(VietNamNet) - Đây là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra tại diễn đàn quốc tế "gia nhập WTO và đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam" do Hội đồng Quốc gia giáo dục và Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay.
Các học viên nhận bằng thạc sĩ MBA của một chương trình liên kết đào tạo giữa ĐHQG Hà Nội và ĐH của Mỹ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Diễn ra trong 2 ngày, với sự tham gia của nhiều đại biểu của các tổ chức Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng châu Á, UNESCO và các trường ĐH Thái Lan, Canada, Pháp, v.v ,diễn đàn xoay quanh các nội dung: Cơ hội và thách thức, Vai trò của Chính phủ, Các giải pháp ưu tiên, WTO và giáo dục ĐH, Bảo vệ người học và các giải pháp khác.
WTO là tổ chức thương mại thế giới hiện có 150 nước thành viên. Quan điểm cơ bản của WTO coi giáo dục là 1 trong 12 ngành dịch vụ thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS). Dịch vụ này cần được từng bước tự do hóa thương mại trên cơ sở đàm phán. GATS thúc đẩy giáo dục xuyên biên giới nhằm mục đích lợi nhuận.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, Bộ GD-ĐT đã trình bày "kịch bản ba hồi" về tình hình giáo dục Việt Nam trước khi gia nhập WTO, sau khi gia nhập WTO trước khi thực hiện các cam kết về GATS và sau khi gia nhập WTO với việc thực hiện cam kết về GATS.
Ông khẳng định, ngoài những đặc trưng chủ yếu làm nền giáo dục Việt Nam đổi mới vừa qua, giáo dục ĐH Việt Nam sau WTO sẽ có một đặc trưng mới: chấp nhận thị trường giáo dục.
Bước chuyển này trong giáo dục cũng vất vả trong nhận thức và khó khăn trong các hành động như bước chuyển cách đây 20 năm khi chấp nhận thị trường kinh tế.
Theo TS Jane Kninght, Trung tâm phát triển giáo dục quốc tế, Viện Ontarino về nghiên cứu giáo dục (ĐH Toronto, Canada), hoạt động giáo dục đã di chuyển giữa các quốc gia trong nhiều năm thông qua hợp tác phát triển, trao đổi tri thức và bây giờ là các mục tiêu thương mại. Các hiệp định thương mại song phương, đa phương và lĩnh vực tồn tại, các quy tắc của các hiệp định này được áp dụng cho giáo dục ĐH. Đó là một thực tế mà giáo dục ĐH cần đối mặt và hành động.
Trong khi đó, GS N.V Varghese, Giám đốc bộ phận giáo dục ĐH và giáo dục chuyên ngành, IIEP (UNESCO) cho rằng, thương mại giáo dục vẫn tồn tại hiện tượng không thể chấp nhận. Ông nhận thấy sự lo ngại khi tình trạng thương mại không bình đẳng giữa các đối thủ cạnh tranh, giữa các cơ sở giáo dục từ các nước phát triển và từ các nước đang phát triển có thể dẫn tới sự giảm sút bình đẳng.
-
Hạ Anh