(VietNamNet) - Cả tuần nay, dư luận ở Đồng Tháp rất bức xúc trước thông tin một học sinh lớp 5 ở trường tiểu học An Hiệp 2 – xã An Hiệp – huyện Châu Thành, bị hoảng loạn đến mức không dám đến lớp sau khi bị thầy giáo bắt đem giao cho công an xã ép cung vì bị nghi ngờ lấy 47.800 đồng tiền quỹ lớp.
Điều tra không được giao cho công an.
Trong căn nhà mái tôn tường tôn, bé Trâm đang nép mình vào mẹ sau buổi hỏi cung của công an.
Tai hoạ ập đến em Huỳnh Thị Ngọc Trâm vào ngày 14 tháng 3 năm 2007 khi thầy hiệu trưởng Lưu Văn Ca và tổng phụ trách đội Lê Văn Xem mời lên văn phòng để điều tra việc mất tiền dành để liên hoan cuối năm. Theo lời của các em học sinh lớp 5/1 thì Ngọc Trâm là lớp phó học tập, cuối năm 2006, lớp 5/1 và lớp 5/2 tổng kết phong trào nuôi heo đất được 47.800 đồng. Tổng phụ trách đội Lê Văn Xem giao cho Ngọc Trâm giữ 18.800 đồng và Em Hồng Anh Thư (học sinh lớp 5/2) giữ 29.000 đồng. Số tiền này hai em phải nộp cho thầy Danh – chủ nhiệm lớp của em Trâm. Nhưng do không gặp được thầy Danh Trâm va Thư mang tiền về nhà. Mấy hôm sau, khi thầy Xem hỏi số tiền đâu thì Trâm bảo bạn Thư giữ, còn Thư thì nói đã giao cho Trâm hết. Thế là một cuộc điều tra bắt đầu. Được sự chỉ đạo của hiệu trưởng Lưu Văn Ca, Thầy Xem mời hai học sinh lên văn phòng làm việc. Sau gần một giờ đồng hồ tra hỏi, hăm doạ nhưng vận không có kết quả, Thầy Xem đã chở Trâm và Thư giao cho công an xã tiếp tục “điều tra”.
“Hội đồng người lớn” ép cung đứa bé lớp 5
Tại trụ sở công an xã An Hiệp, Trâm và Thư bị tách riêng ra để cán bộ xã xét hỏi. Một hội đồng người lớn gồm có ông Lê Văn Thanh trưởng công an xã, ông Võ Thanh Phương – phó trưởng công an xã, bà Lê Thị Kim Em chủ tịch hội phụ nữ xã, và ông Trần Văn Lang – phó chủ tịch hội nông dân xã cùng tiến hành “điều tra” và lập biên bản sự việc với hai “đương sự” (theo cách gọi của các vị này) từ sau chín giờ cho đến tận 11 giờ trưa mới cho các em về nhà.
Trước sau em Trâm vẫn một mực nói làm mình không có lấy số tiền trên, nhưng trước áp lực của “hội đồng người lớn” này em Trâm đã “khai báo” trong bản tường trình là có giữ 47.800 đồng, nhưng 18.800 đồng để trong tập đã bị mất, còn lại 29.000 đồn em hứa sẽ nộp lại cho nhà trường, trước khi đến công an xã, em Trâm không thừa nhận la mình giữ s tiền trên.Trong nhật ký của mình Trâm vẽ cảnh thầy Xem hăm doạ: “Em mà không nói thì em biết, ra coi kìa nó nhốt phơi nắng cả chục đứa ngoài kia”. Hay trong cảnh bị công an ép cung, mặc dù em một mực kêu oan nhưng công an vẫn hăm doạ “Khai mau, nếu mày nói mày không lấy tao sẽ nhốt mày”. Chuyện điều tra ép cung hai em nhỏ mà không mời người giám hộ, không thông báo cho phụ huynh biết, theo ông Thanh – trưởng công an xã An Hiệp cho rằng nhà trường giao thì công an phải thụ lý và lập biên bản để làm cơ sở pháp lý theo đúng chức năng của mình?!
Hậu quả đau lòng
Mẹ của em Trâm – chị Nguyễn Thị Nga khi nghe con mình bị dẫn tới giao cho công an xã điều tra đã lăn ra bất tỉnh. Còn Trâm sau khi rời trụ sở công an xã trở về đã mất hồn mất vía, Chị Nga và bà con hàng xóm xung quanh nhà chị kể lại, đêm hôm đó, khoảng mười giờ, lúc mọi người đang ngủ thì Trâm vùng dậy hoảng loạn la khóc, cầu cứu xin tha, đừng ép con khai. Sau đó hễ có tiếng xe máy học có người đến hỏi thăm thì em ôm ghì lấy mẹ khóc thét lên, hoặc trùm chăm kín mít từ đầu tới chân vì sợ bị bắt giao cho công an.
Nhật ký của bé Trâm sau khi bị hỏi cung
Hôm thầy Danh chủ nhiệm lớp tới thăm, Trâm cuống cuồng chạy lại ôm mẹ khóc nức nỡ, không ngớt van xin “thầy ơi đừng chở con lên công an, con sợ lắm”. Hiện Trâm đã được cha mẹ đưa đi điều trị bệnh, và em đã không dám trở lại lớp học nữa. Chị Nga và nhiều người xung quanh đã không cầm được nước mắt khi đọc “nhật ký đời tôi” của Trâm: “Cuộc đời của mình lúc nào cũng ham được đến trường học với bạn bè. Tưởng rằng nó sẽ giúp mình vui vẻ vô cùng. Nhưng không ngờ những người thầy, cô ở đây không phải ai cũng tốt cả, họ là những người đáng ghét.”
Những bà con hàng xóm xung quanh nhà em Trâm bức xúc khi biết cả hội đồng người lớn đủ bá quan văn võ, rồi cả thầy giáo của em lại đang tâm ép cung một đứa trẻ mới 11 tuổi đầu đến nỗi gần như điên loạn. Vậy mà từ khi tai họa ập xuống gia đình đứa học trò nghèo này, cũng chẳng thấy ai quan tâm hỏi thăm. Phải chăng họ không thấy được trách nhiệm của mình? Phải chăng thầy Xem ỷ lại mình có em ruột là trưởng công an xã An Hiệp nên có những việc làm quá đáng như vậy.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Đồng Tháp cho biết: “ làm thầy giáo mà ép học sinh của mình đến mức hoảng loạn như vậy là không chấp nhận được trong nền giáo dục hiện nay. Sở Giáo dục - Đào tạo đã cử người đi điều tra xác minh và sẽ có hướng xử lý thích đáng. Riêng tình trạng của em Trâm thì trước mắt phải lo chạy chữa ổn định tinh thần cho em, sau đó vận động em trở lại lớp. Nếu Trâm không dám vào học lớp cũ thì sẽ chuyển sang lớp khác, nếu em không dám vào trường học cũ thì sẽ xem xét chuyển sang học trường khác theo nguyện vọng của em và gia đình.”
-
Hoàng Hậu (bài và ảnh)