(VietNamNet) - Chuyện bùng nổ vào ngày 20/6. Chị Ngà, vợ thầy giáo Đỗ Việt Khoa, đang bận bịu trong bếp thì cô con gái lên mười nước mắt ngắn, nước mắt dài chạy vụt vào, hét toáng lên: "Mẹ ơi, bố vừa gọi điện cho cô nhà báo để nói tên rồi. Bố ta suốt ngày, lúc nào cũng hay đi thắc mắc".
>>Thư ngỏ của thầy giáo Đỗ Việt Khoa
>>Có nhiều giám thị Khoa ở quanh tôi
Chiếc điện thoại bàn sôi lên. Vì hoảng hốt, chị Ngà gọi điện cho tất cả những người thân trong gia đình báo chuyện. Và theo lời khuyên, chị đã gửi cô con gái đầu vừa nghỉ hè sang ở bên ngoại để "nhỡ ra, lại có chuyện xấu gì".
Khi những đoạn băng ghi âm mà anh "bắt" chị phải thức thâu đêm kiểm tra cùng được phát lần đầu trong chương trình thời sự VTV1 thì cả thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo bắt đầu sùng sục lên. Ở nhà, ra chợ, đi đâu cũng chỉ mỗi chuỵên "thầy Khoa tố cáo tiêu cực".
Đánh nhau với "cối xay gió" !?
Những người hàng xóm lo lắng chia sẻ: "Lão Khoa nhà mày dở hơi lắm nhé. Chuyện thiên hạ lâu nay người ta biết cả. Làm không được gì lại gây thù chuốc oán". Thậm chí, những phụ huynh của Vân Tảo vừa có con thi đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, thấp thỏm chờ một cuộc "thanh tra" của Bộ, đã đến nhà chỉ mặt thầy Khoa không ngần ngại: "Người ta cho thầy bao nhiêu tiền mà thầy gửi đơn lên Bộ. Nếu con chúng tôi thi trượt thì thầy cũng không sướng gì đâu".
Ngay cả học trò thầy Khoa cũng không giấu được âu lo. Cô bé Tươi, học sinh lớp 12A do thầy Khoa chủ nhiệm nói với chúng tôi bằng nét mặt đăm chiêu: "Em thấy lo cho thầy vì việc tố cáo tiêu cực đã làm ảnh hưởng đến nhiều người". Tươi cũng sợ chính các bạn của mình sẽ quá khích nếu bị chuyển từ đỗ thành trượt.
Một cậu học trò cũ, giờ đã đi làm công nhân thì không giấu được vẻ thán phục: "Em ngưỡng mộ thầy Khoa với tư cách một người đàn ông dũng cảm. Hồi đi học, em rất ghét thầy vì môn thầy dạy không bao giờ được nâng điểm. Ra trường nhìn lại, hoá ra người mình nhớ và quý nhất, người có nhiều bài học khuyên răn mình nhất lại chính là thầy Khoa".
Quán Net nhỏ ven đường của người thầy chống tiêu cực, ngày nào cũng nườm nượp xe ghé vào, cả biển số quen lẫn lạ. Không ngày nào những đồng nghiệp ở Vân Tảo và cả đồng nghiệp cũ lại không tạt qua.
Có khi, chỉ để vỗ vai trìu mến: "Làm được đấy, làm đến cùng nhé", nhưng cũng có không ít bi quan: "toàn những trò hề vớ vẩn. Đánh nhau với cối xay gió. Không giải quyết được gì đâu".
Chị H, một đồng nghiệp cùng tổ xã hội với thầy Khoa cứ nhắc đi nhắc lại: "Gốc vấn đề không phải chỉ ở chuyện Khoa tố cáo. Nhưng tôi rất phục, rất phục sự dũng cảm của cậu ấy".
Người chồng "kỳ quặc"
Tuy đã sống chung với người "vác tù và hàng tổng" hơn mười năm trời, nhưng mỗi ngày chị Ngà lại bất ngờ với một kiểu "khác người" của chồng mình.
Nhớ có lần, đang chụp ảnh cho khách (chị làm nghề chụp ảnh) thì chị thấy anh xe máy về nhà, mặt đầy nhọ than, người đen nhẻm. Anh hô hoán xách xô, xách chậu ra chữa cháy. Chưa hiểu đầu cua tai nheo, lại tưởng cháy nhà người thân nào đó, chị hớt hải chạy theo. Thì vỡ lẽ. Đang đi đường, anh Khoa bỗng trông thấy một đám cháy nhỏ dưới ruộng do ai đó tiện tay đốt cây ngô giữa đồng. Không ngờ, quầng lửa bốc cao liếm vào một búi dây điện thoại vắt chồng chéo. Xót của công, anh nhao vào chữa cháy. Không ăn thua, về nhà lấy xô chậu, huy động vợ vào cuộc. Người đi đường, ai nấy thờ ơ lướt qua.
Lại có đêm, hai giờ sáng mà anh Khoa lên thị xã rửa ảnh vẫn chưa về. Đang thức chong chong, chị Ngà nghe tiếng gõ cửa. Mở ra, chỉ thấy trước nhà lù lù hai bao ảnh, còn người thì biến mất tăm. Tá hoả, chị gọi hàng xóm nhờ đi tìm chồng hộ. Thì ai nấy an ủi, chắc lại một hành động kỳ quặc khác của anh Khoa mà thôi.
Mãi đến gần sáng, anh Khoa mới về đến nhà. Mặt mày phờ phạc nhưng hồ hởi; vừa bước vào nhà vừa kể cho vợ nghe chuyện đêm qua. Trên đường từ thị xã về, anh gặp một cụ già người Đà Nẵng về thăm nhà con trai đang định cư ở một xã thuộc huyện Thường Tín. Trời tối, điện thoại không có, tưởng anh Khoa là xe ôm nên cụ níu lại hỏi thăm. Và anh đã chở ông cụ tìm về đến tận nhà người con, từ chối nhận tiền xe ôm. Hai túi ảnh để lại nhà lúc hai giờ sáng là để báo cáo với vợ.
Chuyện anh Khoa hay nói thẳng lại cả tin, chị Ngà đã biết từ ngày chưa nhận lời yêu anh. Khi biết anh đến "tìm hiểu" chị, ai cũng khuyên nhủ, báo trước, rằng lấy người chồng "hay lý sự, hay đấu tranh, hay phát biểu trong các cuộc họp với lãnh đạo" là thiệt thòi và dễ rước hoạ vào thân lắm.
Không ít những lời bàn ra tán vào cũng đã làm chị lăn tăn. Nhưng chỉ một chuyện nhỏ thôi, đã khiến chị cảm động và tin vào chọn lựa của mình.
Hồi đó, anh đi làm xa nhà, rất cần mua xe máy nhưng chưa gom được đủ tiền. Anh đã thật thà dẫn người yêu đến hỏi vay ở nhà một số người bạn cũng chỉ mới đi làm như anh. Lạ một điều, vừa thấy anh trình bày ý định, thì ai nấy, dù chỉ có dăm ba trăm, cũng gom lại ủng hộ anh. Có nữ đồng nghiệp vừa mới sinh con, cũng rút chiếc nhẫn trong tay, bảo anh cầm tạm, đừng ái ngại.
"Thế là tôi ấn tượng ngay. Qua cách đối xử tin cậy của bạn bè anh ấy, tôi hiểu phải là một người tốt với người khác đến mức nào thì mới được bạn bè ủng hộ như vậy", chị Ngà không giấu được niềm tự hào.
Về sống chung một nhà rồi, dĩ nhiên tính cách hào hiệp "vô tiền khoáng hậu" của anh Khoa cũng không ít lần làm cả nhà phải mệt mỏi, thậm chí, chấp nhận nghe những bình phẩm không hay về "ông hay nói". Nhưng với chị Ngà, anh làm gì cũng được, miễn là "để lại đức cho con cháu". "Chỉ có cả họ hàng nhà chị là lo lắng, lúc nào cũng nhắc nhở vì sợ sẽ bị trù dập".
Chuyện anh đang làm, nếu bàn với chị ngay từ đầu, có thể chính chị lại là người khuyên anh nên "dĩ hoà vi quý". Nhưng anh quyết đoán, thậm chí không hỏi cả ý của người cha, vốn cũng là một người không nhắm mắt làm ngơ trước những chuyện bất bình.
Nhưng đến giờ, chị lại là người duy nhất đọc bằng hết tất cả những lá thư mà độc giả khắp nơi nồng nhiệt gửi về đồng tình, ủng hộ anh (mỗi ngày, VietNamNet lại chuyển tới mail của anh hàng ngàn thư bạn đọc khắp nơi). "Họ đều là những người có trình độ, là trí thức. Thấy họ đều có lý lẽ để đứng về phía anh Khoa nên tôi yên tâm biết rằng chồng mình đang đi đúng hướng", chị Ngà tâm sự.
"Có tiêu cực, mách thầy Khoa nhé!"
Các đồng nghiệp ở trường THPT Vân Tảo đã quá quen với anh bạn dạy Địa, hơi nặng tai nhưng luôn hăng hái nhất trong những buổi họp. "Hễ thấy có chuyện gì bất thường là Khoa lên tiếng. Khoa đấu tranh được nhiều quyền lợi cho anh em lắm", chị H, đồng nghiệp cùng tổ tâm sự.
Nhiều chuyện anh đưa ra, được giải quyết ngay và nhiều người ủng hộ. Nhưng cũng có không ít sự việc đưa ra rồi cứ thế để lại mãi. Nhiều người đã quên. Hoặc không quên thì vẫn nguyên tắc "việc mình mình làm. Làm tốt và không va chạm đến quyền lợi của ai". Nhưng riêng anh Khoa vẫn nhớ. Và gom góp lại để chuẩn bị cho một cách chiến đấu mạnh hơn.
"Nhiều lúc, con tôi dũng cảm hơn tôi. Nó cương trực và thẳng tính từ bé", ông thân sinh của anh Khoa bộc bạch. Ông vốn là một chuyên viên Bộ Nông nghiệp, giờ đã nghỉ hưu. Với anh Khoa, con đường bao giờ cũng phải thẳng băng. Anh không thể nhắm mắt với những điều khuất tất.
Thậm chí, lũ học trò trong trường cũng rỉ tai nhau, rằng hễ có chuyện gì bất công, tiêu cực trong trường, lớp là cứ tìm đến thầy Khoa.
Là giáo viên Địa, lại không bao giờ đăng ký đi thi giáo viên giỏi nhưng học trò vẫn tìm đến thầy Khoa để được bồi dưỡng môn Toán, là bởi "thầy có những cách giải Toán rất hay và dạy dễ hiểu".
Hà Tây hãy tự vấn: Làm gì để người ngay hết ngờ vực ?
Trưa tháng sáu. Đường vào thôn Nỏ Bạn nóng rang. Biết chúng tôi có ý định hỏi chuyện về thầy Khoa, chị L, một đồng nghiệp ở trường Vân Tảo lập tức im lặng, "có nhiều người cũng đến và hỏi tôi về chuyện anh Khoa, nhưng tính anh ngay thẳng thế nào, cứ nhìn thế đủ biết. Nói thêm nữa làm gì".
Trưa nắng ngột ngạt. Sau chuỗi im lặng kéo dài, chị cho biết, ngay khi anh Khoa chưa công bố danh tính, cả trường Vân Tảo đã biết người tố cáo tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp ở Phú Xuyên A Hà Tây là ai rồi. Nhiều năm, phòng anh Khoa coi thi bao giờ chẳng nổi tiếng là "ngặt" nhất trong hội đồng. Và không năm nào, anh không lên tiếng cảnh báo về tệ gian lận thi cử. Ai cũng nghĩ, chắc cũng chỉ dừng lại ở đó mà thôi.
Thậm chí, kết thúc buổi thi môn Toán, một số đồng nghiệp phát hiện anh Khoa quay phim, cũng chỉ nghĩ anh "cảnh báo". Có đồng nghiệp còn góp ý: "Khoa bỏ cái trò quay phim chụp ảnh ấy đi nhé". Và tưởng chỉ vậy thôi. Như nhiều năm. Ngờ đâu, anh Khoa gửi đi thật. Không phải vào Sở, như bao lần anh làm, mà vượt cấp lên tận Bộ.
Trong giới, tất cả vẫn đang chờ đợi. Không mấy người tin sẽ có "cách mạng" từ những thước phim và cuộn băng ghi âm ấy. Bởi, giáo dục đã bị thoái hoá từ gốc.
Cô L cười buồn, buông xuôi: "Học sinh cấp một không biết chữ vẫn lên lớp. Học sinh cấp hai thì từ nay không cần phải thi tốt nghiệp. Cấp ba chính là cái túi tồn lại bao thế hệ học trò mất gốc. Làm cách mạng bằng cách hy sinh một vài thế hệ. Thế hệ nào chấp nhận hi sinh đây?"
Dù rất thán phục lòng dũng cảm và thú nhận mình không bao giờ làm được, thậm chí chống lại chuyện thi đua theo chỉ tiêu, chuyện "cấy điểm" nhưng cô giáo H vẫn dè dặt: "chống tham nhũng thì tôi ủng hộ. Tố cáo gian lận trong thi tốt nghiệp thì... Đến mấy bà bán thịt ngoài chợ còn bàn tán là hãy còn thi tốt nghiệp thì còn gian lận".
... Trưa nắng rát. Tiệm Net nhà anh Khoa vãn hẳn. Đây là điểm truy cập duy nhất còn tồn tại được ở Vân Tảo bởi nhà anh có vị trí mặt tiền do gia đình để lại. Và tự tin vào kiến thức mạng đủ để không cần thuê thợ kỹ thuật. Rồi thêm một chiếc máy ảnh để "tranh thủ" những giờ không lên lớp. "Phải vay mượn để có cơ ngơi này. Nhưng tôi tin vào bàn tay làm giàu chân chính. Giáo viên cũng có quyền không được nghèo chứ", anh phân bua.
Những người thân đã từng e ngại, việc tố cáo tiêu cực lần này, có làm rốt ráo hay lại bàng quan, thì "người ta" cũng sẽ có lúc "chộp" được một sơ sểnh nhỏ để đẩy "người hay chống tiêu cực" về vườn.
Nhưng anh Khoa tự tin, với tài "xoay xở" của mình, nều muốn "nhất nghệ tinh" mà không được, thì anh vẫn đủ sống để tiếp tục đấu tranh.
-
Lê Nhung - Phạm Thuỷ
Ý kiến của bạn: