(VietNamNet) - Phương án phân ban mới Chính phủ vừa thông qua có đồng nghĩa với việc ngành giáo dục sẽ "vắt chân lên cổ" chạy cho kịp triển khai năm học 2006 - 2007? Sách giáo khoa (SGK) phổ thông hiện hành cũng hoàn toàn thay mới xoành xoạch sẽ lãng phí tiền của, công sức đến đâu? Tính mềm dẻo của phương án phân thành 3 ban có thực sự tạo linh hoạt cho các địa phương lựa chọn trong khi cách dạy vẫn theo nếp cũ?
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD – ĐT) Lê Quán Tần khá cởi mở với báo chí khi trao đổi về phương án phân ban THPT mới.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Lê Quán Tần (Ảnh Tuổi Trẻ) |
Không chỉ phục vụ thi ĐH
- Thưa ông, với phương án vừa được Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai như thế nào?
-Từ năm 2006 - 2007, ngành giáo dục sẽ triển khai chương trình dạy học phân hóa.
Dạy học phân hoá tức là nói đến cái chung. Còn ở cấp THPT sẽ có một mặt bằng chuẩn, từ đó có sự phân hoá để phát huy năng lực cá nhân, xu hướng của học sinh (HS) để chuẩn bị cho các em học lên cao và đi vào cuộc sống. Phân ban là một hình thức cụ thể của phân hoá.
Ban Khoa học tự nhiên (KHTN) sẽ có 4 môn giảng dạy theo SGK biên soạn theo chương trình nâng cao (gồm Toán, Vật lý, Hoá học và Sinh học); ban Khoa học xã hội - Nhân văn (KHXH - NV) có 4 môn dạy theo SGK nâng cao (gồm Văn, Sử, Địa và Ngoại ngữ).
Ngoài 2 ban nói trên, chương trình THPT từ năm học tới còn một dạng phân hoá khác, HS sẽ học SGK biên soạn theo chương trình chuẩn. Tên gọi của ban này Bộ đề xuất là ban cơ sở.
- Như vậy, chương trình phổ thông năm học tới sẽ phân hóa bởi chương trình nâng cao và chương trình chuẩn với hai bộ SGK tương ứng. Không ít lo lắng về "cơ hội" vào ĐH của những HS học chương trình chuẩn sẽ thấp hơn?
Đó cũng là vấn đề được chúng tôi xác định có giải pháp triển khai để không làm giảm cơ hội vào ĐH của HS. Theo chương trình chuẩn, mỗi tuần sẽ có 4 tiết học cho một số môn nâng cao do các em tự chọn. Những tiết học nâng cao sẽ phụ thuộc vào điều kiện đáp ứng của nhà trường nếu như không có quá ít sự lựa chọn của HS.
Các tiết học tự chọn học theo SGK nâng cao; HS được chọn 3 trong 8 môn nâng cao. Do đó, học theo chương trình chuẩn cũng sẽ không thu hẹp khả năng vào ĐH của các em. Chúng tôi xác định phương án điều chỉnh phân ban lần này không chỉ nhằm phục vụ tuyển sinh ĐH nhưng cũng không được mâu thuẫn với tuyển sinh ĐH.
- Sự không mâu thuẫn với tuyển sinh ĐH được thể hiện như thế nào trong việc hướng đến sát nhập hai kỳ thi THPT và tuyển sinh làm một vào năm 2009?
Thời gian cho việc kết hợp 2 kỳ thi còn dài. Để thực hiện tốt cần có một quy trình chuẩn bị tích cực từ khâu ra đề, bảo mật, kiểm tra và đánh giá....Quy trình đó phải đảm bảo "chính xác, khách quan và công bằng"; đồng thời, phải hoàn thiện hệ thống đánh giá thực sự khách quan.
Vấn đề trước mắt của giáo dục phổ thông phải cải thiện chất lượng, tiến đến hội nhập. Một trong những mục tiêu đặt ra là rút ngắn khoảng cách được tiếp cận giáo dục trình độ cao của HS với thành thị. Phương án phân ban lần này nhằm giải quyết vấn đề đặt ra...
- Trong các chính sách đổi mới giáo dục gần đây đều hướng đến mục tiêu như vậy. Tuy nhiên, với đội ngũ giáo viên còn yếu và thiếu, cũng như cách làm quen kiểu "chỉ đâu đánh đó" thì tính mềm dẻo của phương án phân ban giúp HS được tiếp cận với chương trình nâng cao ở vùng sâu, vùng xa liệu có khả thi?
Thực tế, chúng ta đang phấn đấu tạo cơ hội bình đẳng học tập cho mọi người. Cơ hội có thể đến ngay hoặc không. Vấn đề đòi hỏi phải giải quyết là không thể làm ngơ trước những cơ hội chậm đến; càng không thể để sự thiệt thòi đó kéo dài. Giải quyết vấn đề này cần phải có những giáo viên, cán bộ biết hy sinh đem con chữ đến với những HS vùng thiệt thòi.
Ở chương trình phân ban mới, chúng tôi cũng cố gắng để các em học chương trình chuẩn có thêm các môn nâng cao tự chọn để có đủ kỹ năng và cơ hội tiếp cận bậc ĐH mở rộng hơn. Đối với những nơi thiếu thầy, thiếu trường cũng chỉ kéo dài một hai năm là phải chấm dứt để có đủ điều kiện cho HS học chương trình nâng cao. Sự bất bình đẳng về cơ hội học tập không phải do chương trình phân ban tạo ra mà đã tồn tại từ trước.
Chương trình mới, sách cũng mới
- Năm học mới gần kề, thời gian 8 tháng có đủ cho việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, SGK cho chương trình phân ban mới?
Thực ra, Bộ đã bắt đầu những công việc cần thiết để thực hiện Luật Giáo dục 2005 và cũng là việc triển khai chương trình phân ban mới từ năm 2004.
Trong Luật giáo dục đã có những quy định cụ thể về chuẩn kiến thức và kỹ năng cho chương trình giáo dục phổ thông.
Thứ nhất là xây dựng và hoàn thiện chương trình chuẩn. Trong đó, quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu về thái độ của học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình này bao gồm những quy định chung về chương trình cộng với chương trình của 23 môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Việc này được bắt đầu từ tháng 2/ 2004, được thẩm định vào tháng 8/2005 và dự kiến sẽ ban hành vào tháng 2 tới.
Sắp tới, sẽ có một chương trình giáo dục phổ thông biên soạn theo Luật Giáo dục 2005. Trong chương trình này, sẽ có 8 môn học có nội dung nâng cao ở bậc THPT phục vụ cho chương trình phân ban.
Bên cạnh việc làm chương trình và SGK, Bộ cũng đang xúc tiến hoàn thiện danh mục và bộ mẫu thiết bị, dự kiến sẽ có trong tháng 3. Đến đầu tháng 5, sẽ tiến hành tập huấn giáo viên cốt cán, sau đó sẽ tập huấn đại trà.
- Phương án phân ban mới triển khai đại trà đồng nghĩa với việc toàn bộ chương trình, SGK hiện hành sẽ bị thay thế?
Thực ra, áp dụng chương trình phân ban mới Bộ không viết mới SGK mà hoàn thiện trên cơ sở SGK phân ban thí điểm. Tất cả các môn được soạn theo chương trình chuẩn.
Chương trình THPT sẽ có một bộ sách thống nhất gồm 2 loại: loại biên soạn theo chương trình chuẩn và theo chương trình nâng cao dành cho 8 môn. Riêng sách Ngoại ngữ nâng cao sẽ viết mới hoàn toàn.
Còn SGK phân ban thí điểm vừa rồi là được cấp miễn phí cho HS và năm tới sẽ không sử dụng nữa. Kinh phí đầu tư cho viết sách phân ban thí điểm thì cũng không tốn kém vì bộ sách mới là sự kế thừa sách cũ, chỉ thay đổi phần nào.
- Xin cảm ơn ông!
-
Kiều Oanh (thực hiện)