(VietNamNet) - “Để mở rộng hệ thống các trường đại học, phải đảm bảo không có nhiều ràng buộc cầu kỳ. Càng đơn giản, càng giải phóng khỏi những luật lệ thì càng kích thích sự phát triển”. Những nhà làm giáo dục Hoa Kỳ mà chúng tôi có dịp trao đổi ngày 13/10 cho biết.
TS Mark.A.Ashwill (Giám đốc Viện Giáo dục quốc tế tại Việt Nam):Chính phủ không nên can thiệp quá sâu vào việc của các trường
Mark.A.Ashwill |
Khi đã xây dựng quy chế trao quyền tự chủ cho các trường thì Chính phủ, với tư cách là đại diện cho nhân dân không nên can thiệp quá nhiều vào công việc nội bộ của mỗi trường.
Chính phủ sẽ chỉ có trách nhiệm đề ra các tiêu chuẩn về học thuật, giám sát việc sử dụng nguồn tài chính của các trường.
Ở Mỹ, chúng tôi có những Hội đồng kiểm định chất lượng để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo.
Các hội đồng này không phụ thuộc vào Chính phủ mà chỉ hợp tác với Chính phủ trong quá trình hoạt động.
Các trường phải tự ý thức được việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp yêu cầu của SV và toàn xã hội.
Roger Young (Giám đốc bộ phận quan hệ quốc tế, trường Saint Benedict, ĐH Saint John's): Cơ hội để cạnh tranh lành mạnh
Dù tự chủ hay quản lý chặt thì mục tiêu quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo, cho nên tôi nghĩ một trong những điều cần chú trọng là chương trình đào tạo.
Không quá cứng nhắc là chương trình phải theo chuẩn chung hay để các trường tự lên "phom", mà là có đáp ứng được nhu cầu tiếp thu kiến thức của sinh viên hay không.
Để xác định điều này, thì có thể có nhiều cách thức. Chẳng hạn, lấy những ý kiến nhận xét và góp ý định kỳ của sinh viên, mời những nhà chuyên môn đánh giá thêm.
Càng ngày, giáo dục càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Một vài cơ hội tiếp xúc và làm việc ít nhiều có liên quan đến giáo dục Việt Nam, tôi cũng nhận thấy đòi hỏi rất lớn về việc phát triển giáo dục tại đây, từ sinh viên, từ các thành phần người dân.
Tôi ủng hộ việc để các trường đại học tự chủ, vì tôi nghĩ tự chủ là tự động trong những gì liên quan đến mình. Điều này các trường phải rõ hơn ai hết trách nhiệm phải nỗ lực, và điều này mang lại sự cạnh tranh lành mạnh rất tốt.
Ông Mark Halett (Giám đốc chương trình SV và Học bổng quốc tế, ĐH Colorado State): “Đơn giản hoá luật lệ sẽ kích thích sự phát triển”
Cùng với sự mở rộng về số lượng các trường đại học ở Việt Nam, tôi nghĩ việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng là điều rất phù hợp.
Một đất nước có 80 triệu dân với dân số trẻ, thì đòi hỏi đối với giáo dục sẽ ngày càng nhiều, càng lớn mạnh.
Vì thế, để mở rộng hệ thống các trường đại học, bạn phải đảm bảo không có nhiều ràng buộc cầu kỳ.
Càng đơn giản, càng giải phóng khỏi những luật lệ thì càng kích thích sự phát triển.
Tuy nhiên, khi chính phủ muốn chắc chắn rằng các trường không đi sai lệch hướng đi chung, cũng cần phải có một cơ chế chung để có cái nhìn tương đối tổng quát về các trường.
Tôi nghĩ học phí cao đôi khi cũng có thể sẽ gây khó khăn cho sinh viên và phụ huynh. Ở mặt khác, với sự phát triển của nền kinh tế, sẽ rất nhiều sinh viên tốt nghiệp có thể yên tâm sẽ tìm được công việc có thu nhập ổn.
Một điều mà tôi rất mong Việt Nam sẽ sớm có là một vài chương trình giống như hình thức ở Mỹ, các nhà doanh nghiệp hỗ trợ cho sinh viên vay tiền để học và sau đó, sinh viên tốt nghiệp sẽ hoàn trả.
