(VietNamNet) - Buổi gặp gỡ với báo giới đầu tiên của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân diễn ra ở khung cảnh đặc biệt: Ngoài hành lang của Sở GD-ĐT Hà Tây sau khi ông kết thúc buổi làm việc với 15 Hiệu trưởng và lãnh đạo Sở chiều nay, 12/7. Trước đó, ông đã dành gần 2 giờ làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tây. Và hành trình tiếp theo là tới nhà thầy giáo Đỗ Việt Khoa.
Trước khi rời Sở GD-ĐT Hà Tây, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã có trao đổi ngắn với báo giới.
"Báo chí cần cổ động cho ngành trong cuộc vận động nói không với tiêu cực. Nếu có ý kiến cần trao đổi cử gửi bằng văn bản cho tôi... ", tân Bộ trưởng bắt đầu.
Mọi người trong ngành đều ủng hộ tinh thần đó. Đồng thời, cùng phát hiện đưa những sáng kiến cho cuộc vận động "nói không với tiêu cực"...Và tôi tin rằng, chúng ta sẽ làm được việc này trong thời gian tới.
- Những sáng kiến Bộ GD-ĐT hướng đến toàn xã hội "nói không với tiêu cực" sẽ bắt đầu từ đâu, thưa Bộ trưởng?
Hôm nay, Bộ GD-ĐT đến để cùng Hà Tây triển khai các biện pháp cụ thể. Và tôi biết có rất nhiều địa phương muốn làm. Các bạn chờ đến ngày 31/7, thời điểm diễn ra hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2005-2006. Lúc đó, nhiều tỉnh sẽ có sáng kiến rất hay. Và đây là dịp để Bộ GD-ĐT thu thập các ý kiến đóng góp xây dựng ngành theo chiều hướng tích cực.
- Bộ trưởng nhận định như thế nào về sai phạm trong thi cử ở Hà Tây? Cách xử lý những tiêu cực trong thi cử của Hà Tây vừa công bố liệu có đủ sức nặng để toàn ngành đồng tâm "nói không với tiêu cực"?
Kết luận thanh tra xử lý bước đầu đã được Hà Tây công bố. Việc nhận định về hướng xử lý tôi đã ủy quyền cho Thứ trưởng Bành Tiến Long trao đổi với báo giới. Còn việc chọn Hà Tây là điểm đến đầu tiên cho cuộc vận động này vì tôi tin Hà Tây là nơi có cơ hội để giải quyết vấn đề tiêu cực thi cử tốt.
- Với cách xử lý của Hà Tây như hiện nay, liệu rằng hết năm 2007, ngành giáo dục có khép lại được "quá khứ" gian lận trong thi cử?
Xử lý vấn đề này không chỉ có Hà Tây, mà sẽ có sự phối hợp giữa Hà Tây cùng cả nước. Như vậy, mục tiêu đặt ra, tôi tin sẽ làm được. Chống gian lận thi cử không phải là vấn đề của riêng Hà Tây.
Trước đó, tôi cũng đã có thư gửi cho toàn ngành và nhìn nhận "Ở nước ta hiện nay, gian lận trong thi cử đang là vấn nạn vô cùng nhức nhối. Song chỉ một thiểu số các thầy cô tiếp tay và một số nhỏ phụ huynh công khai mua sự đồng tình của số nhỏ thầy cô, công chức ở các trường. Đại đa số phụ huynh, thầy cô không tán thành sự lừa dối công khai này. Hơn khi nào hết, chúng ta có cơ hội để tạo một cuộc vận động toàn xã hội “Nói không với tiêu cực trong thi cử”.
- Cùng là chuyện tiêu cực trong thi cử, nhưng cách ứng phó của Tiền Giang và Hà Tây khác hẳn nhau. Liệu cách xử lý của Hà Tây có thành trở ngại cho mục đích toàn ngành hướng tới?
Tôi khẳng định, Hà Tây không phải là trở ngại cho cuộc vận động này. Bởi yếu kém không chỉ ở Hà Tây mà còn nhiều nơi khác. Tôi nghĩ, Hà Tây chính là điểm tựa để cùng cả nước giải quyết vấn đề gian lận thi cử đang đặt ra...
Về phía Tỉnh ủy buổi làm việc hôm nay cũng rất đồng thuận với mục tiêu Bộ GD-ĐT đề ra. Và chủ trương của tỉnh đã thống nhất là tháng 8 sẽ có Nghị quyết về vấn đề này. Đây là dấu hiệu tốt và Tỉnh ủy sẵn sàng vào cuộc, không có vấn đề gì cản trở.
- Cảm ơn Bộ trưởng!
...Cuộc trao đổi gián đoạn vì Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục có buổi gặp gỡ giáo viên Đỗ Việt Khoa, người đã đưa những tiêu cực trong thi cử ở Hà Tây trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
Thứ trưởng Bành Tiến Long: 2007 sẽ đẩy lùi được tiêu cực thi cử |
Năm học tới, toàn ngành phát động mục tiêu kiên quyết chống gian lận thi cử, đẩy lùi tiêu cực trong thi cử. Bí thư tỉnh ủy Hà Tây cũng hứa sẽ có Nghị quyết về vấn đề này. Tinh thần thể hiện sự thống nhất giữa Bộ GD-ĐT và tỉnh Hà Tây rất cao. Như vậy, năm 2007, tôi tin rằng sẽ đẩy lùi được tiêu cực với phong trào toàn ngành "nói không với gian lận thi cử". Trước mắt, trong năm 2007 tập trung làm sao để có được một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc với những hệ thống giải pháp cụ thể. Một số kết luận của đoàn thanh tra về những sai phạm của các Hội đồng thi tốt nghiệp THPT vừa qua có nội dung khá đầy đủ. Nội dung đó thể hiện được tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đối với Sở và ban ngành chỉ đạo thi làm nghiêm đối với những hành vi vi phạm. Mức kỷ luật thì phải thực hiện theo Nghị định 35 về pháp lệnh công chức xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có liên quan đến vấn đề thi cử. Như vậy, làm gì cũng phải trên cơ sở pháp luật. Bộ GD-ĐT, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu trên cơ sở văn bản hướng dẫn của nhà nước để làm rõ vấn đề này và sẽ có ý kiến chính thức sau. Nội dung buổi làm việc giữa Bộ trưởng và lãnh đạo tỉnh thống nhất quyết tâm: toàn ngành hướng tới tương lai tạo nên ngành giáo dục lành mạnh "học thật, dạy thật, thi thật, kết quả thật". Những vấn đề của quá khứ cũng là một hình thức để rút bài học kinh nghiệm cho chương trình hành động sắp tới. Bộ GD-ĐT mong muốn báo chí ủng hộ ngành trong năm 2007 kiên quyết "nói không với tiêu cực trong thi cử". Tôi không nói rằng, đây là việc "khép lại quá khứ, nhìn tới tương lai". Nhưng chúng ta cũng phải vì tương lai của thế hệ trẻ để có được một nền giáo dục đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, để đưa giáo dục vào khuôn khổ thì khó khăn lớn nhất mà ngành phải đối mặt trước mắt là làm thế nào để thay đổi nhận thức trong toàn xã hội. Chống gian lận thi cử không chỉ ngành giáo dục làm được mà phải sử dụng sức mạnh tổng hợp trong nhân dân, trong đội ngũ cán bộ giáo viên và cán bộ quản lý, con người, chuyên môn... Cùng với đó, nhận thức của học sinh và các tổ chức đoàn thể cũng phải đồng tâm: Chống gian lận trong thi cử. |
-
Kiều Oanh (ghi)
Ý kiến của bạn: