trong 6 năm sau đã có 19 trường. Điểm chung của các trường này là đầu vào rất ít ỏi. Bởi khi báo chí, các đoàn, hội tổ chức tư vấn mùa thi cũng chỉ tư vấn đường vào Đại học, Cao đẳng.
Cũng trăn trở những khúc mắc này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Singapore có tổng thu nhập theo đầu người 30.000 USD/năm, chúng ta chỉ 740 USD. Nhưng 65% học sinh PTTH Singapore không vào đại học, họ chọn các trường nghề. Từ nay đến năm 2010 sẽ có chiến dịch tuyên truyền, làm sao để đa số học sinh sau khi tốt nghiệp không chỉ chăm chăm chọn con đường vào đại học.
Để đảm bảo tương lai “đầu ra” nghề, Bộ trưởng cho biết, sẽ có “chợ lao động” trên mạng. Ngoài ra, trong chương trình "đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp", doanh nghiệp sẽ giúp đỡ từ công cụ giảng dạy, sách vở chuyên môn. Học sinh không phải đóng tiền (số tiền này Nhà nước sẽ cho vay, học xong đi làm cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ thanh toán);
Học sinh cũng không phải lo âu học xong "đi về đâu" vì đào tạo bám sát chỉ tiêu cung ứng đầu vào - đầu ra, doanh nghiệp và ngành giáo dục đã kí kết cùng thực hiện đào tạo, đảm bảo chất lượng lẫn công ăn việc làm cho học sinh. Đây là điểm cần thiết vì với quá trình hội nhập WTO, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào VN, chắc chắn ngày càng cần người có trình độ tay nghề cao.
-
Thu Hương
Trao đổi về Thi tốt nghiệp lần thứ hai – một vấn đề vẫn “nóng” trong hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: |
Ngành giáo dục phải có trách nhiệm phục vụ nhân dân, giúp các em có cánh cửa tri thức bước vào đời. Khi các em rớt nhiều, nhiều em không có bằng phổ thông đi học nghề là thiệt thòi nhiều cho các em. Trong khả năng của người làm giáo dục, có thể giúp các em có cơ hội bước tiếp cánh cửa tri thức, bước vào đời thì phải cố gắng làm. Phần các em không cố gắng, làm chưa tốt thì các em phải chịu. Nếu thấy học sinh thi rớt mà bảo do học kém mà rớt thì thôi, thì xin những người có suy nghĩ ấy đặt mình vào tâm trạng, hoàn cảnh phụ huynh 12 năm nuôi con đèn sách để hiểu họ. Nói như thế là vô trách nhiệm. Cái phần của ngành mình làm chưa tốt hàng năm thì phải khắc phục. Đây là việc vì trách nhiệm, lương tâm nhà giáo phải làm chứ không phải bệnh thành tích. Dạy hè thầy cô cực nhưng chấp nhận cực khổ trong hè để giúp các em thêm một cơ hội là trách nhiệm cần làm. T.H (ghi) |