221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
806580
Giám đốc Sở Giáo dục Hà Tây: "Thi tốt nghiệp: Hình thức"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Giám đốc Sở Giáo dục Hà Tây: 'Thi tốt nghiệp: Hình thức'
,

(VietNamNet) - Cam kết xử lý nghiêm nhưng "phải có chứng cứ"; Không thể sống chung với gian lận trong thi cử, nhưng "phải từ từ"... tân Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tây Uông Đình Hồng bày tỏ. Chiều 10/6, sau khi gửi báo cáo giải trình với Bộ GD - ĐT về "những sự cố thi tốt nghiệp THPT", ông đã tới tòa soạn VietNamNet. Dưới đây là cuộc trao đổi với ông Hồng.

Xử lý: Phải có chứng cứ!

Ông Uông Đình Hồng

- Thưa ông, tỉnh đã làm rõ những hiện tượng tiêu cực mà báo chí phản ánh và Bộ GD - ĐT yêu cầu giải trình đến đâu?

- Tình trạng tụ tập đông người trước cổng trường và trèo tường như ở Hội đồng thi Phùng Khắc Khoan là có thật. Việc lộ đề, chúng tôi xác định là không có, vì anh em giáo viên không ai muốn bán rẻ lương tâm. Còn việc lọt đề, nói về mặt chứng lý thì khó. Có thể đề từ nơi khác chẳng hạn. Chỉ cần fax hoặc đọc qua điện thoại. Bây giờ, máy fax không hiếm, nhiều doanh nghiệp, gia đình đều có...

- Thưa ông, đứng ở góc độ người đọc, lý giải đề thi "lưu lạc" từ tỉnh khác đến khi đang trong giờ thi, liệu có thuyết phục không?

- Đó là khả năng không loại trừ vì trong thời buổi kinh tế thị trường này, họ đua nhau giải đề để bán thì làm sao không có được. Còn nói đề lọt từ trong Hội đồng thi ra thì hiện chúng tôi chưa có chứng cứ.

- Nói đến chứng cứ, vậy với những gì mà giám thị ở hội đồng thi Phú Xuyên tố cáo việc thu tiền, làm ngơ cho thí sinh chép bài, các ông đã xử lý ra sao?

- Vấn đề đó, tôi cũng nghe và biết thông tin qua báo chí và đây là vấn đề liên quan đến nhiều chuyện khác. Còn hiện nay, Sở GD-ĐT Hà Tây chưa có thông tin. Còn sau này trên cơ sở đó, có chứng cứ, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý...

- Thưa ông, khi sự việc xảy ra trong thời gian đang diễn ra kỳ thi, người tố cáo cũng gọi điện cho Phó Giám đốc Sở  GD - ĐT là người trực số điện thoại thi "nóng" của Sở?

Cái này tôi không rõ. Hôm qua (9/6), tôi có nghe thông tin chuyện này có nói với một vài người ở Sở. Sáng 10/6, có trao đổi với anh Hiếu (ông Nguyễn Hữu Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD - ĐT) thì anh Hiếu bảo có nhưng lúc công việc của anh ấy bận, xin khất.

- Sau đó, các ông có rà lại sự việc ở Hội đồng thi Phú Xuyên A?

Ngay sau khi có công văn của Bộ GD-ĐT, chúng tôi đã cử đoàn thanh tra và Trưởng phòng Giáo dục phổ thông xuống làm việc với hội đồng thi này. Chuyện thu tiền là có thật và đích thân tôi đã điện cho Hiệu trưởng trường THPT Phú Xuyên A, điện cả cho trưởng ban phụ huynh.

Sự việc là thế này: Trước kỳ thi diễn ra, hội phụ huynh có họp để bàn và thống nhất tạo điều kiện bồi dưỡng cho các thầy. Do việc tổ chức thi là đổi chéo giám thị, các thầy cô ở xa đến, trong điều kiện thời tiết nắng nôi, cũng cần chút bồi dưỡng. Theo biên bản mà đại diện phụ huynh cung cấp, mỗi HS đóng 150.000 đồng.

Đóng mấy chục là vừa...

Đề thi và lời giải môn Toán mà chúng tôi nhặt được phía bên trong hội đồng thi trường THPT Phú Xuyên A sáng ngày 2/6. Ảnh: Kiều Oanh

- Ông nghĩ sao về việc đóng góp này?

- Số tiền đóng góp này phải khẳng định là cao. Tôi cũng hỏi lại: Việc đóng góp này có xảy ra nhiều năm không, Sở có văn bản cấm không.

Câu trả lời là trong kỳ thi này, Sở không đặt ra, nhưng đầu năm học nào, Sở cũng đều nhắc nhở tất cả các trường chỉ được thu cái gì, không được thu cái gì.

- Có thể hiểu là Sở cấm việc thu đó...?

- Có cấm! Về vấn đề này, hoàn toàn do phụ huynh tự nguyện. Và họ có thu mỗi HS một khoản tiền như vậy để sau thi bồi dưỡng cho các thầy. Mỗi thầy 400.000 đồng. Phải khẳng định việc đóng góp như vậy là sai và quá nhiều.

- Việc mỗi giám thị cầm 400.000 đồng đã ảnh hưởng đến tính nghiêm túc của kỳ thi như thế nào?

- Đánh giá tính nghiêm túc thì cũng chưa cụ thể được vì chưa có chứng cứ gì. Việc này xuất phát từ lòng thương của dân thì sao?

- Cứ cho là phụ huynh chủ động, mặc dù xem ra điều này không thuyết phục cho lắm. Nhưng, ở góc độ người thầy hoặc nhà trường, sao không đặt vấn đề từ chối?

- Thực ra, vấn đề này chưa điều tra cụ thể. Nếu thời điểm đưa "bồi dưỡng" mà đưa trước khi thi là không nên. Nhưng đưa sau khi thi, lúc cầm phong bì, ai giở ra ngay. 

Cái này thì cũng phải xem xét lại vì hiện chúng tôi chưa đủ chứng cứ. Và nếu dùng tiền mà có mặt trái thì phải xem xét. Còn xét về tình cảm thì không thể xử lý phụ huynh vì theo báo cáo, vấn đề này hoàn toàn do phụ huynh tự nguyện.

- Thưa ông, phụ huynh có thể tự nguyện được không, nếu không có sự tiếp tay của giáo viên? Không có chứng cớ để nói là "ép", nhưng còn tiếp tay bằng cách đồng ý với sự tự nguyện đó...Là người thầy, liệu việc đồng ý đó có bình thường?

 Thực ra, khi biết chuyện đóng góp của học sinh và bồi dưỡng cho các thầy như vậy phải khẳng định là không hay. Bởi, số tiền như thế là quá sức đóng góp của dân. Vì trong số họ cũng có những phụ huynh chẳng có để đóng góp. Và Hội trưởng hội phụ huynh cũng nói là không phải cháu nào cũng đóng.

- Nếu đặt địa vị ông là phụ huynh và phải đóng góp một khoản tiền 150.000 đồng như vậy, ông sẽ phản ứng như thế nào?

Thực ra, bản thân tôi sẽ phản ứng chuyện đó và không cho đóng nhiều như thế được. Giả sử, nếu có đóng góp thì mỗi HS cũng chỉ mấy chục thôi. Vì hiện tại, công tác phí cho mỗi giám thị trong mỗi ngày thi chỉ được có 25.000 đồng.

Tiêu cực: Không thể sống chung, nhưng phải từ từ...

"Phao" rải sau buổi thi môn Địa lý tại điểm thi trường THPT Hoài Đức. Ảnh: Kiều Oanh

-Trước khi nói đến chế độ thanh toán của Nhà nước có nhiều bất cập, phải xem xét trách nhiệm của những người làm công tác giám thị. Thi cử là một khâu trong quá trình giáo dục và giáo viên đi coi thi cũng là thực hiện một trong những trách nhiệm và công việc của mình. Liệu không có những khoản bồi dưỡng bù vào chi phí của Nhà nước, các giám thị sẽ không làm tròn nhiệm vụ hay sao?

(Cười). Nói thế cũng không sai, nhưng thực tế vẫn xảy ra nên rất khó. Đúng đó là trách nhiệm của người thầy...Sang năm, chúng tôi sẽ có văn bản quy định cụ thể hơn...

- Ở cương vị những người quản lý mà xử lý các hiện tượng  tiêu cực bằng cái "tình" thì sự hoàn thành công việc của các ông đến đâu khi mà trách nhiệm của người quản lý là phải theo "cái lý"?

- (Im lặng...)

- Vậy các anh sẽ khắc phục và vượt qua tâm lý đó như thế nào? Hay là xuôi theo tâm lý đó...

Không, không thể xuôi theo được. Sang năm, dứt khoát chúng tôi sẽ có văn bản quy định đàng hoàng. Còn ông nào làm ông đó chịu trách nhiệm

- Đó là câu chuyện của sang năm, còn năm nay?

Năm nay, cũng phải kiểm điểm quy trách nhiệm, làm rõ. Như tôi đã nói, nếu xét về lý thì sai nhưng nếu nói về tình thì cũng có cái gì đó rất áy náy...

- Nếu nói về " cái tình" thì chúng tôi, những người đưa thông tin về các hiện tượng tiêu cực trên báo chí thời gian qua cũng phải cân nhắc. Khi đề cập tới những điều chưa tốt, chúng tôi sẽ bị "ghét", thậm chí, đối với phóng viên còn bị nguy hiểm...

- Ghét trước nhưng quý sau. Chỉ có thế, báo chí mới phanh phui được những sự việc như vậy. Và từ đó, chúng tôi làm tốt hơn. Chuyện thu tiền của học sinh, xét về mặt nào đó là sai. Vấn đề này sang năm sẽ có văn bản quy định riêng không được thu tiền nữa.

- Ra văn bản chỉ là một động thái chỉ đạo. Điều mà chúng tôi quan tâm hơn là giám sát và kiểm tra quá trình thực thi như thế nào, và quan trọng hơn là những biện pháp "phòng chống" chứ không phải "chữa cháy" với các hiện tượng tiêu cực.

- Phải có giám sát chứ. Nếu sang năm mà xảy ra tình trạng như thế này người chịu trách nhiệm trước tiên phải là giám đốc Sở. Còn đến trách nhiệm của ông nào ở dưới thì ông đó phải chịu trách nhiệm trước giám đốc. 

- Nếu để xảy ra chuyện giám thị nhận tiền ở mùa thi sang năm thì trách nhiệm trước tiên sẽ thuộc về ai?

- Phải nói thế này, quả thật rất khó. Thật ra, công tác phí nhà nước cho mỗi người một ngày là 25.000 đồng. Bốn ngày làm công tác giám thị, được 100 ngàn. Ngoài ra không có gì nữa và cũng không được đề xuất thêm.

- Tình trạng bồi dưỡng giám thị tồn tại từ nhiều năm nay. Như vậy, phải chấp nhận "sống chung" với những tồn tại đó?

(Cười). Không thể sống chung được, nhưng phải từ từ! Qua báo chí, chúng tôi biết được rất nhiều thông tin tiêu cực. Tuy nhiên, cách giải quyết cũng phải từng bước một...Chẳng hạn như, tại một số hội đồng như Quốc Oai, Phùng Khắc Khoan so với năm trước, tình trạng lộn xộn đã giảm. 

-Như ông nói thì rất khó xử lý tiêu cực trong thi cử. Vậy có khi nào bản thân những người trong ngành muốn làm nghiêm nhưng lại chịu sức ép?

- Cũng chẳng ai ép đâu. Hiện nay, xã hội cũng có quan niệm là học lớp 12 chỉ mong con đậu tốt nghiệp để có công ăn việc làm. Chứ trượt thì cũng áy náy, nên tâm lý dân đóng góp cũng vì vậy.

- Nếu khẳng định việc xử lý tiêu cực không chịu sức ép nào, vậy tại sao các ông lại muốn chỉ xử lý theo "cái tình"?

Thực ra mà nói, tôi cũng nghĩ thế này: về lâu dài cũng phải có biện pháp khắc phục; còn trước mắt nếu lỗi của cá nhân, tổ chức nào thì cũng phải xử thôi. Nhưng việc xử lý phải có lý có tình, và phải có chứng cứ rõ ràng thì mới xử được.

- Ông nhìn nhận thế nào về nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận trong thi cử?

Tôi thấy, thi tốt nghiệp hiện nay cũng chỉ là hình thức. Bởi vì, nếu xét cho cùng, một tỉnh tỷ lệ trượt không nhiều, toàn 98, 99%...đỗ tốt nghiệp. Mặt khác lại rất vất vả cho cả dân, học sinh và các nhà quản lý.

Nên chăng, việc thi nên giảm bớt môn: 2 ngày thi 4 môn thôi; đề thi cũng chỉ đặt ra ở mức HS  trung bình yếu có thể làm được chứ không nên đặt ra trung bình như hiện nay.

Một vấn đề nữa mà lâu nay vẫn bỏ lỏng đó là khâu thi cử, thực sự chưa cương quyết nên chất lượng chưa nâng được nhiều. Có những cái trong chỉ đạo thực hiện thấy chưa thực sự quyết liệt lắm. Nhưng nói thật cũng có cái khó, nếu quyết liệt thì số trượt lại nhiều...

- Khi đảm nhận công việc Giám đốc Sở, cái khó nhất để đưa thi cử vào trật tự kỷ cương là gì?

Làm thế nào để nhận thức nhận được sự đồng tình cao và tạo ổn định trong dư luận xã hội. Chứ nếu chỉ ngành giáo dục thì không làm nổi. Mặt khác, cấp uỷ, chính quyền đoàn thể  cũng phải vào cuộc và có đồng tình...Bên cạnh đó cũng phải có những giải pháp cải tiến thi cử đồng bộ hơn. Chứ thời xưa bọn tôi học làm gì có quay cóp...

- Thưa ông, những năm trước, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh bao giờ cũng cao chót vót ở mức 98 - 99%. Năm nay, khi vừa nhận vai trò mới, cùng với chủ trương "hậu kiểm" nghiêm ngặt của Bộ GD - ĐT,  nếu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của tỉnh bị sụt giảm thì ông có bị áp lực gì không?

- Tôi nghĩ sẽ là không thấp, đang tính có khi lên tới trên 95%...

- Xin cảm ơn ông!

  • Kiều Oanh - Hạ Anh (thực hiện)

Ý kiến của bạn:

                                                                                                          

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,