221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
731692
"Điều tôi được nhất là sự kính trọng của học viên"
1
Article
null
'Điều tôi được nhất là sự kính trọng của học viên'
,

Một giáo viên dạy văn cấp THCS nhưng đã cho “ra lò” hơn 50 đầu sách về phương pháp làm văn, cách ra đề trắc nghiệm, giáo án điện tử..., chưa kể nhiều sáng kiến, kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy.

Soạn: AM 618275 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thầy giáo Hoàng Đức Huy trình bày với PV về cách giảng dạy môn văn hiện nay - Ảnh: Như Hùng 
Khá nổi tiếng trong ngành học phổ thông nhưng đột nhiên ông làm đơn xin chuyển sang dạy hệ bổ túc (mà “cần mẫn” làm đơn trong ba năm).

Ông là Hoàng Đức Huy, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.4, TP.HCM - người vừa được bình chọn để trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2005.

 Là một GV giỏi với 30 năm trong nghề, có khi nào ông gặp cảnh HS thờ ơ, hờ hững trong tiết dạy của mình, giờ văn nhưng lấy sách toán ra học chẳng hạn?

- Giáo viên Hoàng Đức Huy: Nhiều HS bây giờ chán môn văn, ghét môn văn. Câu hỏi đầu tiên khi tôi làm quen với một lớp luôn là: “Học văn, các con được gì?”. Gần như 100% HS đều trả lời: “Không được gì hết”.

 Ông có thấy chạnh lòng khi nghe những câu trả lời như vậy?

- Tôi không chạnh lòng. Cách dạy, cách học văn hiện nay khiến HS không thấy được “khi học văn các em sẽ làm được cái gì, ứng dụng gì trong cuộc sống”. Dạy học chỉ nhằm một mục đích tầm thường: HS vượt qua các kỳ thi.

Văn học giúp hình thành nhân cách con người, nhưng khi học văn HS không hoặc ít khi được phát biểu quan điểm của mình, không có điều kiện tự thể hiện mình. Thường ngay trong tiết lên lớp đầu tiên ấy, tôi đã phải giảng giải cho các em “học văn cần thiết như thế nào”.

Tuy nhiên, đó chỉ mang tính lý thuyết. Ở những tiết dạy tiếp theo, mình phải làm sao để tạo ra sự hứng thú nơi HS, vì có hứng thú mới có sự yêu thích.

Và ông đã làm gì để tạo sự hứng thú, yêu thích đối với HS?

- GV phải hiểu vị trí của mình: chỉ nên làm người hướng dẫn, tư vấn chứ không làm thay tất cả những việc của HS. Đối với tôi, yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong dạy văn: HS phải tiếp xúc với văn bản.

Sách giáo khoa hiện nay hơi “cao”, người viết sách viết “quá đầy đủ” trong khi GV lại coi sách giáo khoa như một pháp lệnh nên “đổ mồ hôi” để triển khai hết ý của bài văn. Trong bối cảnh bài văn quá dài, một tiết chỉ có 45 phút, mới giải đáp các câu hỏi đã hết giờ nên công đoạn đọc văn bản rất hạn chế.

Cho HS đọc ở nhà nhưng làm sao để các em đọc? Nếu bắt các em trả lời trước các câu hỏi thì thường gặp tình trạng HS không hiểu nên không thể trả lời. Khó quá các em sẽ bỏ luôn hoặc chép của bạn bè, hoặc tìm những sách, vở của các anh chị đã học trước rồi chép lại.

Tôi yêu cầu HS gạch chân dưới những từ khó trong văn bản và tự tóm tắt bài văn ấy. Tôi kiểm tra rất kỹ công đoạn này, nếu có HS thú nhận chưa đọc bài, tôi yêu cầu ngồi đọc tại lớp sau đó tôi mới dạy.

Ở lớp, tôi cho HS phát biểu thoải mái theo cách nghĩ của các em, có thể phát biểu ngược lại với cách nghĩ thông thường, có thể khen, chê.

HS tự trình bày sự cảm thụ của mình, rồi một HS khác nhận xét ý kiến của bạn (chứ tôi không nhận xét) để tạo ra sự tranh luận sôi nổi ngay trong tiết học. Cuối cùng tôi mới đưa ra kết luận.

Kết thúc bài học, các em sẽ tự viết cảm nghĩ của mình về bài học đó, có thể khen có thể chê bài văn, thích hay không thích, thầy giảng quá khó hiểu hay quá nhanh... vừa để tự rút kinh nghiệm phương pháp giảng dạy vừa để rèn cho HS cách thể hiện suy nghĩ của mình, cách lập luận, tư duy...

Ngay cả cách ra đề kiểm tra cũng vậy, thay vì chọn đề như sách giáo khoa gợi ý: “Viết về người ấy (bạn, thầy, người thân…) sống mãi trong lòng tôi” (chương trình văn tự sự lớp 8), tôi ra đề “Viết về người thầy (cô) các em đã và đang học ở TT GDTX Q.4” để tránh tình trạng HS làm theo văn mẫu.

Xin phép được hỏi một câu hơi đường đột: sau năm năm giảng dạy ở TT GDTX Q.4, ông “được” những gì và “mất” những gì?

- Tôi không mất gì cả. Tôi chỉ được thôi. Bỏ qua phần thu nhập, bỏ qua phần tiếng tăm, điều tôi được nhất là sự kính trọng của học viên. Sự kính trọng của học viên - những đối tượng đủ mọi thành phần - đáng quí lắm chứ.

Nó cũng giống như việc giáo dục cho một HS yêu môn văn trở thành một HS giỏi văn là chuyện bình thường; nhưng giảng dạy để cho một HS yếu, ghét môn văn trở nên học được môn văn, thậm chí yêu thích và học giỏi văn mới thành công.

Có phải vì vậy mà học viên bổ túc của ông luôn thi tốt nghiệp đạt 100% trong nhiều năm nay, chưa kể có nhiều học viên đoạt giải cao trong kỳ thi học viên giỏi văn cấp TP? Đó còn là những bí quyết gì nữa?

- Anh em đồng nghiệp thường nói đùa tôi "dỗ nhiều hơn dạy”. Đối với học viên bổ túc không dạy như phổ thông được.

Ví dụ như cách đặt câu hỏi gợi ý trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, nếu phổ thông có thể hỏi “Vũ Nương đã bộc lộ những đức tính gì?” thì hệ bổ túc nên hỏi “Vũ Nương có phẩm chất gì qua cách đối xử với chồng, với mẹ chồng, khi chồng đi lính...?”.

Ví dụ khi cho các em viết cảm nghĩ sau một bài học, mới đầu tôi chỉ yêu cầu viết năm hàng thôi, từ từ tăng lên, em nào viết hay được thưởng tập (giáo viên tự bỏ tiền túi ra mua - PV). Tôi đang cho các em tìm tư liệu về bài học trên mạng, em nào nộp trước cũng được thưởng tập...

Nhưng ông cũng phải có một động lực nào đó để gắn bó với nghề lâu như thế, để mày mò rồi cho ra đời khá nhiều sáng kiến kinh nghiệm về đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực của HS?

- Tôi luôn có cảm hứng tìm tòi. Động lực của tôi chính là HS, chỉ cần HS thích thú với bài dạy của mình, chỉ cần thấy được nụ cười nơi HS, đối với tôi không có hạnh phúc nào hơn thế. Dù bất cứ giải pháp nào nếu không có tâm cũng khó thực hiện. Cái tâm của nhà giáo là yêu nghề - yêu người. Vả lại, tôi sống, làm việc theo câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Nhưng cuộc sống vật chất cũng khá quan trọng, vì “có thực mới vực được đạo”?

- (cười) Đấy cô xem cái xe máy của tôi kia (ông chỉ cái xe Simson cà tàng của mình), nhiều học viên cứ đùa “cho nó vào viện bảo tàng đi thầy” nhưng tôi vẫn giữ để đi. Nhà tôi không giàu nhưng cũng đủ sống, một phần vì bà xã cũng có đi làm (ngành dược).

Thật sự GV bây giờ vẫn còn nặng nợ với cơm, áo, gạo, tiền lắm. Tôi cũng làm việc cật lực với thời gian 16-18 giờ mỗi ngày. Ngoài giờ đi dạy ở TT GDTX Q.4, tôi còn dạy thỉnh giảng ở một trường dân lập. Tối về tôi lại viết sách đến 2 giờ sáng. Nguồn thu nhập từ sách đã giúp tôi khá nhiều trong chuyện đầu tư cho giảng dạy.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

(Theo Hoàng Hương - Tuổi Trẻ)

Để HS phổ thông chịu học và học được môn văn đã khó, đối với học viên hệ bổ túc càng khó hơn. Thế tại sao ông lại xin chuyển sang hệ bổ túc trong khi mình đã khá có tiếng ở phổ thông?

- Khi chuyển sang hệ bổ túc, nhiều người nghĩ chắc tôi có “vấn đề”. Nhưng thực tế tôi tự nguyện làm đơn xin chuyển, và làm đơn đến lần thứ ba (tức sau ba năm) tôi mới đạt được nguyện vọng.

Ai mà không biết hệ bổ túc thu nhập thấp hơn, khó có thể dạy thêm, học viên cũng không có thời gian để toàn tâm toàn ý lo cho việc học (như hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã bỏ học nhiều năm mới đi học lại, phải lao động vất vả để kiếm sống…). Dạy văn cho những học viên này khó gấp đôi so với HS phổ thông. Tôi vẫn muốn thử sức.

Tôi đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, đã từng tiếp xúc với nhiều đối tượng HS yếu, kém. Tôi muốn giảng dạy cho đối tượng HS thiệt thòi, nó sẽ giúp tôi có nhiều kinh nghiệm hơn. Càng vất vả bao nhiêu tôi càng hăng say bấy nhiêu, cá tính của tôi như vậy.

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,