(VietNamNet) - Thu nhập ổn định từ cửa hàng ảnh kỹ thuật số đã giúp anh yên tâm làm nghề một cách trong sạch, thanh thản mà không sợ phá vỡ hình ảnh một người thầy: "Bất kỳ ai trong chúng tôi cũng muốn có một công việc như tôi, để khi lên lớp, không phải nghĩ nhiều đến chuyện tiền bạc".
Nghề..nuôi nghề
Bữa tối của thầy Đình thường diễn ra vào lúc 5h chiều và 10h đêm, khi bắt đầu và kết thúc 2 ca dạy thêm. Từ ngày mượn thêm phòng mở lớp ôn thi vượt cấp và ôn thi ĐH, vợ và con gái thầy đã quen thay đổi lịch sinh hoạt theo lịch dạy của bố.
Cách đây 6 năm, khi phong trào luyện thi ĐH, luyện thi vượt cấp manh nha, giáo viên trong trường, đặc biệt những "tên tuổi" có nhiều thành tích trong luyện HS giỏi tỉnh, HS giỏi quốc gia thi nhau mở lớp. Thầy Đình cũng dè dặt "luyện thử" một lớp nhỏ ở nhà. Khóa đầu tiên, ngẫu nhiên thay, HS ôn ở lò thầy Đinh đỗ ĐH rất nhiều.
Năm tiếp theo, HS cứ thế ùn ùn kéo đến, buộc thầy phải mở rộng quy mô lớp học, thuê thêm phòng, tăng thêm buổi, các lớp luyện đường dài, luyện cấp tốc.v.v... Phụ huynh, HS trong tỉnh rất "mê tín" thầy. Vợ thầy phải kiêm thêm nhiệm vụ thu tiền và quản lý lớp giúp chồng.
Cuộc sống thay đổi trông thấy. Suốt 10 năm đi dạy, vợ chồng thầy vẫn phải ở trong khu tập thể giáo viên tồi tàn. Nhưng chỉ mấy năm "bung ra" dạy thêm, thầy đã mua được nhà khang trang trong khu trung tâm.
Thầy Đình cho biết, xã hội lên án chuyện dạy thêm nhưng các lớp thầy mở ra đều do HS tự nguyện tìm đến. Thầy cũng lao động cật lực để cải thiện đời sống như bất kỳ ai. Lâu nay, những định kiến xã hội khiến nhiều giáo viên mặc dù rất giỏi giang, tháo vát vẫn không dám làm thêm công việc nào khác ngoài cổng trường để lo cho gia đình và cải thiện đời sống. Trông vào lương cơ bản thôi thì không bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu đời sống ngày càng cao.
Những người có trình độ ngoại ngữ thì dịch sách, báo, đi dạy ở các trung tâm ngoại ngữ, làm phiên dịch cho hội thảo, hội nghị... Nhưng số đó không nhiều và thu nhập thất thường.
Phần lớn, giáo viên đều mở lớp dạy thêm. Dạy ở trường không được là bao, chi phí lại phải chia cho nhiều khâu trung gian như tiền phòng, tiền điện nước, tiền bảo vệ... Rồi không phải trường nào cũng đủ phòng để học, hoặc không phải HS lớp nào cũng có nhu cầu đi học thêm. Thế nên, hầu hết giáo viên đã tạo được uy tín ở các trường chất lượng cao đều tìm cách mở lớp bồi dưỡng ở nhà.
Những giáo viên dạy các môn không thi ĐH, không có điều kiện mở lớp ôn luyện thì phải nhạy bén tìm cách cải thiện khác. Tuy chỉ là giáo viên dạy Giáo dục công dân nhưng cô Minh vẫn lo được cho gia đình một cuộc sống khá sung túc. Là giáo viên có thâm niên, lại tháo vát, có mối quan hệ rộng, cô nổi tiếng trong giáo giới bởi những đường dây "chạy" học sinh giỏi, chạy vào trường điểm và lớp chất lượng cao. Công sức bỏ ra để lo trót lọt một "vụ" không ít nhưng bù lại, lệ phí thu về khá dồi dào.
"Ngoài"... nuôi nghề
Giáo viên ở trường hiếm khi thấy thầy Tiến, dạy tiếng Anh, tham gia vào các phong trào sinh hoạt đoàn thể. Sau buổi dạy, thay vì nán lại ở văn phòng để kề cà chè nước, Tiến vù xe máy đi luôn. HS của Tiến đôi khi phải ngồi "tự quản" trong các giờ tiếng Anh vì thầy giáo thường đến muộn. Giữa những tiết giảng, Tiến liên tục phải ra ngoài nghe di động.
Nhưng bù lại, trong trường, hễ có đám cưới, đám hỏi hay ai có nhu cầu mua xe, mua nhà là Tiến nhiệt tình đứng ra nhận giúp liền. Thì ra, ngoài giờ dạy học, Tiến hùn vốn với giáo viên ở một số trường khác trong huyện thành lập một công ty TNHH chuyên làm dịch vụ cưới xin, mua bán nhà đất. Với tài ăn nói lưu loát, cộng thêm tính cách hài hước, dí dỏm, Tiến làm chủ trò trong các đám cưới khá thành công. Vào mùa cưới, có ngày Tiến nhận giúp tới 5, 6 đám. Thời gian lên lớp chỉ căn sít sao đủ 45 phút, nhiều hôm bận quá, đám cưới lại ở rải rác các xã trong huyện, anh phải nhờ đồng nghiệp dạy hộ.
Thù lao đám cưới và tiền "hoa hồng" mỗi vụ mua bán nhà đất cũng tương đối khá nên mới ra trường, đi dạy học được 5 năm, Tiến đã tự lập xây nhà, cưới vợ và hỗ trợ bố mẹ nuôi cậu em trai đang đi học nghề.
Cũng như Tiến, Phong là giáo viên trẻ, vừa ra trường đã được phân công lên dạy ở một huyện vùng cao tỉnh Thanh. Lương thấp, sống xa nhà, thời gian rảnh rỗi nhiều, được một anh bạn buôn đường dài rủ đi "đánh quả", anh nhận lời ngay. Công việc của Phong là vào các bản làng, liên hệ tìm mua những sản vật địa phương như nếp nương, thịt thú rừng, cao khỉ, cao hổ cốt.v.v... để anh bạn vận chuyển về xuôi. Bù lại, Phong đứng ra làm đầu mối phân phối hàng hóa từ xuôi lên và hàng tiêu dùng từ Trung Quốc đổ về.
Một nguyên tắc mà Phong tự đặt ra cho mình, đó là, đi buôn bán ở đâu, làm gì cũng được, nhưng không buôn bán trên địa bàn huyện mà mình đang dạy học, không được phép để cho học sinh, phụ huynh biết: "Nếu học sinh, phụ huynh biết mình đi buôn kiếm tiền, mình sẽ không biết nói gì với chúng nó khi đứng trên bục giảng".
Phong cũng tâm sự thêm, bố mẹ anh đều là giáo viên nên ngay từ khi chọn nghề theo định hướng gia đình, Phong đã được dạy rằng, đây không phải là nghề để làm giàu. Đi dạy được một năm, Phong thấm thía, nếu lấy thêm một người vợ cũng là cô giáo nữa, anh và cả gia đình sẽ chỉ có thể sống tằn tiện trong khi nhu cầu đời sống đang ngày càng cao lên. Với giáo viên, chỉ có dạy thêm mới tăng được thu nhập nhưng môn Địa của Phong lại không phải là môn chính khóa để có thể mở lớp ôn thi như ai.
Cũng nổi tiếng trong nghề vì giỏi xoay xở kiếm tiền, nhưng Hải là người vừa biết làm ăn kinh tế, vừa không xao nhãng công việc giảng dạy. Hùn vốn với bạn bè mở cửa hàng chụp ảnh kỹ thuật số, ngoài giờ lên lớp, anh bận rộn với việc chụp ảnh cho tất cả các buổi hội thảo, hội nghị, lễ lạt trong huyện.
Nhờ đó, anh cũng không có thời gian dạy thêm, "và nhờ không phải dạy thêm mà tôi đường hoàng nói chuyện với HS, với phụ huynh, đầu tháng không phải lo thuyết phục phụ huynh, cuối tháng không phải lo giục giã HS nộp tiền này nọ". Vừa rồi, Hải tham gia thi giáo viên giỏi cấp tỉnh và đã giành giải.
Thu nhập ổn định từ cửa hàng ảnh kỹ thuật số đã giúp anh yên tâm làm nghề một cách trong sạch, thanh thản mà không sợ phá vỡ hình ảnh một người thầy, "bất kỳ ai trong chúng tôi cũng muốn có một công việc như tôi, để khi lên lớp, không phải nghĩ nhiều đến chuyện tiền bạc".
-
Ngọc Nhung