TS. Steven Harvey (Giám đốc Trung tâm quốc tế, ĐH Southern New Hampshire): Cần cơ quan kiểm định giáo dục độc lập
TS. Steven Harvey |
Ở VN, các SV đều học trong một khoảng thời gian giống nhau, học cùng một lớp, chung một chương trình. Trong khi đó, hệ thống ĐH ở Mỹ lại xây dựng rất nhiều lựa chọn cho người học. SV được phép lựa chọn học những gì mình thích, những gì mình cho là cần thiết đối với công việc và cuộc sống sau này.
Các trường ĐH và CĐ ở Mỹ luôn được đặt trong cuộc cạnh tranh để giành SV. Vì vậy, chúng tôi phải nghiên cứu thị trường và không ngừng sáng tạo để xây dựng nên một chương trình tốt nhất cho người học, đáp ứng được yêu cầu của SV và nhu cầu xã hội.
Chính phủ chỉ có trách nhiệm cấp giấy phép và đề ra một số quy định chuẩn.
Khi đã có giấy phép hoạt động, chúng tôi được làm bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng cứ 10 năm một lần, sẽ có một cơ quan độc lập kiểm định chất lượng giáo dục của các trường. Những trường không đủ tiêu chuẩn sẽ bị rút giấy phép hoạt động. Cơ quan này cũng chỉ ra những nhược điểm của từng trường và các trường sẽ phải khắc phục ngay.
Bên cạnh đó, cơ quan này còn đưa ra một bảng xếp hạng các trường dựa theo chất lượng kiểm định. Những trường không được nằm trong bảng xếp hạng, đồng nghĩa với chất lượng quá kém sẽ không có hoặc có ít SV theo học và dẫn đến khó khăn lớn về tài chính. Vì vậy mà dù Chính phủ không quản lý nhưng các trường vẫn phải nâng cao chất lượng để thu hút SV.
Tôi được biết, vừa qua ở Dubai, Chính phủ cũng vừa thành lập một Hội đồng kiểm định và mời một số chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục hàng đầu của Mỹ về giúp đỡ.
Theo tôi, VN cũng nên làm như vậy. Thêm nữa, Chính phủ cũng phải trao quyền tự chủ cho cả các hội đồng này, hãy để cho hội đồng đó làm việc độc lập với các trường.
Theo tôi, hội đồng này nên bao gồm những giảng viên, nhà quản lý của các trường ĐH, CĐ. Họ sẽ thực hiện kiểm tra chéo lẫn nhau để đảm bảo tính khách quan.
Sally Spencer (điều phối viên chương trình SV quốc tế, ĐH Puget Sound): Phải minh bạch về tài chính
Ở Mỹ, cả các trường tư tự chủ trong chi tiêu lẫn các trường công nhận sự hỗ trợ về kinh phí từ chính phủ đều được chủ động làm những gì họ muốn. Các quy tắc, luật lệ chung, nếu có, cũng chỉ là những hướng dẫn tổng quát.
Theo tôi, cơ quan nhà nước không cần phải kiểm soát quá sâu sát tới hoạt động của các trường đại học.
Với xu hướng mở này, nếu các trường được tự do quyết định và chịu trách nhiệm tới những điều liên quan đến mình, như tài chính, chương trình... thì sẽ thúc đẩy sự phát triển cũng như cạnh tranh.
Tuy nhiên, điều quan trọng trong việc kiểm soát việc hoạt động độc lập của họ là đặt ra những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn đối với các trường.
Tôi không biết rõ cách thức vận hành của cơ quan điều hành chính phủ ở Việt Nam, nhưng nếu có thể thì chú ý đến khía cạnh tài chính.
Dù nhiệm vụ giáo dục là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với một cơ sở đào tạo nhưng một khi để tự do, thì điều cần chú ý nhất nên tránh sai phạm ở các yếu tố vận hành khác. Liên quan đến tiền nong luôn là những điều tế nhị nhưng lại càng cần sự minh bạch.
-
Hoàng Lê - Lan Hương (thực hiện)
Ý kiến của bạn xin gửi về: hotnews@vasc.com.vnn hoặc gửi trực tiếp theo mẫu góp ý dưới đây.