221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
829590
Yêu cầu đề thi sáng tạo là siêu hình?
1
Article
null
Yêu cầu đề thi sáng tạo là siêu hình?
,

(VietNamNet) - Các bài học đã được giảng dạy trong nhà trường từ 20-30 năm nay, có ý hay-dở đều “bị” phát hiện hết... Muốn sáng tạo phải thay đổi cả nền thi cử.Ý kiến của các giảng viên khoa Ngữ Văn về cách ra đề thi ĐH hiện nay.

"Cách ra đề hiện chỉ để hạn chế điểm 0, điểm 1 cộng với bệnh thành tích".

Ông Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên khoa Văn trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội): “Yêu cầu đề thi sáng tạo là siêu hình?”

Không thể có một đề thi sáng tạo vì vấn đề này liên quan đến tổng thể của nền giáo dục nước nhà chứ không chỉ liên quan đến những ngườI trực tiếp ra đề, ngườI làm bài hay người chấm thi.

Bởi, tất cả đều là công cụ cho thi cử hiện nay. Trong khi đó, cần phân biệt thi cử nên vạch rõ 3 tính chất: Thi để tuyển lựa; Thi cử như một hành vi, một quy trình tổng thể của giáo dục; và thi cử đặt trong tổng thể phát triển của đất nước.

Nếu nhìn thi cử để tuyển lựa thì người ra đề, làm bài và người chấm không có lỗi gì cả. Hơn nữa, đề ra đúng chủ trương trong chương trình không có sai sót và phân loại được học sinh.

Theo chủ trương đó thì người thi biết đáp ứng được những gì đề yêu cầu và đáp ứng trọn vẹn, cho dù đó là học thuộc lòng. Đề thi trong tương quan là yếu tố cơ hữu của giáo dục ảnh hưởng đến cách dạy và cách học.

Do vậy lỗi không ở người thực thi mà lỗi do Bộ GD-ĐT. Mục tiêu học để thi, đã có thi cử là có học. Việc hạn định một khung chương trình, chỉ gói gọn về mặt kiến thức, bài giảng như thế nào thì học sinh sẽ trả bài như vậy.

Lối học như vậy đã diễn ra từ năm 1985. Khoảng vài năm trở lại đây chủ trương chỉ yêu cầu đề ra trong chương trình đã nảy sinh một số vấn đề cả tích cực và tiêu cực.

Tích cực ở chỗ, bất cứ một nền giáo dục nào cũng phải giảng dạy những điều cơ bản nhất cho giáo dục phổ thông, có khung chương trình – đây là cách giảm tải thích hợp. Tuy nhiên, chủ trương học trong chương trình được ra đời như một cái gì đổi phó với công luận chứ không phải vì sự phát triển của nền giáo dục, đó là vấn đề tiêu cực.

Cách ra đề hiện chỉ để hạn chế điểm 0, điểm 1 cộng với bệnh thành tích. Đến người thực thi cũng hiểu trong chương trình một cách cực đoan, sợ dư luận, bảo tồn vị trí của mình chứ không phải vì nền giáo dục.

Chính sự tồn tại lâu dài của chủ trương này dẫn đến có những sản phẩm thi cử chỉ như cỗ máy sao chép…

Ở cấp độ liên quan đến việc phát triển của đất nước việc này để lại hậu quả rất nặng nề. Người ra đề thì “co lại” để bảo toàn thành quả, không để sai với Bộ và không sai với dư luận. Trừ những người đặc biệt chứ ra đề như hiện nay thì muốn sáng tạo cũng khó.

Hơn nữa, các bài học đã được giảng dạy trong nhà trường từ 20-30 năm nay, có ý hay-dở đều “bị” phát hiện hết thì làm sao có sáng tạo trên một thứ mòn mỏi như vậy. Muốn sáng tạo phải thay đổi cả nền thi cử.

Ra đề như vậy là con đường an toàn đối phó với dư luận. Yêu cầu sáng tạo chỉ là siêu hình?

"Để có thể ra một đề Văn sáng tạo thì phạm vi kiến thức ra đề nên rộng hơn".

PGS-TS Văn học Lê Quang Hưng, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội: “Cách ra đề đúng mẫu khiến học sinh chỉ cần…chép là đủ!”

Yêu cầu của Bộ GD-ĐT hiện cũng gây khó cho những người ra đề ở chỗ: Phạm vi kiến thức ra đề hẹp. Nghĩa là chỉ ra trong chương trình, hơn nữa năm nay đề ra phải có sự giao thoa giữa 2 ban dẫn đến phạm vi càng hẹp.

Trước đây, những người ra đề có thể ra đề theo cách “Bằng những tác phẩm anh (chị) đã học và đọc để…”Để làm được dạng đề này đòi hỏi học sinh muốn học giỏi Văn phải đọc nhiều. Đằng này, phạm vi kiến thức hẹp thì học sinh chỉ cần học theo mẫu là đủ!

Cách ra đề hiện nay thể hiện Bộ GD-ĐT muốn có biểu điểm tương đối khá. Do đó, phải ra những cái cơ bản, không thể đòi hỏi sáng tạo, độc đáo được. Nhất là trình độ của học sinh bây giờ, chưa kể đến đội ngũ giáo viên mỏng về số lượng, yếu về chuyên môn…

Đề thi ĐH môn Văn năm nay “chuẩn” ở chỗ “đúng phạm vi kiến thức, đảm bảo kiến thức cơ bản, theo hệ thống. Đồng thời, tạo được điều kiện để có cơ sở phân hoá trình độ học sinh…

Nếu đặt vấn đề trong hoàn cảnh bây giờ, và trình độ học sinh như hiện nay thì không thể ra đề cho mỗi thí sinh làm theo cách riêng của mình. Như vậy sẽ rất lung tung, không có chuẩn để chấm.

Hơn nữa, thi cử trong nhà trường thì phải có khuôn mẫu, mức độ để có đáp án chấm. Để có thể ra một đề Văn sáng tạo thì phạm vi kiến thức ra đề nên rộng hơn. Trong các câu của một đề Văn nên chăng có 1 câu hoặc 1 vế câu thiên về phát huy năng lực cá nhân để phân hoá học sinh, và bắt buộc học sinh phải suy nghĩ…

Có hiện tượng “văn mẫu” này cũng phản ánh tình trạng “học - chép” vẫn còn phổ biến hiện nay trong các trường phổ thông. Bản thân cách ra đề đúng mẫu khiến cho học sinh chỉ cần chép là đủ!

Bên cạnh đó cũng phản ánh một tình trạng “kiếm ăn” qua làm sách rất phổ biến dẫn đến “Nhà nhà làm sách, người người làm sách” kéo theo việc xuất bản sách rất lộn xộn. Tôi vẫn thường nói với học trò
“Phải có tiền triệu mới có thể mua đủ sách tham khảo…”

  • Kiều Oanh (ghi)

    Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,