221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
889590
Có tiền, giáo dục vẫn chưa tốt
1
Article
null
Có tiền, giáo dục vẫn chưa tốt
,

Chính con số ngân sách tăng gấp 4 lần này, đã chứng minh: Ngành GD khủng hoảng tư duy quản lý nhiều hơn là khủng hoảng tiền!

>>2007- Hiện đại hóa giáo dục với chi phí thấp

Dân muốn thi trắc nghiệm, cũng “đùng một cái” cho thi trắc nghiệm nhiều môn. Ảnh: SGGP

Theo thống kê chính thức của Bộ GD-ĐT trên mạng Edu.net cho thấy, năm 2001 ngân sách Nhà nước chi cho GD-ĐT 15.609 tỷ đồng, năm 2006 đã lên tới 55.300 tỷ đồng. Chưa kể dân đóng góp bằng 30% ngân sách và 1.109 triệu USD vay vốn ODA.

Trong khi đó, học sinh – sinh viên nhìn chung không tăng. Giáo viên tăng từ 800.000 lên 1 triệu người. Thế mà, chất lượng GD vẫn luôn là mối lo lắng hàng đầu của xã hội!

Một khi ngành GD không trả lời được một cách cụ thể về cách ”xài tiền” thời gian qua; sẽ là không sòng phẳng trước nhân dân, và như thế tiền đổ vô GD bao nhiêu cũng như “gió vào nhà trống”! Phải chăng đã quá rõ ràng để thấy rằng tiền tuy là điều kiện cần, song chưa phải là đủ để giải quyết bài toán GD hiện nay.

Cũng chính con số ngân sách tăng gấp 4 lần này, đã chứng minh: Ngành GD khủng hoảng tư duy quản lý nhiều hơn là khủng hoảng tiền! Triết lý GD Việt Nam trong thời buổi hội nhập, hướng tới mục tiêu nào trong đào tạo nguồn nhân lực? Trong khi chúng ta nói tới “tầm thế giới” của bậc đại học, song buồn thay ở “tầm quốc gia” vẫn còn nhiều vấn đề bế tắc về quản lý chưa giải quyết được. Rồi, đất nước chúng ta cần tỷ lệ bao nhiêu “thầy”, bao nhiêu “thợ”? Mặt khác, bài toán xã hội hóa GD còn quá nhiều lúng túng. 

Giải đúng, với sự tiếp sức đúng mức của xã hội, chúng ta có nguồn nhân lực mạnh. Giải sai, nguồn nhân lực sẽ “què quặt”. Bởi, sẽ có những nhân tài thất học vì..nghèo. Và, bất ổn xã hội cũng từ đây!

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang có những động thái ráo riết cải tổ lại nền GD, đó là tín hiệu mừng. Song, dường như ngành GD đang tập trung giải quyết những điều kêu ca của dư luận xã hội ở mức hiện tượng, mà chưa đi sâu vào bản chất tổng thể và mối liên hệ chằng chịt của sự việc.

Chẳng hạn, dân kêu chuyện “dạy thêm học thêm”, bộ vội vã đưa ra dự thảo cấm, nội dung cũng không có gì mới hơn những điều cấm cũ, vốn dĩ không hiệu lực. Dân kêu thi nhiều, gây căng thẳng, tốn kém.

Bộ có ngay lộ trình bỏ thi ĐH. Nhưng, phương thức tuyển sinh sao cho chính xác thì còn… lúng túng. Dân muốn thi trắc nghiệm, cũng “đùng một cái” cho thi trắc nghiệm nhiều môn.

Trong khi đó, ở các nước, muốn ra được đề thi trắc nghiệm cho chuẩn và chính xác là cả một công nghệ. Và, những người tham gia ra đề phải được đào tạo bài bản. Rồi, ĐH nước ngoài có tỷ lệ tiến sĩ rất cao, và chỉ tiến sĩ mới được làm giảng viên chính. Thế là, lộ trình đào tạo 20.000 tiến sĩ cũng được công bố…

Khi nói về thất bại của cuộc cải cách GD Nhật Bản năm 1982, nguyên Thủ tướng Nhật Iaxuhico Nacaxônê đã phải thốt lên: Nguyên nhân khiến cuộc cải cách thời ấy mang tính chất nửa vời vì thiếu một chủ thuyết rõ ràng.

Cụ thể là, không có một chủ thuyết triết học tư tưởng cấu thành. Một chủ thuyết khung không có, thay vào đó là một tập hợp không mang tính hệ thống, gồm những ý tưởng và những kết luận khác nhau. Không thể xây dựng nên tòa nhà, nếu trước đó không có khung tòa nhà.

Bài học thành công cũng như thất bại trong cải cách GD của nước ngoài cũng có đủ, chúng ta rút ra được gì cho chính mình?

  • Mai Lan (Sài Gòn Giải Phóng)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,