Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng như vậy. Ông cũng nói rằng, nguyên nhân bệnh thành tích trong giáo dục ''có hàng triệu gia đình, hàng triệu người dân là ''đồng tác giả''. Dưới đây là nguyên văn bức thư của Bộ trưởng gửi cho báo chí.
''Sáng 30/6, khi lần đầu tiên được mời giao ban 6 tháng đầu năm của Chính phủ, một người bạn điện thoại khá sớm và hỏi: "Ông đã đọc báo Tuổi Trẻ hôm nay chưa? Có thư bạn đọc gửi tân Bộ trưởng đấy!". Tôi vội tìm ngay tờ báo để đọc trên đường đi tới chỗ họp. Tôi cảm nhận được sự gửi gắm chân thành của bạn đọc vào tôi... Tôi tin là trong 10 năm tới nền giáo dục VN sẽ có những bước tiến mới, xứng đáng với đòi hỏi của sự nghiệp phát triển đất nước.
Qua lá thư, tự thấy hiểu biết của tôi về thực trạng của giáo dục phổ thông còn hạn chế quá và cũng cảm thấy có điều gì đó hơi bi quan hay cách đánh giá nguyên nhân trong lá thư này có lẽ cần bàn sâu hơn.
Một ý lớn mà bạn đọc muốn đề xuất là nhiều điều bất hợp lý hiện nay “chung quy cũng chỉ vì căn bệnh thành tích mà ra”. Tôi hiểu là bệnh thành tích của các thầy cô, các trường, các cấp lãnh đạo ngành giáo dục ở nơi này nơi kia. Tôi chưa có điều kiện để đánh giá bệnh thành tích này phổ biến đến đâu, nặng nề đến đâu vì không tham gia quản lý ở một trường hay Sở GD-ĐT đã chín năm.
Cứ giả sử bệnh thành tích khá phổ biến ở nhiều địa phương, xu hướng không thấy giảm từ nhiều năm nay thì phải chăng chỉ có các thầy cô và hệ thống giáo dục là nguyên nhân, có lỗi? Theo tôi không phải. Còn có hàng triệu gia đình, hàng triệu người dân là “đồng tác giả”.
Trong khi dạy kinh tế học ở trường ĐH, tôi thường đưa ra một bài tập cho sinh viên: “Giải thích vì sao có buôn lậu?”. Buôn lậu là việc buôn bán mặt hàng cấm hoặc bị hạn chế, là buôn bán không qua kiểm soát của Nhà nước theo luật định và nhất là trốn thuế. Đây là việc làm phi pháp mà hỏi thì ai cũng biết.
Thế nhưng tại sao buôn lậu cứ tiếp diễn, nhiều nơi, thậm chí công khai chứ không có gì giấu giếm mọi người, không “lậu”? Lấy ví dụ buôn thuốc lá ngoại. Người đi buôn vì trốn thuế thì có thu nhập cao nên vì miếng cơm manh áo mà đi chọn con đường buôn lậu. Thuốc buôn lậu lại rẻ vì không có thuế.
Những người nghiện thuốc lá biết thuốc bán ngoài đường là thuốc lậu có mua không? Có, vì chất lượng khá mà giá lại rẻ. Còn có người mua thuốc lá lậu thì mới còn người bán và buôn lậu! Nếu tất cả người nghiện thuốc lá tẩy chay thuốc lá lậu, chỉ mua thuốc có dán tem, đóng thuế thì chắc chắn không thể có buôn lậu thuốc lá.
Như vậy nguyên nhân của tình trạng buôn lậu thuốc lá kéo dài mấy chục năm là vì có nhiều người buôn lậu và bán thuốc vì muốn kiếm tiền trái pháp luật trong khi luật pháp lại trừng phạt ít quá, nhẹ quá. Và đặc biệt là có hàng chục triệu người ủng hộ buôn lậu, ngày ngày mua thuốc lá buôn lậu để dùng.
Trở lại bệnh thành tích trong nhà trường phổ thông. Nếu chỉ các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao, còn các em HS, các bậc phụ huynh chống lại bệnh thành tích, chống lại gian lận thi cử, xin điểm... thì thử hỏi bệnh thành tích có tồn tại với mức độ cao, còn dai dẳng hàng chục năm qua ở nhiều nơi không? Chắc chắn là không!
Chính vì có hàng triệu gia đình muốn con em mình có điểm cao (hơn thực chất), sẵn sàng đóng tiền “bồi dưỡng” các thầy cô để các em thi được điểm cao bằng mọi cách thì mới có bệnh thành tích ở quy mô lớn và “bền vững”, chống mãi không được như vậy. Trong trường hợp này, hàng chục triệu phụ huynh và HS chính là “đồng tác giả” của bệnh thành tích. Muốn chống bệnh thành tích trong ngành giáo dục phải chăng trước hết các bậc phụ huynh và HS phải kiên quyết từ chối việc thi cử, đánh giá HS bằng điểm thi cao hơn khả năng thuộc về các em.
Vì sao HS phải học thuộc lòng nhiều để thi? Bên cạnh bệnh thành tích “điểm cao”, theo tôi, có lẽ có lý do cơ bản là chúng ta nhận thức và thực hành đánh giá kết quả học tập rèn luyện của HS phổ thông chủ yếu dựa vào tiêu chí là điểm thi các môn. Hiện nay ở Malaysia và Singapore, sứ mạng của giáo dục đào tạo là tạo ra những con người có các giá trị xã hội cần thiết, có tri thức và kỹ năng tương đối hiện đại, có phương pháp tự học và tự đổi mới suốt đời. Khả năng sáng tạo, tự học trong cuộc sống sau này rất được nhấn mạnh trong giáo dục ở các nước này.
Theo kinh nghiệm của Singapore, để chuyển đổi hiệu quả từ một nền giáo dục “thuộc lòng” qua một nền giáo dục tạo ra con người có nhân cách, có tri thức, có kỹ năng, biết cách tự học và nghiên cứu suốt đời thì then chốt và quan trọng nhất là thay đổi cách ra đề thi. Singapore đã ra đề theo hướng đòi hỏi HS phải vận dụng các tri thức, kỹ năng đã được học để làm bài, còn nếu chỉ học thuộc lòng thì không thể làm được.
Thế nhưng họ không làm ngay một lúc. Đề thi “cải tiến” ban đầu có khoảng 1/2 nội dung đòi hỏi khai thác vận dụng sáng tạo, 1/2 nội dung có thể làm được nếu học thuộc lòng. Dần dần tỉ lệ nội dung do học thuộc lòng trong đề thi ngày càng giảm. Để có thể dạy HS trở thành người ham tự học và là người sáng tạo, có sáng kiến thì bản thân các thầy cô phải dạy được theo tinh thần đó.
Hàng chục năm qua việc đào tạo (của Singapore) thực tế là theo tinh thần: dạy là truyền đạt thông tin tri thức là chủ yếu, chưa tập trung vào đào tạo kỹ năng tự học và lao động sáng tạo. Điều này đã làm cho một bộ phận các thầy cô không có khả năng dạy học theo phương pháp mới: thầy giáo là người lãnh đạo (thủ lĩnh) của HS, là người sáng tạo, là tấm gương đạo đức cho HS.
Do đó phải có một chương trình đào tạo lại GV (họ gọi đó là “cải cách thầy giáo”) để GV có khả năng đào tạo ra những HS có phẩm chất, chất lượng mới. Các bạn Singapore nói: Muốn có cải cách giáo dục thì phải cải cách GV vì chính các thầy cô mới là người khởi xướng, dẫn dắt quá trình cải cách giáo dục ở mỗi trường, mỗi lớp.
Tôi muốn tâm sự hơi dài dòng về hai vấn đề: bệnh thành tích và bệnh thuộc lòng để bạn đọc thấy rằng đó không chỉ là vấn đề của VN mà là của nhiều nước khác. Họ đã khắc phục được điều đó thì nhất định chúng ta phải làm được.
Tuy nhiên, có một việc mà bạn không hỏi nhưng tôi thấy nên nói: đó là dư luận xã hội thấy, hiểu đúng về đóng góp to lớn của ngành giáo dục cho đất nước mấy chục năm qua nhưng sự thể hiện đánh giá ngành giáo dục trên báo chí có phần thiên về yếu kém, ít nói về cái tốt, trường tốt, thầy cô tốt, những đóng góp của ngành.
Có ý kiến cho rằng 20 năm đổi mới vừa qua, đổi mới và những thành tựu về kinh tế là nổi bật. Điều đó đúng. Nhưng ai là những người đã làm nên sự nghiệp đổi mới kinh tế? Phải chăng là người nước ngoài đến VN là tác giả chính? Không, đó là hàng triệu người nông dân, công nhân, viên chức, bác sĩ, kỹ sư, thạc sĩ... người VN. Họ là sản phẩm của nền giáo dục VN.
Nếu nền giáo dục vừa qua chỉ tạo ra những công dân yếu kém, không có tri thức và kỹ năng nhất định, không có khả năng học tập, thích ứng nhất định thì không thể có kỳ tích kinh tế VN mà thế giới đang thừa nhận.
Dân tộc VN đã trải qua trên mấy ngàn năm tồn tại và phát triển, trong đó có gần 1.000 năm bị đô hộ, vùi dập. Thế nhưng chính ông cha ta đã tập hợp, tổ chức lại để chiến đấu đánh đuổi ngoại xâm và giành lại non sông đất nước. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi bị thực dân Pháp đô hộ, người nước ngoài chắc không thể tin một dân tộc đa số không biết chữ, đi chân đất lại có thể tự học, tự tổ chức, tự sáng tạo, xây dựng lực lượng từ vài chục người cách mạng, để trong vòng 15 năm từ khi có Đảng, đã làm nên kỳ tích vĩ đại là cuộc Cách mạng Tháng 8-1945.
Những khó khăn, yếu kém trong ngành giáo dục nước ta hiện nay đang làm cả dân tộc lo lắng. Những khó khăn đó, thách thức đó chưa bằng khó khăn, thách thức của gần 1.000 năm đô hộ của phương Bắc, của 100 năm xâm lược của phương Tây. Nhất định chúng ta sẽ vượt qua những thách thức đối với giáo dục nước nhà đầu thế kỷ 21.
Với truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo, với thế và lực mới của đất nước sau 20 năm đổi mới, với quyết tâm chiến lược của Đảng coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, với lòng yêu nghề và quyết tâm tự khẳng định của hơn 1 triệu thầy cô giáo trong cả nước, với sự quyết tâm và chia lửa của hàng triệu người VN là đồng tác giả của sự nghiệp chấn hưng giáo dục, tôi tin là trong 10 năm tới nền giáo dục VN sẽ có những bước phát triển mới, xứng đáng với đòi hỏi của sự nghiệp hiện đại hóa - công nghiệp hóa đất nước, với mong muốn và tin cậy của nhân dân cả nước, với truyền thống văn hiến của dân tộc VN''.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân
(Theo Báo Tuổi Trẻ)