(VietNamNet) - "Trường sư phạm (SP) được coi như "máy cái" về đào tạo giáo viên, nhưng các điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí, đội ngũ giáo viên... trong tình trạng thua kém các trường ĐH khác" - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Thái Nguyên Nguyễn Văn Lợi đặt vấn đề. Đây cũng là nội dung được bàn thảo tại Hội nghị các trường SP, tổ chức ngày 29/12 tại Hà Nội.
Chuyên môn + phương pháp = "2 chân" của giáo viên?
Bàn về đổi mới phương pháp nâng chất lượng đào tạo, GS Nguyễn Đức Chính, ĐHQG Hà Nội nêu kinh nghiệm, để có phương pháp dạy học tích cực, đòi hỏi giáo viên phải có chuyên môn sâu rộng. Cách dạy lý tưởng có thể huy động chất xám người thầy trong việc hướng dẫn tự học cho học sinh.
Tuy nhiên, có chuyên môn và cách dạy phù hợp chưa đủ cấu thành một giáo viên giỏi, mà giáo viên phải biết kiểm tra đánh giá kết quả - đây là kinh nghiệm của giáo viên Mỹ. Để đánh giá được, giáo viên phải có chuyên môn và phương pháp giảng dạy tốt.
Thực tế, ở Việt Nam rất ít giáo viên có khả năng tự đánh giá, ông Chính cho biết. Do vậy, cần phải cải tiến khâu đánh giá để nâng chất lượng đào tạo và tiến đến hội nhập.
Đồng quan điểm, ông Lê Phước Lộc (Trường ĐHSP Cần Thơ) bầy tỏ, trong đào tạo giáo viên ở các trường SP thì không nên thiên quá về chuyên môn hay phương pháp mà phải được phát triển đồng đều. Phương pháp và chuyên môn được coi như "2 chân" của mỗi giáo viên. Nếu chuyên môn không vững sẽ không có phương pháp dạy tốt. Thực tế, tại trường ĐHSP Cần Thơ không thiếu giáo viên chuyên môn giỏi nhưng dạy rất dở...
Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, hiện ở các trường ĐHSP, giảng viên có chức danh GS, phó GS là 5,2% trong khi tỉ lệ bình quân của các trường ĐH là 6,6%. Tương tự, tỉ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học của các trường ĐHSP là 15,5% so với tỉ lệ bình quân của các trường ĐH là 17,5%. Ông Nguyễn Lộc (Trường ĐHSP thuộc ĐH Thái Nguyên) cho rằng, với xuất phát điểm là 15,5% Tiến sĩ như hiện nay, thì đến năm 2015, tỷ lệ 100% giảng viên ĐHSP là Tiến sĩ rất khó đạt được.
Song song với việc đổi mới phương pháp phải có sự đầu tư kinh phí phù hợp, ông Nguyễn Văn Lợi so sánh: so với các trường ĐH khác thì các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, kinh phí, đội ngũ giảng viên... các trường SP còn thua kém. Nhiều trường trong tình trạng cơ sở vật chất "cung" không đáp ứng "cầu": giảng đường không có, ký túc xá mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Cố gắng lắm ĐH Thái Nguyên mới đáp ứng được 50% nhu cầu chỗ ở cho SV.
Thêm nữa, thiết bị lạc hậu nhưng không có kinh phí. Kinh phí nhà nước cấp là 6,3 triệu/SV. Nhưng thực tế, SV SP không phải đóng học phí mà tiền cấp bù chỉ được 5 triệu...
Nhiều ý kiến từ phía các nhà quản lý đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu sâu hơn về hiệu quả chính sách miễn học phí cho SV SP bởi “đó không phải thực sự là cách hấp dẫn người giỏi”. Học phí 4 năm chỉ khoảng 8 triệu đồng, chưa đủ hấp dẫn đối với nhiều SV giỏi.
"Tuổi đời" 40 năm vẫn "âm" giảng viên chính?
