(VietNamNet) - Có nên chuyển đổi các trường ĐH, CĐ bán công và một số trường công lập sang tư thục? Phương án xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế nên bắt đầu từ một trường ĐH đã có hay xây trường mới?... Đó là một trong nhiều nội dung của các đề án được các Tiểu ban chuyên môn của Hội đồng Quốc gia giáo dục (QGDG) bàn thảo ngày 9/12 trước khi trình Hội đồng QGGD xem xét.
Ngoài nửa số thành viên của 4 tiểu ban (Giáo dục (GD) Phổ thông, GD ĐH và CĐ, GD nghề nghiệp và Tiểu ban phát triển nguồn nhân lực) thuộc Hội đồng QGGD, thành viên còn lại tham dự cuộc họp là những chuyên gia đầu ngành.
Trong 3 đề án Bộ GD - ĐT đưa ra vấn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về lộ trình đổi mới GD ĐH Việt Nam...
Có ý kiến băn khoăn, Đề án đổi mới GD ĐH Việt Nam đến năm 2020 nhưng mới chỉ là "Quan điểm chủ đạo", "Mục tiêu"... chủ yếu liên quan đến giai đoạn đoạn "ra đầu bài". Và phần "Nhiệm vụ và giải pháp" mới chỉ là "Đề cương khung". Do vậy, việc cấp bách cần phải thành lập "Ban chỉ đạo đổi mới GD ĐH" và Tổ công tác để soạn thảo ra các tiểu đề án và tập hợp thành một tổng thể của Chiến lược và lộ trình cải cách GD ĐH.
Hoãn... trình phương án chuyển đổi trường công lập?
Có đến 2/3 nội dung triển khai đề án đổi mới GD ĐH Việt Nam vẫn chưa có được tiếng nói đồng thuận từ các thành viên tham dự. Nội dung có nhiều ý kiến gay gắt là phương án chuyển các trường ĐH, CĐ bán công và một số trường công lập sang tư thục. Phần lớn đều cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ về vấn đề hưởng lợi từ việc chuyển đổi loại hình đào tạo đặt ra. Hơn nữa, có ý kiến cho rằng: việc chuyển đổi cũng cần phải xem xét để phục vụ cho những đối tượng nào?
Theo GS Phạm Phụ (trường ĐH Bách khoa TP.HCM): Lý do Bộ nêu chuyển đổi loại hình trường bán công sang tư thục chưa đủ thuyết phục, ví như: việc "đầu tư thiếu tập trung" là do cách quản lý chứ không phải vì "công lập". Đối với các trường bán công, trong "quan điểm chuyển đổi" có đề cập: không phải là "tư nhân hóa" mà là "pháp nhân hóa", nhưng lại có mâu thuẫn ở phần "phương pháp chuyển đổi" đề cập: xác định quyền sở hữu cá nhân thông qua "cổ phần hóa"?
GS cũng lưu ý, hầu hết các ĐH mở trên thế giới là ĐH công lập. Nếu không nghiên cứu kỹ về vấn đề tài chính và cơ chế mà chuyển các trường công lập sang tư thục thì sẽ biến các trường thành những "cỗ máy cấp bằng". Hơn nữa, Bộ cũng cần khảo sát thêm ý kiến của các trường bán công hiện nay. Cùng với đó, nếu đưa thí điểm chuyển trường công lập sang tư thục thì trường nào sẽ thực hiện?...
Thực tế, dịch vụ giáo dục là một loại hàng hóa. Do đó, không nên "tư thục hóa" các trường công lập mà nên xem xét xây dựng thêm hệ thống giáo dục ngoài công lập để giải quyết nhu cầu công chúng. GS Phạm Phụ đề xuất. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, đây là vấn đề lớn rất nhạy cảm và Bộ cần nghiên cứu xem xét kỹ không nên trình Hội đồng QGGD phương án chuyển đổi tại thời điểm này.
Không nên để mất cơ hội
Hai cách Bộ GD-ĐT đề xuất trong lộ trình xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế: Phát triển trên cơ sở một trường ĐH đã có hoặc xây dựng trường mới. Cả hai cách đều có những khó khăn, Bộ nhìn nhận: phát triển trên cơ sở một trường ĐH đã có cần phải tạo một cơ chế chính sách đủ mạnh để vượt qua trở ngại và rào cản của sự trì trệ,của các thói quen và nền nếp cũ cũng như sức ì mang tính hệ thống đã tồn tại và duy trì khá lâu trong phạm vi nhà trường.
Xây dựng trường mới sẽ không phải mất nhiều công sức và tiền của trong nâng cấp, chỉnh sửa cơ sở vật chất...
Tuy nhiên, kinh phí đầu tư ban đầu sẽ rất lớn nhưng hiệu quả cuối cùng sẽ cao hơn cách thứ nhất. Dự kiến, ngày 15/12 sẽ có các quyết định thành lập Tổ công tác, Tổ chuyên gia làm việc với đối tác Hoa Kỳ về các bước thảo luận, kế hoạch triển khai như: các nội dung bàn bạc cụ thể; xác lập mô hình trường và nguyên lý hoạt động; xác định các điều kiện cụ thể về đội ngũ, bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất...Dự kiến năm học 2008 - 2009 nhà trường có thể bắt đầu triển tuyển sinh và triển khai đào tạo.
