Sau khi báo chí đăng tải về đường dây chạy trường tại Trường THPT Lê Quý Đôn TPHCM, một số giáo viên trường này đã liên hệ đề nghị được hợp tác, cung cấp thông tin bằng tin nhắn điện thoại di động. | |||
Theo báo Thanh Niên, lý do của sự rụt rè, e ngại này là nhiều giáo viên trường Lê Quý Đôn muốn lên tiếng nhưng vẫn còn lo sợ. Sau nhiều ngày cân nhắc, cuối cùng thì một vài giáo viên đang dạy tại Trường THPT Lê Quý Đôn cũng đã tìm đến gặp nhà báo, muốn nói tất cả nhưng xin được ẩn danh, vì sợ bị trả thù! Theo những giáo viên này, suốt mấy tuần nay, một bầu không khí căng thẳng, nghi kỵ lẫn nhau bao trùm lên ngôi trường đã nhiều năm danh tiếng ấy. Trong cuộc gặp ngày 10/9, thầy Nguyễn Phước Thành, dạy Sử (người đầu tiên dám để thẳng tên) mở đầu câu chuyện bằng tâm sự chất chứa những nỗi buồn của một thầy giáo tâm huyết với nghề: "Họ đã làm cho một ngôi trường vốn nổi tiếng hàng trăm năm nay trở nên tai tiếng, mang tiếng xấu với xã hội!". Nói về những sự kiện liên quan đến đường dây "chạy trường" trong Trường THPT Lê Quý Đôn, thầy Nguyễn Phước Thành khẳng định: "Việc cô Hòa "chạy trường" thì chứng cứ hoàn toàn rõ ràng rồi! Nhưng dư luận và riêng bản thân tôi cũng nói rằng: một mình cô Hòa không thể nào mà thực hiện trót lọt trong nhiều năm việc nhận tiền rồi đưa các em học sinh thiếu điểm vào trường học được. Còn có nhiều người nữa...". Thầy Thành kiên quyết: "Tôi tin chắc rằng có một tổ chức mà cô Hòa chỉ là "tay chân" trong việc "chạy trường" này". Khi được hỏi về bà Hiệu trưởng Trần Thanh Vân, thầy Nguyễn Phước Thành nói thẳng: "Mọi việc trong trường đều do cô Vân quyết định. Theo cảm tưởng của riêng tôi, cô Vân không phải là một hiệu trưởng mà là một "bà chủ" trường". Theo thầy Thành, những giáo viên có khả năng dính líu đến đường dây "chạy trường" đều là những người thân cận với bà Vân. Thầy Võ Hải Bình, giáo viên dạy Toán (người thứ nhì dám đứng danh) cho biết: "Nói về chạy trường thì nhiều! Tôi biết độ khoảng 4 đường dây, nhưng chỉ biết thôi, chứ không có chứng cứ cụ thể". Thầy Bình kể: Trước năm 2000, ông đã từng có nghe nói đến vấn đề "chạy trường", nhưng thời đó chỉ là dạng cò - tức là giáo viên giúp cho vài người con cháu họ hàng, bà con vào trường để học thì có vài trăm ngàn tiền bồi dưỡng để tiêu vặt. Nhưng sau này thì... Một cô giáo khác, vừa bị Hiệu trưởng Trần Thanh Vân chuyển từ công tác này sang làm công tác khác không đúng với sở trường, cũng bày tỏ thái độ: "Khi cô Vân làm hiệu trưởng thì không khí nội bộ trường rất căng thẳng. Với những người không hợp thì cô Vân tìm mọi cách để đẩy đi xa tầm mắt". Còn nhiều chuyện nữa mà các giáo viên đang giảng dạy tại Trường THPT Lê Quý Đôn kể cho chúng tôi nghe về bà Hiệu trưởng Trần Thanh Vân như: việc tổ chức bầu tín nhiệm Ban chấp hành Công đoàn nhà trường, vừa bầu xong thì bà Hiệu trưởng Trần Thanh Vân yêu cầu thay đổi nhân sự; việc chia bè, kết phái trong nội bộ giáo viên dẫn đến việc phân chia quyền lợi của các bên, ưu ái cho phe mình; việc nhận, ký hợp đồng với một số giáo viên vào trường nhưng người nhận thì chưa đủ bằng cấp. Các giáo viên đặt hàng loạt các câu hỏi chưa có lời giải đáp như: Trường THPT Lê Quý Đôn "thu ồ ạt mà chi thì nhỏ giọt", số tiền dư đó đi đâu, vào túi ai? Có một số giáo viên cũng là công chức, giảng dạy bình thường như mọi người nhưng tại sao lại giàu có nhanh chóng và khó hiểu?
Ý kiến của bạn:
|