Đi cùng với các điều kiện nêu trên, không ít ý kiến cũng "mổ xẻ" những bất cập từ chủ trương đã làm chậm sự phát triển các trường trong công tác đào tạo. Hiệu trưởng trường CĐ Văn hoá Nghệ thuật (Nghệ An) Lê Tài Hoè bức xúc, một thực tế khá phổ biến ở các trường hiện nay là thiếu giáo viên dạy chuyên môn nhưng lại thừa giáo viên kiêm nhiệm dẫn đến rất nhiều SV giỏi ra trường không có việc làm...
Một "rào cản" từ quy định của Bộ GD-ĐT cũng gây khó cho các trường mới thành lập: hàng năm các trường phải đáp ứng 40% giảng viên chính đứng lớp. Mặc dù có "tuổi đời" 40 năm đào tạo, nhưng trường mới nâng cấp thành CĐ Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An vẫn phải thực hiện quy định "cứng" là "giáo viên dạy CĐ 9 năm mới được thi giảng viên chính..."
Ông Hoè phân tích, đây là quy định gây khó cho một số trường vì bất cập ở chỗ: Nếu không có bằng Thạc sỹ thì quy định đó là hợp lý, nhưng đã có thì Bộ phải xem xét hình thức chuyển đổi...Chứ, bản thân làm Hiệu trưởng đã có bằng Thạc sĩ và 13 năm làm giảng viên Trung học cao cấp vẫn chưa được là giảng viên chính.
Theo định hướng của Bộ GD-ĐT đến năm 2010 các trường phải đáp ứng 35% số giảng viên có trình độ Thạc sĩ thì đến nay trường đã đạt tương đương, với 14 giảng viên (đạt 35%) có trình độ Thạc sỹ, nhưng lại chưa có giảng viên chính.
Phải tốt nghiệp ĐH mới được vào học SP?
GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH An Giang đề xuất: Đào tạo giáo viên như mô hình và phương pháp hiện nay khó có giáo viên giỏi, chuyên môn sâu nếu các trường SP dạy cho giáo sinh lý thuyết còn thực hành lại "đẩy" về các trường phổ thông trong thời gian kiến tập. Cần đổi mới tư duy, lấy đầu vào SP là người đã tốt nghiệp ĐH thay vì đầu vào tốt nghiệp lớp 12 như hịên nay.
GS Võ Tòng Xuân phân tích, đào tạo giáo viên là đào tạo nghề. Do vậy, người thầy không chỉ có kiến thức phổ thông mà cả kiến thức ĐH. Với nền kiến thức và phương pháp học tập đã qua đào tạo ở bậc ĐH, người học sẽ có đủ kiến thức chuyên sâu để tiếp nhận thêm kiến thức chuyên ngành SP... Theo ông, trường SP chỉ nên tồn tại 3 khoa gồm Khoa học tự nhiên (KHTH), Khoa học xã hội (KHXH) và khoa SP.
Nhiều ý kiến từ phía các nhà quản lý cho thấy xu hướng các trường muốn chuyển sang đa ngành. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bành Tiến Long đặt vấn đề: việc đổi mới các trường SP sang đa ngành phụ thuộc vào chính nội lực các trường. Xu hướng này cho thấy rất rõ ở các trường CĐSP địa phương. Nhưng dù chuyển sang đào tạo đa ngành các trường vẫn phải duy trì tính truyền thống là đào tạo SP.
Định hướng của Bộ GD-ĐT trong những năm tới, sẽ từng bước chuyển các trường CĐSP địa phương sang đào tạo đa ngành, trong đó có khoa SP. Không thành lập thêm các trường ĐHSP ở các địa phương theo mô hình khép kín, nếu các trường ĐH địa phương thành lập mới trên cơ sở trường CĐSP thì phải là trường ĐH đa ngành, các trường ĐHSP trực thuộc Bộ GD-ĐT cũng từng bước chuyển thành trường ĐH đa ngành với tỉ lệ khoảng 40% đào tạo GV, 60% đào tạo các ngành khác.
-
Kiều Oanh - Lan Hương