Đa số các ý kiến đều đồng tình với phương án Xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam ở thời điểm này. Có ý kiến bầy tỏ quan điểm đồng thuận với dự kiến kế hoạch triển khai của Bộ đưa ra: sớm có Tổ công tác và Tổ chuyên gia để làm việc với các đối tác Hoa Kỳ. Thực tế, các ĐH cấp cao của Hoa Kỳ thường không có chủ trương lập chi nhánh ở nước ngoài hay liên doanh với nước ngoài. Vì vậy có thể nói đây là cơ hội tốt và không nên để vuột mất cơ hội phối hợp trong xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế.
GS Phạm Phụ băn khoăn, có lẽ đây sẽ là mô hình ĐH định hướng nghiên cứu. Với một quốc gia, loại ĐH như vậy chỉ chiếm trên dưới 10% số sinh viên. Hơn nữa, với các nước mới hình thành nền ĐH sau Chiến tranh thế giới thứ II như Việt Nam, nền ĐH chủ yếu là đào tạo nghề nghiệp. Vì vậy, cần có có kế hoạch xây dựng một vài ĐH mới khác cũng có đẳng cấp quốc tế nhưng là định hướng đào tạo nghề nghiệp phù hợp với Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng tiểu dự án "GD ĐH hội nhập toàn cầu hóa", xem xét cả 3 làm sóng: Du học, Liên doanh và Mở chi nhánh của ĐH nước ngoài ở Việt Nam. Hiện đã có những "rối loạn" lãng phí không cần thiết và cạnh tranh không bình đẳng của GD ĐH Việt Nam...
Cũng có ý kiến khác cho rằng, việc xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế cầm phải làm rõ lộ trình thực hiện cũng như những khó khăn trong quá trình triển khai như: đội ngũ, học giả tầm cỡ quốc tế; lựa chọn trường hoặc ngành để có đầu tư lên ĐH đẳng cấp quốc tế...Vấn đề cốt lõi để xây dựng thành công được các đại biểu xác định vẫn là con người đủ tầm cỡ và có cách quản lý hiện đại....
Chọn phương án: Lớp 10 phân thành 3 ban...
Đó là một trong hai phương án điều chỉnh phân ban từ lớp 10 do Bộ GD - ĐT đệ trình. Theo đó, lớp 10 phân thành 3 ban được số đông các đại biểu tham dự đồng tình Cụ thể, ba ban gồm: Khoa học tự nhiên (KHTN) với các môn nâng cao là Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học; ban Khoa học xã hội - Nhân văn (KHXH-NV) với các môn nâng cao là Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ; Ban Cơ sở dạy và học theo chương trình chuẩn đối với tất cả các môn. Trong kế hoạch dạy học của ban Cơ sở có 4 tiết dạy học tự chọn/ tuần. Học sinh có thể sử dụng số tiết dạy học tự chọn để chọn học từ 1 đến 3 môn trong số 8 môn nâng cao...
Bộ GD - ĐT cho biết, so với phương án phân ban 1 thì phương án 2 mềm dẻo và linh hoạt hơn vì đã tạo thêm cơ hội lựa chọn cho học sinh và nhà trường có thể chủ động trong việc quyết định các ban trong trường.
Với phương án thứ nhất - phân thành hai ban KHTN và KHXH-NV. Theo Bộ, về cơ bản vẫn giữ như phương án đang thí điểm. Nhưng sẽ bổ sung thêm môn ngoại ngữ theo chương trình nâng cao vào ban KHXH-NV để “đáp ứng yêu cầu của một số trường CĐ, ĐH có các ngành học đòi hỏi HS có kiến thức và kỹ năng cao hơn về ngoại ngữ”. Như vậy ban KHTN sẽ có bốn môn học nâng cao là: toán, vật lý, hóa học và sinh học.
Phần lớn các đại biểu cũng đồng tình với ưu điểm của phương án phân ban thứ 2 của Bộ để xuất. Tuy nhiên, mục tiêu đến năm 2009 gộp chung hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một thì Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục cần xem xét lại việc xét tuyển đối với học sinh học cơ bản và học sinh học nâng cao.
Thực tế, những học sinh được học chương trình nâng cao thuộc địa phương như các thành phố lớn mới có điều kiện thực hiện phân ban. Như vậy sẽ rất thiệt thòi cho những học sinh vùng nông thôn vì không có điều kiều kiện mở chương trình phân ban nâng cao nên chỉ học chương trình cơ bản... Nếu dùng kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH thì đương nhiên những học sinh vùng nông thôn sẽ không đậu ĐH và cơ hội tiếp cận GD ĐH là rất khó?
Những nội dung nói trên sẽ tiếp tục được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp chính thức của Hội đồng QGGD dự kiến tổ chức vào ngày 20/12 tới đây.
-
Kiều Oanh