(VietNamNet) - "Hiện nay, thậm chí Trường ĐH FPT còn chưa có hồ sơ mở ngành. Nếu hoàn thiện theo đúng quy định thì khâu xét duyệt hồ sơ không mất nhiều thời gian" - Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH ( Bộ GD-ĐT) cho biết về lý do chưa cho phép Trường ĐH FPT tuyển sinh theo thông báo ngày 5/10.
ĐH FPT dự kiến tuyển sinh những thí sinh đã thi ĐH năm 2006 theo đạt điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ảnh: LAD |
Theo bà Hà, trong quy định từ trước đến nay, sau khi có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ, các trường phải làm hồ sơ mở ngành và được giao chỉ tiêu mới được phép tuyển sinh.
Đến thời điểm này, Trường ĐH FPT chưa làm hồ sơ để mở ngành, chưa được giao chỉ tiêu tuyển sinh.
Trường ĐH FPT có đề nghị được tự chủ trong tuyển sinh và trong đào tạo. Nhưng, muốn tự chủ phải đảm bảo tất cả những điều kiện kèm theo như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Khi trường đạt yêu cầu kiểm định mới giao quyền tự chủ.
Nhưng hiện nay, thậm chí Trường ĐH FPT còn chưa có hồ sơ mở ngành. Nếu hoàn thiện theo đúng quy định thì khâu xét duyệt hồ sơ không mất nhiều thời gian. Về phần chỉ tiêu tuyển sinh, nếu chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT đang còn thì giao luôn. Nếu không phải xin bên Bộ KH-ĐT.
Ông Lê Viết Khuyến, người nhiều năm đảm nhiệm việc xây dựng "chương trình khung" của Vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, yêu cầu của Bộ GD-ĐT xuất phát từ quyền lợi của người học. Theo quy định, để được phép tuyển sinh, một trường đại học phải có hồ sơ xin mở ngành, và được cho phép. Điều này, ĐH FPT chưa làm.
Một trường ĐH, sau khi có quyết định thành lập, muốn mở một ngành nào đó, phải có tờ trình xác định ngành đó có nhu cầu. Kèm theo tờ trình phải có nội dung xây dựng chương trình đào tạo ngành đó. Chương trình này sẽ là căn cứ để các cơ quan chức năng xem xét.
Việc thí điểm để được tự chủ hoàn toàn, tự chủ tuyển sinh và tự chủ về chương trình là xu hướng mà Bộ GD-ĐT khuyến khích nhưng "đôi khi vẫn có nhiều cách hiểu chưa đúng về khái niệm này. Tự chủ phải đi cùng với trách nhiệm xã hội".
Trong xu hướng hiện nay, để giữ sự công bằng cho các trường mới và trường cũ, phải có cơ chế kiểm định. Phạm vi kiểm định bao gồm: chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, hệ thống quản lý, đội ngũ thầy giáo, chất lượng học sinh.
Các trường muốn được tuyển sinh, phải sẵn sàng các yếu tố đó để Bộ GD-ĐT kiểm định. Trên cơ sở đó, mới được xem là yên tâm về hoạt động đào tạo của mình.
Khi chưa được kiểm định thì phải có một cơ chế xem xét. Cơ chế kiểm định không phải sự hạn chế quyền tự chủ của các trường, mà thực tế là để bảo vệ cho quyền lợi của người học.
Ông Khuyến giải thích, hiện tại, tên gọi "chương trình khung" đang được "dùng tạm" nhưng từ này không thật chuẩn, khiến nhiều người hiểu đây là chương trình cứng nhắc mà các trường phải theo.
Theo thuật ngữ quốc tế, đây là "chuẩn chương trình", chỉ là chương trình tối thiểu để đảm bảo các trường ĐH, CĐ đạt đến một mức độ nhất định về mặt chất lượng, nội dung chương trình.
Bộ GD-ĐT có quy định chung về chương trình khung đối với từng ngành. Tuy nhiên, hiện nay mới ký ban hành chương trình khung của hơn 100 ngành. Riêng chương trình khung cho các ngành thuộc khối ngành CNTT hiện nay mới có dự thảo, chưa ký ban hành.
-
Hoàng Lê
Ý kiến của bạn: