221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
850202
Trí thức trẻ: Thỏa hiệp hay ra đi?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Trí thức trẻ: Thỏa hiệp hay ra đi?
,

(VietNamNet) - Dứt gánh ra đi thì chưa thể. Chạy được vào Sở điện cũng đã mất không ít tiền, lại còn bạn gái đang giục cưới và quan trọng hơn cả là Thanh biết mình chỉ thất vọng với chính mình, có bi quan với môi trường hiện tại đấy nhưng bắt đầu lại từ con số không ở nơi khác thì anh biết, chưa đủ để mạo hiểm.

Trí thức trẻ và bệnh thừa thời gian

"Nợ đồng lần"

Các SV trong lễ nhận bằng tốt nghiệp ĐH. Ảnh: Trung Kiên

Tốt nghiệp khoa Kế toán, ĐH Thương Mại đã 3 năm, nhảy việc cũng dăm ba chỗ và tiền lương cũng chỉ đủ để thuê nhà nhưng mặc cho bố mẹ gọi thế nào, thì Nam quê Thái Bình vẫn kiên quyết ở lại Hà Nội chờ cơ hội.

"Về quê, chỉ mất hơn chục triệu là vào làm trong Ngân hàng huyện. Nhưng mình không muốn bố mẹ phải xin xỏ, chạy chọt", Nam tâm sự.

Cậu cũng cho biết, tháng vừa rồi, cô bạn thân học khoa Pháp (ĐH Ngoại ngữ) vừa được nhận về làm chuyên viên ở Sở sau khi "chạy" hết mười lăm triệu. Nam nhẩm tính, lương tập sự dăm trăm, không biết khi nào mới trả được hết nợ. Nhưng hầu hết, các vị phụ huynh ngay từ lúc tiễn con vào trường ĐH đều đã xác định tâm lý chuẩn bị sẵn món tiền này.

"Nó như một món nợ đồng lần", Thu giải thích. Người ta mất tiền để mua việc vào các cơ quan nhà nước, thì dĩ nhiên không ai chấp nhận lương ba cọc ba đồng. Tuy mệt mỏi trong môi trường làm việc tủn mủn, nơi ai cũng thắt chặt hầu bao và tìm mọi cách "hành là chính" để có thêm thu nhập nhưng Thu hiểu, không ai sống được với tiền lương của mình.

Những đồng nghiệp cùng phòng đều đang có con học ĐH và ai cũng góp nhóp chỉ để có dăm chục triệu sau này xin việc cho con. Như bố mẹ cô trước kia đã làm thế. Thậm chí, biết Thu xin được về Ủy ban huyện mà chỉ mất vỏn vẹn mười triệu gọi là gặp được người quen nên chỉ cần gửi tiền chè nước, ai cũng hoan hỉ cho thế là may lắm.

Với những cử nhân tốt nghiệp từ các trường ĐH địa phương hoặc không thuộc hệ đào tạo chính quy thì phí xin việc còn ngất ngưởng hơn.

Hoài, học xong khoa Sư phạm ĐH Đà Lạt, mất nửa năm chờ đợi và hơn hai chục triệu "lót tay" rải từ Sở giáo dục đến Ban tổ chức tỉnh để xin về dạy ở một trường THPT bán công gần nhà.

Cô buồn bã, "bố mẹ chỉ muốn mình dạy học gần nhà, có công ăn việc làm, lấy chồng để ổn định cuộc sống. Nên, chạy hết bao nhiêu bố mẹ cũng cố vay mượn". Hoài còn cho biết, có những người chịu mất tiền mà vẫn phải ngồi nhà chờ gọi. Là vì "chạy" không đúng chỗ. Rơi vào cò. "Chạy" được vào đúng "chân trong" của các Sở là yên tâm nhất, tiền bao nhiêu không thành vấn đề.

Những người thỏa hiệp

Niềm vui ngày tốt nghiệp.

"Đánh hơi" được chân chạy việc, không ít bạn trẻ khi thi xong công chức, có chỗ đứng "ngon lành" trong cơ quan rồi, thì lập tức vùng vẫy, tìm cách mở rộng quan hệ để làm môi giới chạy việc.

Thu kể chuyện, một đồng nghiệp cùng phòng chẳng dính dáng gì đến khâu tổ chức cán bộ, tuy mới đi làm được năm năm, nhưng đến mùa tuyển dụng là nắm rõ trong lòng bàn tay, phòng ban nào khuyết vị trí nào và không ít lần anh hồ hởi khoe về một khoản bồi dưỡng hậu hĩnh thu về từ chân "dắt mối".

Thu gọi đó là một sự thỏa hiệp. Nhưng cô cũng thú nhận, trót bỏ tiền ra chạy việc nên lúc đi làm cũng thấy mình "hèn" đi. Khi mới về thì còn thấy nhiều chuyện "bất bình, phẫn nộ", về sau gặp chuyện gì cũng đều cho là bình thường.

Thời gian đầu, làm việc không hết nhiều thời gian, cũng chẳng phải bỏ tâm sức, thậm chí tuần lại còn được nghỉ hẳn hai ngày, Thu cũng thấy vô vị, nhàm chán. Tối đến, lại chỉ biết nằm nhà xem tivi giết thời gian. Cuộc sống cứ thế trôi đi.

Tuy chưa có một mảnh tình vắt vai nhưng Thu cũng đã tính đến chuyện sẽ lấy chồng để có con, ổn định cuộc sống. Bởi đa số những người bạn của Thu khi về địa phương đều chỉ  bay nhảy một, hai năm rồi ai nấy đều nhanh chóng lấy vợ, cưới chồng để vun vén cho gia đình riêng, "đang còn trẻ thì thấy bức xúc với cái vòng luẩn quẩn của công việc. Chứ gia đình vào rồi thì, yên hết". Nhiều đồng nghiệp đi trước đã khuyên cô như thế. Tiền bố mẹ bỏ ra chạy việc, cũng gọi là đề "đầu tư".  Bận bịu với những lo toan vụn vặt của gia đình, ai nấy đều thấm thía chuyện "có một công việc ổn định để mà làm suốt đời là may mắn lắm rồi". Còn thay đổi gì nữa?

Với Hoài thì ba tháng nghỉ hè là một cực hình. Đi làm bình thường đã thừa thãi thời gian rồi, nghỉ hè những ba tháng lại càng chẳng biết phải làm gì cho hết 24 tiếng một ngày.  Học trò nông thôn, chỉ đủ tiền đóng học phí đã là may, nói gì đến nhu cầu học thêm như ở các thành phố lớn. Nghỉ hè lại cũng là dịp các em phụ giúp công việc cho gia đình, vậy nên, cô giáo cũng nghỉ dài dài.

Muốn tìm việc làm thêm cũng không dễ. Dù bố mẹ có cửa hàng ăn cũng cần con gái phụ giúp nhưng nghĩ đến chuyện đường đường là cô giáo, lại lếch thếch chợ búa, bưng bê, Hoài cũng chùn bước, đành buôn thời gian bằng cách ngủ dài.

Làm quen để thích nghi dần với tác phong, lề lối làm việc cũ kỹ là lựa chọn của đa số các bạn trẻ. Vậy nên, về Ủy ban một thời gian để chờ cơ hội làm đúng nghề, Thu cuối cùng lại đã từ chối khi có người đặt vấn đề có thể xin cô sang Tòa án, "lại mất thêm tiền xin việc, hơn nữa, mình bây giờ cũng không còn tin là vẫn nhớ được kiến thức Luật", Thu thở dài ngậm ngùi.

Những con đường

 

Nhưng không phải bạn trẻ nào cũng dễ thỏa hiệp với những bất bình và ngột ngạt. Ngoài lựa chọn im lặng và thích nghi, nhiều trí thức trẻ đã tìm cho mình những con đường khác nhau để ra đi.

Là cử nhân báo chí, sau khi ra trường, nghe lời khuyên bùi tai của bố mẹ, anh Hải đồng ý nghe theo sự thu xếp của gia đình để về làm việc tại một cơ quan cấp quận ở Hải Phòng.

Làm công tác văn thư, việc bận rộn nhất trong ngày của Hải là tiếp nhận công văn đi/đến "ngồi một chỗ giữ mấy con dấu để đợi xem có ai cần thì cộp một phát ấy mà".

Bố mẹ Hải, tuy chỉ làm việc ở một cơ quan cấp huyện nhưng vẫn đôn đáo lo cho cậu con trai một căn hộ ba tầng ở thành phố để tiện gây dựng cuộc sống. Thú vui duy nhất của Hải là tan giờ hành chính, tụ tập bạn bè tại nhà riêng để nhậu nhẹt "chén chú chén anh"...

Nhưng càng bù khú, chơi bời để lấp thời gian, anh lại càng cảm thấy lãng phí thời gian, sức khỏe. Bạn bè ngày xưa học hành, năng lực cũng chỉ như mình nhưng ra trường, đi làm ở Hà Nội nên có cách suy nghĩ, định hướng cuộc sống và tác phong giao tiếp còn đĩnh đạc hơn cả các "sếp" hiện giờ của mình... Những mặc cảm, so sánh bắt đầu nhen nhóm thôi thúc Hải phải có một quyết định để cải thiện tình trạng hiện tại "chí ít là để bằng bạn bằng bè và để được sống, làm việc theo đúng nghĩa".

Bố mẹ Hải đã quyết định cắt mọi khoản viện trợ như vẫn làm từ trước đến nay, khi mà, đã "ấm chỗ" được hai năm, anh dứt khoát viết đơn xin thôi việc, ngược ra Hà Nội, xin làm cộng tác viên cho một cơ quan báo chí.

Gặp Hải thức đêm thức hôm trong mùa World Cup, gầy rộc, nhưng mắt lấp lánh niềm vui. Anh  cho biết, không hề ngán cảnh "cơm hàng, cháo chợ, ở nhà thuê" và chấp nhận hy sinh vài năm so với bạn bè đồng lứa để tìm một chỗ đứng độc lập.

Đang công tác trong một cơ quan thuộc Bộ NN và PTNT, nhưng vì không thể xin được việc làm cho vợ ngoài HN, anh Thắng đành chấp nhận phương án chuyển về huyện nhà làm việc để tiện thu vén gia đình.

Gặp lại anh sau đó hai tháng, tôi sửng sốt với thông báo "anh lại mới chuyển ra ngoài này rồi. May mà cơ quan cũ vẫn nhận lại". Anh rầu rĩ kể chuyện hai tháng về nhà làm việc, chứng kiến bao chuyện tủn mủn, bất bình và cách làm việc ì ạch, cũ kỹ. 

Về làm việc ở phòng nông nghiệp huyện nhưng gần như chẳng được mó tay vào công việc gì cụ thể. Sự nhàn rỗi đã làm anh mòn mỏi. Dù đã cố quen để thích nghi và tìm cách tự vận động, tự thay đổi theo hướng tích cực với hi vọng hai vợ chồng đều được ở gần nhau là tốt nhất rồi, nhưng anh  vẫn đành chọn con đường ra đi. "Không phải vì cuộc sống đông vui, nhộn nhịp ở Thủ đô. Mà vì, ra ngoài này, mình lại được làm việc".

Giống anh Thắng, chị Hà, tốt nghiệp ĐH Ngoại Ngữ, sau một năm về làm việc ở Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh nhà cũng "giũ áo" xuống Hà Nội thi vào làm việc trong một cơ quan truyền thông, "công việc ở nhà nhàn nhã quá, thừa thãi thời gian lại chẳng phải dùng đến cái vốn ngoại ngữ mình đã học bốn năm". Và nếu không đi từ lúc này, chị lo sợ rằng mình sẽ ngại thay đổi và ù lì lúc nào chẳng hay.

Chị cũng kể chuyện một người bạn tên Thanh tốt nghiệp ĐH Bách khoa làm việc trong Sở điện lực. Công việc ở trạm điện không mấy khi yêu cầu anh phải đi đây đi đó liên hệ công tác. Nhưng đều đặn, tháng nào Thanh cũng ra Hà Nội một vài lần, "chỉ là đi để đổi gió. Ra đây, gặp bạn bè ĐH cũ đang làm việc trong những công ty lớn, chuyện trò, để thấy mình không lạc hậu, không bị cũ đi". Và mỗi lần trở về là lại buồn tê tái vì thấy mình cũ kỹ so với đám bạn từ cách ăn nói đến tác phong làm việc, cho dù lương của Thanh ở tỉnh nhà còn cao hơn nhiều lần so với những cậu bạn đang chạy ăn từng bữa ngoài thủ đô.

Nhưng để dứt gánh ra đi thì chưa thể. Chạy được vào Sở điện cũng đã mất không ít tiền, lại còn bạn gái đang giục cưới và quan trọng hơn cả là Thanh biết mình chỉ thất vọng với chính mình, có bi quan với môi trường hiện tại đấy nhưng bắt đầu lại từ con số không ở Thủ đô thì anh biết chưa đủ để mạo hiểm.

Ngột ngạt muốn ra đi nhưng chưa đủ dũng cảm để bắt đầu một cuộc sống mới, giải pháp phổ biển được nhiều người chọn lựa hơn cả là xin đi học Thạc sĩ để tìm cơ hội. Và có không ít trí thức trẻ đã không trở về vì định hình được hướng đi mới cho cuộc đời mình.

(Ghi chú: Tên nhân vật đã được thay đổi)

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,