(VietNamNet) - "Sau khi có công bố Nghị định thư gia nhập WTO và các văn kiện kèm theo, ngành giáo dục, dựa vào các cam kết của Việt Nam, cần phải sớm có một chiến lược để khai thác các cơ hội và “trung hoà” hoặc thậm chí đảo ngược các thách thức thành ra một khía cạnh nào đó của cơ hội".
GS Phạm Phụ cho biết trong cuộc trao đổi nhanh với VietNamNet sau thời khắc lễ kết nạp VN trở thành thành viên thứ 150 của WTO.
Tham khảo thông tin tại một triển lãm du học. Hiện, đã có đến 72 dự án GD đào tạo của nước ngoài ở VN |
Ít ra là cũng đã 3-4 năm nay, từ việc xây dựng pháp luật ở Quốc hội cho đến tăng khả năng cạnh tranh ở các doanh nghiệp, cả xã hội như đều “hối hả” cho việc gia nhập WTO. Thưa GS, còn đối với ngành giáo dục?
Dưới cái nhìn của WTO, giáo dục (GD), đặc biệt là giáo dục đại học (GDĐH), được xem như là một loại “hàng hoá dịch vụ cá nhân”, một trong 12 nhóm ngành dịch vụ trong “Hiệp định đa phương thương mại dịch vụ” GATS, thuộc WTO.
Còn ở VN, GD vẫn còn nằm trong cách nghĩ truyền thống là một loại “dịch vụ công” chủ yếu do Nhà nước cung cấp. Có lẽ do vậy, GD VN như chưa có được những sự chuẩn bị cần thiết.
Vậy thưa GS, khi VN gia nhập WTO, điều gì sẽ xảy ra đối với lĩnh vực này?
Thương mại dịch vụ nói chung và GD nói riêng có 4 phương thức: Thứ nhất, “Cung cấp xuyên biên giới”, người cung cấp và người tiêu thụ không phải di chuyển, ví dụ như GD từ xa; Thứ hai, “Tiêu thụ ở nuớc ngoài”, người tiêu thụ di chuyển đến nước của người cung cấp, ví dụ như du học; Thứ ba, “Hiện diện thương mại”, người cung cấp lập cơ sở GD ở nước ngoài, ví dụ như nước ngoài lập trường ĐH ở VN; và Thứ tư, “hiện diện thể nhân”, người cung cấp tạm thời đến với người tiêu thụ, ví dụ GS nước ngoài đến VN làm việc, hoặc ngược lại.
Thổi bùng lên ngọn lửa: Bay lên Việt Nam qua SMS Cánh cửa WTO đã rộng mở chào đón Việt Nam. Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn qua VietNamNet bằng cách: Soạn tin: VNN nội dung thông điệp gửi tới 996 Mời quý vị bấm vào đây để theo gửi và nhận những thông điệp nhân sự kiện quan trọng này.
Như vậy, khi tham gia WTO, GD VN cũng phải tính đến các vấn đề của thị trường như: cung – cầu, cạnh tranh, hiệu quả, đem lại sự thoả mãn cho người học, bảo vệ người học v.v… Cạnh tranh bây giờ không chỉ là giữa các cơ sở GD trong nước với nhau mà cả với cơ sở GD của nước ngoài, cạnh tranh nguồn lực, số SV được tuyển, mức học phí, lương giáo viên, cạnh tranh thu hút thầy giáo giỏi, SV giỏi v.v…
Với các vấn đề GS vừa nêu, có lẽ GD VN còn như “lạ lẫm”. Vậy phải chăng, chỉ có những thách thức đối với lĩnh vực GD?
Trước hết là cơ hội, về phía Nhà nước, đây là cơ hội để có thể tăng đầu tư cho GD, có thể có những chương trình GD chất lượng cao vượt quá khả năng của GD trong nước, góp phần đổi mới GD trong nước về quản lý, về chương trình, về khả năng cạnh tranh vv… Về phía người dân, đây là cơ hội để mở rộng khả năng lựa chọn chương trình GD, có thể có chương trình chất lượng cao với giá rẻ hơn, đi học không phải xa gia đình và rời bỏ công việc đang có, có thêm kỹ năng “liên văn hoá”, có thêm cơ hội việc làm tốt v.v…
Còn về thách thức, về phía Nhà nước, việc mở rộng thương mại dịch vụ GD sẽ làm giảm một phần nào đó vai trò của Nhà nước, ảnh hưởng đến bản sắc văn hoá, giá trị truyền thống, làm gia tăng bất bình đẳng vốn có về GD, đe doạ khả năng cạnh tranh của các cơ sở GD VN trong việc thu nhận thầy giáo và SV giỏi vv… Về phía người dân, có thể bị lừa đảo về tiền bạc, về chất lượng GD…, có thể bị chiếm mất những vị trí công việc tốt, có thể bị ảnh hưởng xấu về văn hoá, đạo đức, vv… Một trong 3 luồng di chuyển tự do trong toàn cầu hoá là di dân. Di dân vừa tạo ra thị trường lao động toàn cầu, cũng vừa là việc có thể bị xuất/nhập bạo lực và khủng hoảng.
Vậy là cơ hội cũng lắm mà thách thức, nguy cơ cũng không phải là ít?
Cơ hội không hẳn là lợi ích mà thách thức cũng không nhất thiết là tác hại. Xin lấy một ví dụ, Chính phủ Nhật biết rằng, GD có thuộc tính “bảo thủ cơ hữu”, vì vậy, họ đã dùng WTO để gây áp lực đối với cải cách GD trong nước.
"Cơ hội không hẳn là lợi ích mà thách thức cũng không nhất thiết là tác hại" |
Vấn đề là, sau khi có công bố Nghị định thư gia nhập WTO và các văn kiện kèm theo, ngành GD, dựa vào các cam kết của VN, cần phải sớm có một chiến lược để khai thác các cơ hội và “trung hoà” hoặc thậm chí đảo ngược các thách thức thành ra một khía cạnh nào đó của cơ hội, như ví dụ nói trên của Nhật.
Cũng từ đó, VN mới có thể đưa ra những cam kết cụ thể đối với GATS sau này về nghĩa vụ “đối xử quốc gia”. Nghĩa là, phải có sự bình đẳng giữa nước ngoài và trong nước, cũng như các hạn chế về “tiếp cận thị trường”.
Thế còn việc gì “phải làm ngay”, thưa GS?
Trước hết là phải tuyên truyền, phổ biến các cam kết của VN trong lĩnh vực GD và có ngay các quy định để bảo vệ người học, “người tiêu dùng”.
Trên thực tế, đã có đến 72 dự án GD đào tạo của nước ngoài ở VN. Trong đó, có 1 trường ĐH, 5 trường phổ thông, 3 nhà trẻ, có khoảng 40.000 SV đang du học ở nước ngoài, có cả GD từ xa, một loại dịch vụ rất dễ đánh lừa “khách hàng”, v.v…
Cũng đã có nhiều cung cách tiếp thị, cung cách cung cấp thông tin dễ gây ra sự ngộ nhận, thậm chí cũng đã có sự lừa gạt SV VN.
Chúng ta lo “bảo vệ người tiêu dùng” hàng hoá vật phẩm nhưng lại như quên đi chuyện bảo vệ người tiêu dung hàng hoá dịch vụ, một loại hàng hoá thường có chất lượng biến thiên rất cao và rất khó nhận biết. Hơn nữa, dịch vụ ở đây lại là GD.
Xin cám ơn GS.
-
Hạ Anh (thực hiện)
Ý kiến của bạn: