(VietNamNet) - Sáng 7/7, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm viêc đầu tiên tại cơ quan mới. Tham dự có nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, các Thứ trưởng và đại diện các đơn vị chức năng trong cơ quan Bộ GD-ĐT.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đón tiếp những trí thức Việt kiều khi còn là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: Thu Thuỷ |
Sau khi nghe báo cáo về những thành tựu và tồn tại của giáo dục trong thời gian qua, tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu 5 kinh nghiệm, là những bài học đúc rút trong thời gian làm việc tại UBND TP.HCM.
"Chưa bao giờ người dân quan tâm đến giáo dục, đầu tư cho giáo dục nhiều như hiện nay. Đây cũng chính là cơ hội để hợp tác quốc tế, giao lưu với bên ngoài", Bộ trưởng Nhân bày tỏ.
5 bài học mà tân Bộ trưởng chia sẻ gồm:
Thứ nhất, căn cứ tình hình thực tế để giải quyết khi gặp những vướng mắc không giải quyết được, kể cả những vướng mắc về lý luận.
Thứ hai, giải quyết từng vấn đề cụ thể phải có sự đeo bám và chỉ đạo tập trung.
Thứ ba, phải nghe SV và cán bộ cấp dưới. Điều này nhằm tạo sự tin tưởng, phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ và chuyên viên. "Vì sức có hạn nên trong quá trình tham mưu, nếu thấy tôi nói sai thì nhắc, nếu sắp sai thì chấn chỉnh. Tôi xin nghe", ông Nhân giãi bày.
Thứ tư, không chấp nhận sự vi phạm công khai, đặc biệt là những sai trái lặp đi lặp lại khiến dư luận đặt câu hỏi "tại sao". Có nghĩa là, những gì vi phạm pháp luật công khai thì chính quyền phải vào cuộc và xử lý. Phải tìm chỗ dễ nhất để xử lý chứ không nên tập trung vào cái khó.
Ông Nhân cũng thừa nhận, vi phạm thi cử thường khó để lại dấu vết, khó giải quyết. Tuy nhiên, không phải không có cách mà là hướng xử lý chưa có lộ trình, chưa tìm được điểm nhấn.
"Do đó, chúng tôi rất mong những ý kiến kiến nghị giải pháp làm sao để hạn chế thầy cô không tiếp tay, làm ngơ trước những vi phạm trong thi cử. Về vấn đề này, cần có cuộc vận động".
Một giờ học tại trường ĐH dân lập Thăng Long Hà Nội. Ảnh Lê Anh Dũng |
Cuối cùng, phải có các giải pháp đồng bộ. Phải đi từ nhận thức, mục tiêu khả thi làm thế nào để hút được nhiều người của các giới cùng tham gia.
Đồng thời, phải có lộ trình triển khai phù hợp. Trong từng vấn đề, phải có bàn bạc cụ thể, nếu thấy không đủ sức thì không nên làm, tránh thực hiện nửa vời.
Trước khi kết thúc bài phát biểu, tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã có công xây dựng "kiềng ba chân" của ngành trong 9 năm qua. Đó là cơ sở pháp lý, cơ sở vật chất và quan hệ hợp tác quốc tế vững chắc.
Trung tuần tháng 7, tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ chính thức nhận công việc mới, mà theo ông, "sẽ gánh trên vai với tinh thần vừa làm vừa học".
Kết thúc buổi giao ban đầu tiên với tân Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng khẳng định, 5 bài học vừa nêu là những bài học sâu sắc và sẽ là những chỉ đạo đầu tiên đối với ngành.
Theo Văn phòng Bộ GD-ĐT, trước khi về nhận công việc chính thức, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ có buổi gặp gỡ với giáo viên tố cáo tiêu cực thi cử Đỗ Việt Khoa, trường THPT Vân Tảo, Thường Tín (Hà Tây).
-
Kiều Oanh
Ý kiến của bạn: