"Cần một dự án ngoại ngữ có tính chiến lược và tính giáo dục cao", PGS.TS Phương pháp luận và Ngôn ngữ Văn hóa Trịnh Văn Minh (Khoa Sư phạm - ĐHQG Hà Nội) bày tỏ ý kiến xung quanh đề án dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông ở VN đến năm 2015.
Nhiều tháng nay, chúng tôi được biết có một “dự án dạy-học ngoại ngữ” đã được soạn thảo cho hệ thống giáo dục VN. Tuy nhiên, dự án đó đã được đưa ra trao đổi, thảo luận rộng rãi hay chưa thì ít người biết (ít ra trong giới nghiên cứu và giảng dạy các ngoại ngữ như Anh, Pháp, Nga, Trung,…và các cấp quản lý giáo dục)?
Người viết bài này đã “chịu khó” tham kiến một số chuyên gia, quản lý giáo dục, nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ hàng đầu của VN nhưng phần lớn không được biết về sự tồn tại của “dự án” này. Trong khi đó, hình như Hội đồng Anh và cả trung tâm tiếng Anh Apollo đã được các tác giả “dự án” tham khảo ý kiến.
Đọc bài trả lời phỏng vấn TS Nguyễn Lộc, chúng tôi thực sự băn khoăn về một chiến lược ngoại ngữ chủ trương dạy-học duy nhất tiếng Anh. Và sẽ có rất nhiều điều phải suy nghĩ nếu nó được cấp trên chấp thuận.
Chúng tôi xin được trao đổi một số điều. Qua đó, muốn đưa thông điệp: việc chọn dạy ngoại ngữ là một việc làm hệ trọng ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của hàng triệu con người. Ngoại ngữ là bộ môn tổng hợp của nhiều yếu tố. Do vậy, không nên có những quyết định theo “thời cuộc” mang cảm tính hay định kiến như chúng ta đã từng làm.
Từ lý luận tới thực tiễn...
Nếu hiểu theo những gì TS Nguyễn Lộc trình bày thì “dự án” chủ trương dạy duy nhất tiếng Anh trái với nhiều văn bản ban hành từ trước đến nay về dạy-học ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông.
Theo các văn bản này, vị trí của môn ngoại ngữ đã được xác định có tầm chiến lược và mang tính giáo dục cao, ngoại ngữ được coi là môn văn hoá cơ bản như những môn học khác (quyết định năm1968 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký và các thông tư hướng dẫn thực hiện sau đó). Vì là môn văn hoá cơ bản nên kiến thức, kỹ năng, thái độ lĩnh hội được là một phần không thể thiếu trong hành trang văn hoá của một HSSV. Chính sách về ngoại ngữ, do vậy, phải được coi là một bộ phận của chính sách giáo dục quốc gia.
Ngôn ngữ (hay ngoại ngữ trong “dự án” nói đến) không đơn thuần là một phương tiện giao tiếp hay là “một công cụ làm ăn” như nhiều người quan niệm. Thật là sai lầm nếu quan niệm này được chấp nhận ngay cả trong tư duy của những nhà hoạch định giáo dục để chỉ đạo xây dựng “dự án”. Ngôn ngữ chuyển tải cả một nền văn hoá và cũng là phương tiện để tiếp cận với văn hoá đó.
Chúng ta đang chủ trương đa dạng hoá và đa phương hoá hợp tác quốc tế. Chúng ta đang tích cực tham gia Công ước UNESCO về đa dạng văn hoá. Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM 5) lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội từ ngày 8-9/10/2004 ra tuyên bố “Các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ ASEM khẳng định lại rằng đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại và là nguồn sáng tạo, cổ vũ và là một động lực quan trọng của phát triển kinh tế và tiến bộ của xã hội loài người. Đa dạng văn hóa là cơ hội to lớn để xây dựng một thế giới hòa bình và ổn định hơn bởi đa dạng văn hóa không loại bỏ mà đem lại sự hòa hợp, khoan dung, đối thoại và hợp tác”.
Trong tinh thần đó, “dự án dạy-học ngoại ngữ” (tiếng Anh duy nhất) đang được bàn đến là một chính sách có xu hướng loại bỏ sự đa dạng nói trên, làm nghèo đi “di sản” của nhân loại.
Không ai có thể phủ nhận vai trò toàn cầu hiện nay của tiếng Anh, nhưng cũng không ai phủ nhận tầm quan trọng của các ngoại ngữ khác như tiếng Nga, Trung, Pháp.
Việc dạy-học ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh không ảnh hưởng gì đến sức hấp dẫn của ngôn ngữ này đối với người học. Ngược lại, chỉ dạy-học tiếng Anh cũng không thể giải quyết được vấn đề chất lượng.
Thực tế chứng minh, vẫn còn nhiều HSSV chọn ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh phục vụ cho việc học tập. Trên thế giới hiếm thấy một quốc gia (nếu có cũng rất ít và cũng ở những quốc gia thuộc địa cũ của Anh hay Mỹ) áp dụng chính sách một ngoại ngữ (ngoại ngữ 1) trong hệ thống giáo dục.
Hầu như không ở nơi nào còn áp đặt mà do người học (hay gia đình) lựa chọn theo hướng nắm bắt nhiều cơ hội.
Chúng tôi muốn...
Nhiều nước lớn trên thế giới coi trọng việc quảng bá ngôn ngữ, văn hoá của mình. Đã đến lúc VN cũng cần có chiến lược quảng bá ngôn ngữ-văn hoá của mình ra thế giới. Hơn thế nữa, không phải bất kỳ ở đâu trên thế giới này cũng phải sử dụng tiếng Anh. VN tham gia nhiều diễn đàn quốc tế, trong đó có cộng đồng Pháp ngữ chẳng hạn. Nếu “chiến lược” này ra đời, mọi cố gắng lâu nay của các bên và của cộng đồng này nhằm củng cố vị thế tiếng Pháp coi như sụp đổ. Cam kết của nhà nước VN trước gần 60 nước trên thế giới coi như không còn giá trị. Mọi hợp tác với cộng đồng này coi như lùi vào dĩ vãng.
Về mặt xã hội, lấy riêng ví dụ đối với tiếng Pháp. Hiện nay, trên cả nước có hơn 10 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ chuyên tiếng Pháp có mã ngành chính qui; trong đó, hơn một nửa là đào tạo giáo viên, chưa kể các chương trình liên kết, hợp tác đào tạo với các nước sử dụng tiếng Pháp. Việc lấy tiếng Anh là ngoại ngữ duy nhất được dạy-học trong nhà trường đồng nghĩa với việc rồi đây phải đóng cửa các cơ sở đào tạo nói trên. Hơn nữa, hàng mấy trăm ngàn giáo viên, HSSV tiếng Pháp sẽ đi về đâu? làm gì?
Chúng tôi mong “dự án” do Viện Chiến lược và chương trình giáo dục soạn thảo theo chỉ đạo dạy-học duy nhất tiếng Anh trong nhà trường cần phải được đưa ra công luận nhằm tham khảo thêm nhiều ý kiến.
Với kinh phí to lớn (16.000 tỷ đồng) mà Nhà nước có ý định dành cho dự án, chúng tôi tha thiết mong muốn có được một dự án mang lại lợi ích cho càng nhiều người học càng tốt, đáp ứng được nhiều nhu cầu đa dạng và qua đó ích lợi càng nhiều cho đất nước.
-
PGS.TS Trịnh Văn Minh
Các tranh luận |
16.000 tỷ đồng để thanh niên VN thạo ngoại ngữ năm 2020 "Một ngoại ngữ" hay làm nghèo đất nước về văn hóa? Tiếng Việt cũng phải cạnh tranh! |
Ý kiến của bạn: