(VietNamNet) - "Tại sao chúng ta làm tiêu cực trong bóng đá, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản mà trong lĩnh vực giáo dục lại không làm ra nhẽ?"- Luật sư Phạm Hồng Hải bày tỏ sau khi phân tích những chứng cứ mà giáo viên Đỗ Việt Khoa tố cáo về những tiêu cực trong gian lận thi cử ở Hà Tây.
Trưa ngày 24/6, dù khá bận rộn chuẩn bị cho chuyến công tác tại Nha Trang, luật sư Phạm Hồng Hải vẫn cùng phóng viên xem xét các đoạn băng ghi âm, ghi hình mà giáo viên Đỗ Việt Khoa cung cấp. Đây cũng là những tài liệu mà ông Khoa gửi lên Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT, tố cáo những gian lận thi cử ở Hà Tây.
Dưới đây là ý kiến của LS Phạm Hồng Hải.
Luật sư Phạm Hồng Hải: " |
Những băng ghi âm ghi hình chưa có giám định, nên chưa thể đưa ra được một kết luận nào về tính xác thực của bằng chứng.
Tuy nhiên, theo Luật khiếu nại, tố cáo, khi một ai đó đưa ra bằng cớ và có yêu cầu xác minh thì bên có trách nhiệm phải xem xét.
Người khiếu nại tố cáo có nghĩa vụ cung cấp những chứng cứ trung thực. Còn người có thẩm quyền nhận khiếu nại có nghĩa vụ xác minh bằng nhiều cách thức khác nhau như tiến hành giám định, trưng cầu giám định hoặc lấy ý kiến.
Băng ghi âm có cung cấp lại cuộc đối thoại của giám thị Khoa với một đồng chí thanh tra Sở GD-ĐT Hà Tây. Trong đó, ông Khoa trình bày những băn khoăn về một số thùng được đưa vào hội đồng thi, nghi vấn là đựng tài liệu và yêu cầu xác minh. Vậy mà thanh tra đã không tiến hành xác minh, thẩm định ngay tại chỗ theo đúng thẩm quyền và đã cho qua.
Bất kỳ một hiện tượng bất thường nào xảy ra trong hội đồng thi đều phải được thanh tra xác minh. Còn nếu nhận lời phản ánh của giám thị mà bỏ qua thì rõ ràng là tắc trách, không thực hiện đúng thẩm quyền của mình. Thanh tra phải có nghĩa vụ đi kiểm tra những hiện tượng bất bình thường trong, thậm chí ngoài phòng thi. Nếu có tin báo về một hiện tượng nào đó, anh phải tiến hành lập biên bản, xem là trong thùng đưa vào có đựng những gì? Không thể nhận phản ánh rồi để đó.
Một vấn đề nữa, phụ huynh quyên góp tiền bồi dưỡng cho giám thị cũng là một hiện tượng bất bình thường.
Chúng ta đặt ra vấn đề, liệu có phải chỉ một số ít phụ huynh làm điều đó không hay là tất cả? Nếu như không phải tất cả, thì sẽ có một số em học sinh được ưu tiên. Còn nếu đặt giả thiết tất cả 100 % đều làm điều đó thì sẽ dẫn tới một tình trạng gọi là lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản. Được xem như một hành vi nhận hối lộ. Nghĩa là đã nhận tiền để làm một việc không được cho phép, hoặc để không làm một số việc phải làm. Là bao che. Thí sinh quay cóp mà giám thị không bắt.
Giả sử, tất cả các đội bóng đều hối lộ trọng tài, thì mạnh ai nấy thắng. Nghĩa là phải có một đầu mối nào đó để kịp thời thông tin đến tất cả các phụ huynh về chuyện phải nộp tiền bồi dưỡng. Hành vi này, tạm gọi là có tổ chức. Nếu không, hàng trăm phụ huynh biết chỗ nào mà nộp.
Để xem có căn cứ hay không, thì cơ quan có thẩm quyền phải nhận trách nhiệm điều tra truy đến cùng.
Trường hợp này đưa vào tội nhận hối lộ. Hội đồng thi, thanh tra nhận hội lộ. Còn người đưa hối lộ, trong trường hợp này, phải chịu sức ép buộc phải làm việc đó (người khác nộp tiền con người ta đỗ, mình không đưa con mình trượt nên buộc phải làm thôi) thì có thể xác định trách nhiệm của họ nhẹ hơn. Nhưng những người đứng ra tổ chức làm việc này phải trịu trách nhiệm.
Trong trường hợp người ta đang chưa tin vào các băng hình của thầy Khoa, cần phải có thêm tài liệu khác.
Ví dụ, so sánh kiểm tra bài thi của các em ngồi ở những vị trí khác nhau trong một phòng. Mà giống nhau từ đúng đến sai. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra phải vào cuộc để xác minh. Sau khi cơ quan điều tra đã nhận được đơn tố giác tội phạm là có hiện tượng nhận tiền và hiện tượng vi phạm quy chế thi thì cơ quan điều tra nhảy vào cuộc. Lúc đó, thầy Khoa được xem là một trong những nhân chứng.
Các bài thi khi được phúc khảo lại mà giống nhau thì phải xem mức độ giống nhau như thế nào.Bộ đã yêu cầu phúc tra lại bài thi. Nhưng theo tôi, cơ quan điều tra phải vào cuộc.
Bản photo bài giải phải xem xét xem có được các em học sinh sử dụng không, có được đem vào phòng thi hay không? Nếu là giải để tham khảo thì tại sao ông Khoa lại có được bản photo đó? Điều này chứng tỏ rằng bài giải đã được chuyển qua tay người khác…Tuy nhiên, việc này cơ quan điều tra có thể làm rất rõ.
Vấn đề là cơ quan chức năng có muốn làm hay không? Theo tôi, hoàn toàn có cơ sở để làm ra sự thật của vụ này.
Để cơ quan điều tra có thể vào cuộc, ông Khoa cần làm đơn tố giác gửi đến cơ quan điều tra. Nên là cơ quan điều tra của Bộ Công an cho khách quan. Vì từ xưa đến nay, toàn bưng bít, chạy theo thành tích, nếu để cho một cơ quan trong ngành giáo dục làm sẽ không khách quan.
Những hiện tượng mà giáo viên Đỗ Việt Khoa phản ánh, từ xưa đến nay đã nói nhiều nhưng tôi thấy không có chuyển biến. Do bản thân những cơ quan đó chưa thừa nhận cái sai của mình; tình trạng đó vẫn được bưng bít, lặp đi lặp lại…
Việc này làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, dù chúng ta vẫn nói phải nâng cao nó lên.
Xa hơn nữa, có thể thấy: ở cấp thi này lộn xộn như vậy thì ở cấp thi khác sẽ như thế nào? Không thể để tình trạng xã hội thừa nhận một cách ngấm ngầm, thực giả lẫn lộn.
Cần phải biểu dương người đã dũng cảm tố cáo. Còn các tài liệu có độ xác thực như thế nào thì hãy để cơ quan có thẩm quyền xác minh. Báo chí và cơ quan điều tra phải ủng hộ thầy Khoa. Tại sao chúng ta làm tiêu cực trong bóng đá, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản mà trong lĩnh vực giáo dục, lại không làm ra nhẽ?
-
Lê Nhung - Phạm Thủy (ghi)
Theo dòng sự kiện:
Ý kiến của bạn: