221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
864066
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa "sơ kết" nói không với tiêu cực
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa 'sơ kết' nói không với tiêu cực
,

(VietNamNet) - "Kiểm điểm" sau 3 tháng mở cuộc vận động "nói không với tiêu cực trong thi cử", thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người "khơi mào" cho cuộc vận động, đã gửi tới VietNamNet bài viết với băn khoăn khi ngày nhà giáo Việt Nam sắp đến: Làm thế nào để ngành giáo dục trở về đúng nghĩa của hai chữ giáo dục? Làm thế nào để tiêu cực  giáo dục giảm đi?

"Hậu" tiêu cực: đuổi việc giáo viên, bao che lãnh đạo

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ giáo viên Đỗ Việt Khoa.

Hiếm có khi  nào, những tiêu cực giáo dục lại được dư luận xã hội quan tâm mổ xẻ như thời gian gần đây.

Thế nhưng, cách xử lý những vụ tiêu cực vừa qua là chưa triệt để, không đủ sức răn đe.

"Hậu tiêu cực" của những vụ việc điển hình mà Bộ GD - ĐT thống kê sau 3 tháng  mở cuộc vận động "nói không với tiêu cực trong thi cử" là một minh chứng.

Vụ tiêu cực thi ở Hà Tây: Tiêu cực một cách có hệ thống do sự tiếp tay, làm ngơ của lãnh đạo hội đồng thi. Việc diễn ra trong nhiều năm, ảnh hưởng đến hàng chục ngàn HS trong tỉnh, tạo nếp xấu trong giáo dục.

Vậy nhưng, mức xử lý được vận dụng là mức thấp nhất trong 5 mức kỷ luật công chức: 1 lãnh đạo bị cảnh cáo và 7 lãnh đạo khác bị khiển trách. Bộ trưởng yêu cầu nâng mức kỷ luật thì được đối phó bằng cách cho chuyển 1 vị đi nơi khác và... tiếp tục làm lãnh đạo. Thực chất cách xử lý là vẫn giữ nguyên mức kỷ luật cũ cho tất cả các cá nhân vi phạm. Đến nay, Bộ GD- ĐT vẫn lúng túng trong việc xử lý thí sinh có bài thi giống nhau.

Vụ cả hội đồng thi chép bài giống nhau ở Hội đồng thi tốt nghiệp bổ túc Trừ Văn Thố (Cai Lậy, Tiền Giang): Lúc đầu, giáo viên tố cáo lên chủ tịch hội đồng. Chủ tịch định kỷ luật người tố cáo. Thế là ra báo chí lên tiếng. Lúc đầu, lãnh đạo Sở làm ra vẻ quyết liệt,  nhưng đến nay các cá nhân trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ bị cảnh cáo hoặc khiển trách, và ra  thông báo "phản giáo dục": "Lãnh đạo trường khi tiếp xúc báo chí thì phải thông qua Sở. Giáo viên muốn tiếp xúc hay gửi bài cho báo phải thông qua ban giám hiệu duyệt”(!)

Vụ "loạn thi" ở Nam Đàn II- Nghệ An: Chuyện tặng bằng khen cho người tố cáo có phải chỉ là xoa dịu dư luận, mà bỏ qua trách nhiệm của lãnh đạo hội đồng thi?

Vụ "chạy trường" ở Trường THPT Lê Quý Đôn - TP.HCM: Những cá nhân sai phạm như bà hiệu trưởng có bị xử lý nghiêm hay sẽ được chuyển tới vị trí công tác khác trong thành phố?

Vụ Trường THPT Gò Vấp: Dấu hiệu tham nhũng, trù dập người tố cáo của hiệu trưởng có ngay từ đầu. Nhưng đến nay mới chỉ cách chức ông này mà không khởi tố tội danh  tham nhũng? Các giáo  viên đấu tranh bị trù dập chưa được phục hồi công tác. Liệu nay mai, dư luận nguôi đi, ông nguyên hiệu trưởng có được  lên Sở công tác hay tiếp tục làm lãnh đạo ở một trường nào đó?

Nhiều lãnh đạo vi phạm đạo đức tư cách, tham nhũng nhưng sau khi bị xử lý thì tiếp tục làm lãnh đạo, hoặc chuyển công tác tương đương, có khi lên cấp cao hơn.

Nhưng hễ giáo viên vi phạm kỷ luật thì: Đuổi việc là phổ biến. Xử trên nhẹ, xử dưới nặng là kiểu hành xử lâu nay còn tồn tại  ở các cấp, các ngành.

Thuốc đặc dụng: Thay đổi cơ chế quản lý

Muốn chống tiêu cực giáo dục, cần có hàng loạt biện pháp. Chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục cũng là một cách khởi đầu.

Một liều thuốc rất đặc dụng là phải thay đổi cơ chế quản lý.

Bộ GD-ĐT mở cuộc vận động  "nói không" với tiêu cực giáo dục. Nhưng không ít hiệu trưởng và  lãnh đạo giáo dục địa  phương lại "nói không" với cuộc vận động đó: vẫn ép giáo viên chỉ tiêu lên lớp, chỉ tiêu học lực và hạnh kiểm. Vì lợi ích cục bộ, một bộ phận không nhỏ các nhà quản lí giáo dục, thầy cô giáo đã tham gia hoặc tiếp tay cho tiêu cực.   

Chúng ta đang quản lý theo cơ chế ngành ngang. Hiệu trưởng các trường thì do UBND các cấp tương đương bổ nhiệm. Dù tốt dù xấu, cứ hết 5-10 năm thì luân chuyển đi nơi khác. Chuyện phải cho thôi chức giữa chừng để thay bằng người khác có ích hơn vẫn được xem như chuyện nhạy cảm, làm mất danh dự nhau.

Vậy nên chuyển cơ chế quản lý hiện nay sang quản lý ngành dọc là tốt nhất. Khi đó, ngành giáo dục tự chủ, sẽ làm việc theo tiêu chí của mình mà khỏi chịu áp lực từ địa phương.

Chấn chỉnh lại công tác thanh tra cũng là một biện pháp chống tiêu cực. Cấp nào cũng có thanh tra, nhưng lại do lãnh đạo đơn vị quản lý thì thử hỏi, có  ai dám thanh tra lãnh đạo của mình không?

 Theo tôi, nên giải tán lực lượng thanh tra ở các đơn vị hiện nay, thay bằng thanh tra chuyên ngành, theo ngành dọc từ trên xuống.

Việc sử dụng báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực rất hiệu quả. Những vụ tiêu cực vừa qua đều do sức ép của báo chí mới được xử lý.  Đáng tiếc, một số nơi đã vẽ ra luật riêng: cấm hoặc hạn chế tiếp xúc báo chí, vì lý do bí mật nội bộ!

Cần bổ sung điều luật khuyến khích bảo vệ người tố cáo. Hầu hết, các vụ tiêu cực vừa qua là do người dân tố cáo, thầy cô giáo tố cáo, báo chí phanh phui. Người bị tố cáo là lãnh đạo trường, nên rất dễ bị trù dập. Thế nhưng hiện chưa có biện pháp nào bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả.

Tài năng của lãnh đạo rất cần. Nhưng cái cần hơn nữa là sự công tâm, trong sáng. Thế mới tạo được niềm tin cho thầy cô cống hiến.

Không ít hiệu trưởng các trường thiếu liêm khiết, không nhận được tín nhiệm của giáo viên. Vậy có nên cho thôi chức?

Ở nước ta, người ta còn có tâm lý coi việc được làm lãnh đạo là cái đích để kiếm chác, để nổi danh, chứ không phải để cống hiến. Sai phạm rồi vẫn tìm mọi cách để giữ ghế. Sai phạm rồi thì sau đó lại  được chuyển đi công tác ở cấp cao hơn. Cần phải có biện pháp chấm dứt tình trạng này, vì nó làm mất lòng tin ghê gớm cho xã hội.

Bản thân mỗi thầy cô giáo, cần tự đổi mới trau dồi kiến thức của mình để  không chỉ dạy HS kiến thức tốt hơn, mà còn phải  dạy kỹ năng sống: sống có trách nhiêm đối với xã hội, sống trung thực dám nói, dám làm, dám đấu tranh với tiêu cực.

  • Đỗ Việt Khoa (giáo viên Trường THPT Vân Tảo, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây)

Ý kiến của bạn:
 

 

  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,