(VietNamNet) - "Đây là một cơ hội tốt để giới thiệu giáo dục Việt Nam, đồng thời là dịp học tập kinh nghiệm và mong muốn có sự hợp tác, giúp đỡ của các bạn". Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển bày tỏ tại buổi gặp gỡ giữa Bộ và phái đoàn Hội đồng Giáo dục Đại học, vùng New England, Hoa Kỳ, chiều nay.
Phái đoàn vùng New England và đại diện Bộ GD-ĐT tại buổi gặp gỡ (Ảnh: Trung Kiên) |
Ông Nguyễn Minh Hiển đã giới thiệu qua về những nét chính của giáo dục Việt Nam. Hiện tại, có 24 triệu/83 triệu dân đang theo học tại các cấp học, trong đó có 20 triệu học sinh phổ thông, 1,3 triệu sinh viên đại học, cao đẳng... Theo nhận định của phía đoàn bạn, với một đất nước có GDP không cao thì những con số trên đây là rất khả quan.
Bộ trưởng cho biết, giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá tương đối phát triển trong khu vực và giáo dục đại học là vấn đề quan tâm lớn của Chính phủ và xã hội.
Hai vấn đề lớn của giáo dục đại học và giáo dục nói chung là tập trung nâng cao chất lượng và tạo cơ hội công bằng về học tập cho mọi đối tượng.
Để thực hiện được những mục tiêu này, cần sự phát triển đồng bộ của nhiều yếu tố: Đội ngũ giảng viên, Chương trình giảng dạy, Tài chính, Hợp tác quốc tế, Trang thiết bị...
Bộ trưởng cũng thông báo cho đoàn bạn về việc năm nay, Chính phủ đã ra 1 nghị quyết riêng về giáo dục với mong muốn cải tổ sâu sắc giáo dục, đặc biệt là giáo dục Đại học Việt Nam.
Đổi mới Giáo dục đại học là mục tiêu của Giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Trong buổi trao đổi, đoàn Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đến 2 vấn đề mới của giáo dục Việt Nam hiện tại. Đó là việc xã hội hoá giáo dục, mở rộng, phát triển các trường học tư nhân và việc đưa đại học Việt Nam hướng tới hội nhập quốc tế, trong đó có việc xây dựng một ĐH đẳng cấp quốc tế.
Ông Louis D’Allesandro, Chủ tịch đoàn đại biểu cho biết, phía Mỹ sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học. Ông cũng đánh giá cao ý tưởng và kỳ vọng xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam.
Khởi đầu cho sự hợp tác này, phía Mỹ đề xuất tổ chức một Hội nghị về vấn đề giáo dục đại học.
"Chúng tôi có kinh nghiệm về chuyện này. Qua những hội nghị đó, chúng tôi sẽ biết rõ hơn nhu cầu của các bạn và sẽ xây dựng được quy trình tốt hơn cho hoạt động hợp tác: ý tưởng, mô hình, cung cách làm việc..." - ông nói.
Theo trao đổi giữa 2 bên, tháng 10/2006 sẽ là thời điểm đẹp cho một Hội nghị song phương, trong đó sẽ có các hội thảo, triển lãm giới thiệu các trường đại học Việt Nam và vùng New England, đặc biệt có cả sự tham gia của các doanh nghiệp 2 nước. Khi về Mỹ, phái đoàn sẽ thảo luận cụ thể với Hội đồng Giáo dục đại học vùng New England trong kỳ họp tháng 2 tới và sẽ thông báo lại cho phía Việt Nam.
Phái đoàn Hội đồng Giáo dục Đại học vùng New England gồm 11 người, đại diện cho 6 tiểu bang ở vùng này, với 270 trường ĐH. Cuộc gặp gỡ nằm trong lịch trình chuyến đi 5 ngày của đoàn sang Việt Nam. Ngoài ra, đoàn còn có các hoạt động với UB Nhân dân TP.HCM, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, trường ĐH quốc tế RMIT, Khoa Quản trị Kinh doanh - ĐHQG Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội... và buổi bàn tròn trực tuyến trên báo VietNamNet vào ngày mai.
-
Trung Kiên