(VietNamNet) - Đào tạo 20.000 TS và dẫn dắt đội ngũ kế cận là nhiệm vụ mà Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đề ra với đội ngũ nhà giáo có chức danh, học vị cao trong buổi gặp mặt thân mật các GS và Nhà giáo Nhân dân vừa được phong tặng năm 2006 nhân Ngày nhà giáo VN 20/11.
Bộ trưởng GD-ĐT trao huy chương và tặng hoa cho các nhà giáo nhân dân vừa được công nhận năm 2006 nhân ngày Nhà giáo VN. Ảnh: L.H |
Hiện nay, cả nước ta mới có 1.217 GS, chiếm khoảng 1% số lượng cán bộ nhân viên ngành giáo dục.
Số lượng PGS hiện có là 5.975 người.
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh rằng: “Cần phải có biện pháp để sử dụng tối đa nguồn tri thức đỉnh cao này.”
Vì thế, Bộ trưởng cho biết thời gian tới Bộ sẽ làm việc với Bộ Nội vụ, với Thủ tướng và trình Chính phủ văn bản về vấn đề sử dụng chất xám sau khi về hưu của những nhà giáo có học vị GS, PGS, TS.
Theo ông Nhân, để đạt tới chức danh GS, một nhà giáo, nhà khoa học phải mất tới 30 năm miệt mài, tận tâm, tận lực làm việc không ngừng nghỉ với hiệu suất cao.
Vì thế sau khi nghỉ hưu, cần tạo điều kiện để các GS có sức khoẻ và nhiệt tình tiếp tục công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Đạt tới chức danh GS, danh hiệu Nhà giáo nhân dân tức là các thầy, cô giáo đã đạt tới đỉnh cao nhất về chuyên môn. Vì thế, công việc tiếp theo sẽ là đào tạo đội ngũ kế cận.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân mong rằng “Trong thời gian tới, bên cạnh mỗi GS sẽ là một PGS.” Đồng thời, Bộ trưởng cũng đặt ra nhiệm vụ của các GS, PGS là đào tạo thêm 20.000 TS trong 10 năm tới.
Bộ trưởng cũng đề nghị xem xét vấn đề “chỗ ngồi” cho các GS, không thể tiếp tục để tình trạng GS không có bàn làm việc, không có chỗ tiếp khách. Với những GS gặp khó khăn về nhà ở, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho thuê căn hộ giá rẻ hoặc mua trả góp để các GS yên tâm công tác.
-
Lan Hương