Trong bài viết "Gia nhập WTO, cơ hội - thách thức và hành động của chúng ta", Thủ tướng Chính phủ khẳng định điều này.
Chính phủ xác định, trong cải cách giáo dục, sẽ giải quyết trước việc cải cách giáo dục đại học và dạy nghề |
Vài năm trở lại đây, đã có nhiều tranh cãi gay gắt xung quanh
việc làm sáng tỏ "có hay không thị trường giáo dục", "giáo dục có phải là hàng hóa" và chưa có một ngã ngũ chính thức nào.
Thậm chí, trong buổi thảo luận trước Quốc hội sáng 7/11/2006 về tình hình giáo dục, đại biểu Đỗ Nguyên Phương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nhấn mạnh rằng, khi gia nhập WTO, giáo dục Việt Nam đứng trước thách thức của cơ chế thị trường: WTO có quan điểm về thị trường giáo dục và giáo dục trong thị trường, "mà chúng ta không thể thương mại hoá giáo dục".
Thủ tướng khẳng định chấp nhận cơ chế thị trường trong đào tạo ĐH thuộc các ngành kỹ thuật - công nghệ và dạy nghề để huy động các nguồn lực nhằm phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo gắn liền với việc thực hiện đầy đủ cơ chế thị trường trong việc trả lương cho người lao động.
Đó là một trong những hướng đi chính để giải quyết bài toán nhân lực cạnh tranh gắt gao về nguồn nhân lực.
Đồng thời, từ quan điểm hệ thống và bảo đảm tính liên thông trong hệ thống giáo dục - đào tạo từ phổ thông - đại học và dạy nghề, giải quyết trước việc cải cách giáo dục đại học và dạy nghề. Theo đó, VN sẽ học tập kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục đại học và dạy nghề tiên tiến để chọn lọc, sử dụng. Trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất trong những nguyên tắc lớn và sự quản lý thống nhất của nhà nước đối với giáo dục và đào tạo, phát huy tính tự chủ, bản sắc riêng và tính cạnh tranh trong đào tạo đại học và dạy nghề. Nhà nước sẽ đầu tư nhiều hơn cho những ngành nghề cần thiết nhưng tính cạnh tranh thấp.
"Hiện tại, chúng ta chỉ có lợi thế cạnh tranh thực tế trong những ngành nghề đòi hỏi sử dụng nhiều lao động với kỹ năng trung bình và thấp. Những lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn, đòi hỏi trình độ cao, chúng ta đang rất thiếu và do đó làm hạn chế khả năng thu hút đầu tư vào những lĩnh vực này như cơ khí chế tạo, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, tư vấn thiết kế, tạo mẫu và trong các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao...", Thủ tướng nhận xét.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hội nhập vào sân chơi chung, chúng ta phải tự hỏi, "mình có cái gì để đem đến sân chơi ấy". Đây thực chất là vấn đề nguồn nhân lực, để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, phải là nhân lực có trí tuệ cao, có khả năng tư duy sáng tạo và tay nghề cao.
Cuộc chơi này, khá sòng phẳng, ở chỗ, ai trí tuệ hơn, sẽ có lợi hơn, trí tuệ để làm ra những sản phẩm có tính cạnh tranh lớn.
"Rõ ràng, nguồn nhân lực ấy chỉ có thể có được nhờ vào giáo dục", ông Chức khẳng định.
"Nhìn nhận nghiêm túc, rõ ràng, giáo dục chưa đủ đáp ứng yêu cầu hội nhập. Chúng ta cũng đang thiếu thầy và cả thợ theo đúng nghĩa, không phải "thừa thầy, thiếu thợ" như vẫn nói. Do vậy, tạo nguồn nhân lực cạnh tranh, xác định ưu tiên đầu tư cho đào tạo ĐH và dạy nghề phải là ưu tiên cần thiết".
-
Hạ Anh
Ý kiến của bạn: