(VietNamNet) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã bày tỏ với báo giới như vậy trong cuộc trao đổi bên lề Hội nghị tổng kết năm học 2005 - 2006 vừa được tổ chức ngày 31/7 tại TP.HCM .
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói: "Qua trao đổi với lãnh đạo ngành giáo dục cũng như làm việc với các địa phương, tôi nhận được sự đồng tình lớn rằng trước mắt cần chấn chỉnh tiêu cực trong thi cử. Đây không phải là vấn đề của một trường mà của toàn xã hội".
Tặc lưỡi cấp bằng giúp học sinh vào đời: Sai lầm!
- Ông đã đi thực tế tại một số địa phương. Theo đánh giá của ông, tiêu cực thi cử ở mức độ nào?
- Hiện nay chưa có điều tra để đánh giá định lượng. Nhưng có những thông tin như thế này: Hiện có tỉnh có 60 - 80% số em thi vào lớp 10 không đạt yêu cầu một môn nào đó. Nhưng ở kỳ thi tốt nghiệp THCS trước đó, 80 - 90% số em đạt yêu cầu trở lên(!).
Hoặc, có những tỉnh có hàng chục hội đồng thi mà 80 - 90% các em đạt điểm 9 trở lên và nhiều điểm 8,5 là không thực tế. Có những địa phương làm nghiêm túc so với trước tỷ lệ đậu giảm hẳn đi. Qua báo chí, chúng tôi nhận được hàng trăm thư của phụ huynh học sinh, thầy, cô giáo và người dân bức xúc về tình trạng thiếu trung thực trên.
Sáng 31/7, Tổng Biên tập Nguyễn Anh Tuấn đã nhận được thư của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cám ơn về ý tưởng phối hợp mở diễn đàn "Làm gì để nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" trên báo Điện tử VietNamNet. Diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho ngành. Đây cũng là nội dung được phát động tại Hội nghị tổng kết năm học 2005-2006 tổ chức hôm nay. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Đây là khâu đột phá, sẽ được triển khai từ năm học 2006-2007 bằng nhiều chương trình hành động cụ thể. Trong thư, Bộ trưởng đề nghị Ban Biên tập Báo điện tử VietNamNet tiếp tục mở các chuyên mục, chuyên trang, diễn đàn đóng góp cho giáo dục nước nhà; đồng thời, biểu dương các cá nhân, tập thể... đã có sáng kiến, kế hoạch cụ thể để triển khai cuộc vận động từ cơ sở, thể hiện quyết tâm đấu tranh chống bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử, từ đó, đưa giáo dục VN tiếp tục phát triển bền vững, từng bước hội nhập với nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới. |
Dự kiến, vào tháng 9, tại mỗi trường, thầy hiệu trưởng cùng công đoàn, Đoàn thanh niên tự thảo luận về tình hình thi cử ở trường mình và hướng khắc phục. Đó là con đường tốt nhất đánh thức lòng tự trọng, lương tri. Bộ không thể nào tổ chức đi kiểm tra, điều tra cả nước được.
- Ông vừa nói tiêu cực và bệnh thành tích gây lãng phí. Theo ông, lãng phí cái gì?
- Theo tôi, có 4 lãng phí từ căn bệnh trên:
Lãng phí tuổi thơ, công sức các em. Nhiều em vẫn được lên lớp mà không đọc thông, viết thạo sau khi hết tiểu học. Nhiều em được vào lớp 10 mà làm toán không thông. Quãng đời phổ thông của các em sẽ bị lãng phí, các em mất đi thời gian trang bị kỹ năng, tri thức để làm người, và khi ra đời các em sẽ thiệt.
Lãng phí thứ hai là từ góc độ gia đình. Nhiều nơi miền núi, nông thôn rất khó khăn để dành tiền bạc cho con em đi học, nhưng khi con em học xong lại không đủ năng lực vào đời.
Lãng phí thứ ba là công sức của thầy, cô giáo. Nếu công sức thầy, giáo bỏ ra mà không gắn với thi cử nghiêm túc để các em học sinh tự học tốt hơn, có thực chất hơn, thì đó là lãng phí. Chúng tôi nhận được thư nhiều thầy cô đã về hưu bày tỏ rất buồn khi nghĩ lại quãng đời phải chấp nhận tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Họ gửi gắm đến thế hệ hiện tại mong muốn khắc phục được nạn đó.
Lãng phí thứ tư là từ góc độ đất nước nói chung. Đất nước tốn nhiều công sức, tiền bạc mà không tạo ra nguồn lực con người - tài nguyên quan trọng nhất để phát triển - là lãng phí lớn nhất.
Đánh giá chất lượng qua phương pháp, chứ không qua điểm
- Các địa phương cần làm gì để cuộc vận động này không bị sa vào bệnh thành tích?
- Cuộc vận động này phải thống nhất nhận thức. Nhiều nơi cho rằng cấp chứng chỉ tốt nghiệp THPT là giúp các em vào đời, ngay cả khi các em không đạt trình độ tương xứng chứng chỉ, để đi tiếp con đường học hành nếu muốn. Đó là sai lầm, là hại các em. Từ đó, các em sẽ không cố gắng học tập. Không có tri thức, phương pháp thì vào đời sẽ hỏng, ngay cả học nghề cũng không nổi. Cần để cho các em thấy trước không cố gắng học thì không có bằng, từ đó đành cố gắng thật nhiều.
Nếu có sự vận động tốt của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Công đoàn thì sẽ dần thống nhất nhận thức trong xã hội. Mặt khác, lãnh đạo các địa phương cần coi việc tạo cho con em của địa phương mình có tri thức, kỹ năng, tâm huyết, phẩm chất là quan trọng hàng đầu, chứ không phải điểm số. Cần xem bệnh thành tích là có hại cho địa phương.
Không nên lấy điểm số để đánh giá mà nên lấy phương pháp để đánh giá từng học sinh, giáo viên, nhà trường. Trước khi xem kết quả thi cử của một trường, cần xem trường đó được tổ chức, từng lớp được học tập thế nào. Không chỉ ra được đã đổi mới gì trong dạy, học, thi đua, mà kết quả cứ cao là không thực chất.
Phải chịu đau đớn ban đầu: nếu làm tốt các việc trên thì năm sau hầu hết điểm số của các tỉnh thấp đi. Nhưng đó là sự đau đớn cần thiết để chúng ta có thêm sức lực đi xa hơn.
Chống tiêu cực, bệnh thành tích - cuộc vận động toàn dân
Phá triển giáo dục chất lượng cao và chi phí thấp |
Ông Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với VietNamNet: "Giáo dục VN sẽ phải phục vụ thật tốt mục tiêu tạo nguồn lực lớn và quý giá nhất để đất nước phát triển, đó là con người. Con người phải có kỹ năng, tri thức cần thiết, biết sống, lao động phù hợp với pháp luật, biết tự học suốt đời, sáng tạo và có bản sắc của người VN. Chúng ta phải chọn con đường phát triển giáo dục chất lượng cao và chi phí thấp. Tôi tin các thầy, cô giáo chúng ta sẽ làm được điều đó". |
- Bộ Giáo dục -Đào tạo mong mỏi điều gì khi gửi quyết tâm thư lên Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ sắp tới?
- Lâu lắm rồi không có tập thể những người trong một ngành gửi thư cho Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ hứa điều gì đó. 64 giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Bộ trưởng và các Thứ trưởng ký vào bức thư đó với hai điều gửi gắm:
Một, ngành giáo dục - đào tạo khẳng định ý chí không chấp nhận tiêu cực thi cử, bệnh thành tích trong thi đua; và sẽ có chương trình khắc phục. (Tương tự, sau này ở các địa phương, các hiệu trưởng sẽ cam kết với chủ tịch UBND là trường sẽ tuyên chiến với nạn này).
Hai, đề nghị Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ dùng quyền hạn pháp lý của mình để yêu cầu các Bộ, tỉnh trong cả nước thống nhất quan điểm nâng cao chất lượng giáo dục và trước mắt là chống tiêu cực thi cử, bệnh thành tích. Đây không phải là phong trào mà là cuộc vận động.
Rất mong báo đài nếu thấy ngành giáo dục làm đúng thì ủng hộ, còn thiếu sót thì sớm góp ý, thậm chí gửi thẳng ý kiến cho Bộ trưởng. Những người tốt, việc tốt góp phần chống tiêu cực thi cử, bệnh thành tích sẽ được đưa vào cuốn sách "Gương mặt giáo dục VN năm 2007".
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
-
Phạm Cường (ghi)
Ý kiến của bạn?