221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
722596
Giảng đường "nội", giáo trình "ngoại"
1
Article
null
Giảng đường 'nội', giáo trình 'ngoại'
,

(VietNamNet) - Đưa chương trình tiên tiến của các ngành khoa học kỹ thuật kinh tế nước ngoài vào giảng dạy tại Việt Nam - Chủ trương của Chính phủ từ tháng 9/2004 đang được Bộ GD-ĐT tiến hành. Có thể thấy, đây là một hướng đi tích cực trong nỗ lực đổi mới giáo dục ĐH. Tuy nhiên, để giáo trình "ngoại" vào tới giảng đường "nội" cũng còn nhiều chuyện cần bàn.

Bài 1: Của "ngoại nào"?

Soạn: AM 601991 gửi đến 996 để nhận ảnh này
ĐH Quốc gia Singapore (NUS). Nhiều trường ĐH Việt Nam đã tham khảo chương trình của NUS

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã nhận được hơn 20 đề án thí điểm đào tạo chương trình, giáo trình tiên tiến của 14 trường ĐH trọng điểm: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Cần Thơ, trường ĐH Bách khoa (Đà Nẵng), v.v...Ba khối ngành được thí điểm đào tạo theo chương trình tiên tiến là: Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật công nghệ và Quản lý Kinh tế.

Với nhiều nơi, đây là một công việc "mới toe". Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đang cử giáo viên các khoa đi khảo sát nội dung và phương pháp giảng dạy ở một số trường của Australia để triển khai mua giáo trình điện tử.

Trường ĐH Công nghệ (thuộc ĐHQG Hà Nội) đã trình 3 đề án  của các ngành Công nghệ thông tin “nhập khẩu” từ ĐH New South Wales (Australia); Điện tử viễn thông của trường ĐH Quốc gia Singapore và phần Định hướng Công nghệ Nanô của trường ĐH Paris 11.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) có khả năng triển khai được 4 đề án của các bộ môn Lý, Hóa, Toán và Sinh học. Trong đó, chương trình Công nghệ Sinh học chủ yếu lấy từ Singapore. Bộ môn Hóa học tham khảo một số chương trình của các trường như: ĐH Chualalongkorn (Thái Lan), Chonbuk (Hàn Quốc), Bắc Texas, Michigan, viện công nghệ MIT (Mỹ)...

Tại ĐHQG TP.HCM, khoa Kinh tế liên kết với Khoa kinh tế thương mại (ĐH Quốc gia Australia); chuyên ngành kinh tế và tài chính ngành Quản trị kinh doanh của ĐH Wayland bang Texas Hoa Kỳ; ngành Quản trị kinh doanh của trường Kinh doanh Hoa Kỳ,  ĐH Michigan, v.v... 

Còn ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) liên kết với các trường: Ilionois, Wayne State (Mỹ), Westminster, West England  ở Nottingham, West England ở Bristol và trường Bắc London (Anh)....

 

Một cách "nhập khẩu" khác là cải tiến hoặc nâng cấp từ cái đang có. Đó là  chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt Pháp (PFIEV) do Bộ Ngoại giao Pháp cấp kinh phí và nhận được sự hợp tác của 7 trường ĐH lớn của Pháp. Chương trình này đang triển khai tại ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Bách khoa Đà Nẵng và ĐH Xây dựng Hà Nội. Tại ĐH Bách khoa TP.HCM, chương trình này được đưa vào các ngành: Cơ điện tử, Vật liệu tiên tiến, Viễn thông, Hệ thống năng lượng, Hàng không...

Các chương trình chưa được liệt vào hàng "chất lượng cao" như PFIEV nhưng cũng là một dạng "của ngoại" cũng đã có mặt tại một số giảng đường VN mấy năm gần đây. Đó là các chương trình  liên kết tuyển sinh theo hình thức "du học tại chỗ".

Chẳng hạn, chương trình du học tại chỗ của khoa Quốc tế (ĐHQG Hà Nội), một số chương trình của ĐH Bách khoa Hà Nội liên kết với các nước như: Đức (ngành Tự động hóa cơ khí), Pháp (Công nghệ thông tin), Nhật (Cơ khí), Nga (Công nghệ thông tin), Newzeland (Quản trị Kinh tế) và Hoa Kỳ (Khoa học máy tính và Quản trị Kinh doanh).

Tiên tiến đến đâu?

Nếu nhập khẩu “nguyên đai, nguyên kiện” và có chọn lọc những chương trình, giáo trình tiên tiến thì giáo dục ĐH Việt Nam sẽ có bước đột phá.
 
PGS.TS Đinh Văn Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính kế toán Hà Nội băn khoăn: Các trường chọn chương trình, giáo trình đưa vào giảng dạy thí điểm có thực sự tiên tiến không? Lâu nay, hình thức hợp tác quốc tế ở một số trường ĐH có đưa chương trình, giáo trình nước ngoài vào giảng dạy nhưng cũng “bị” gọt giũa, thiết kế và uốn đi cho phù hợp với chương trình khung, với những nguyên tắc riêng của Việt Nam.

Bà Đỗ Phương Liên, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo Tài năng và Chất lượng cao (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, chương trình hoàn toàn do Pháp xây dựng, nhưng khi triển khai một số bài giảng có thay đổi cho phù hợp. Do chương trình của VN có thêm một số môn bắt buộc như Giáo dục quốc phòng, Tư tưởng Mác – Lênin...nên khi đưa chương trình của Pháp giảng dạy cũng chỉ được từ 70 – 80%.

Nói về các đề án chương trình tiên tiến mà các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM đang triển khai, PGS.TS Nguyễn Chu Hùng, Trưởng ban đào tạo ĐHQG cho biết:  Chương trình đào tạo được chọn có thể được chỉnh sửa một chút cho phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam, trong đó chú ý đến tính liên thông, giúp chuyển đổi chương trình đào tạo hiện hành sang các chương trình tiên tiến của nước ngoài.

Theo ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH, trong kế hoạch triển khai chương trình đào tạo tiên tiến, với những môn ở các nước không có như: môn học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục thể chất - quốc phòng, Bộ GD-ĐT đề nghị các trường tổ chức giảng vào năm thứ nhất cùng với môn ngoại ngữ. Tất cả gói vào 1 năm và có thể coi đó là năm đầu tiên đào tạo dự bị. Thời gian 3 năm còn lại là học chuyên môn của chương trình tiên tiến. Về cơ bản, quỹ thời gian vẫn giữ 4 năm.

Sự "góp mặt" của các môn bắt buộc của ĐH VN chỉ là một trong những yếu tố can thiệp đến "mức độ tiên tiến" của các chương trình nước ngoài. Mức độ "tiên tiến" còn phụ thuộc vào những yếu tố khác.

Dù đã thay đổi, nhưng chương trình do Pháp xây dựng rất nặng. Mỗi học kỳ, nếu SV học chương trình bình thường chỉ có 28 đơn vị học trình (ĐVHT), thì chương trình này có  tới 33 – 36 ĐVHT. Điều này, trước tiên đòi hỏi học sinh có đủ trình độ tiếp cận hay không? Bên cạnh đó, đòi hỏi phải có một đội ngũ giảng viên thích ứng và phải giỏi mới dạy được, bà Đỗ Phương Liên cho hay.

Vậy nên, dù đã gửi đề án cho Bộ GD-ĐT, ĐH Công nghệ lại xin "khất" đến năm 2006 để có thêm thời gian chuẩn bị. GS Nguyễn Hữu Đức, hiệu trưởng nhà trường thận trọng: Nhập khẩu" chương trình và SGK nước ngoài về, trong giai đoạn đầu cần thiết phải có người nước ngoài cùng hỗ trợ để giảng dạy, cùng thiết kế lại bài thực hành... Để làm được, ngoài việc viết đề án thì từng chương trình tiên tiến phải có cam kết với một trường ĐH nước ngoài bằng văn bản "Giúp xây dựng chương trình, giáo trình, xây dựng hệ thống thư viện và bài tập thực hành".

  • Kiều Oanh - Cam Lu

Bài 2: Học phí đô la và ông thầy English

Bạn nghĩ gì về "mối giao duyên": Giảng đường "nội", giáo trình "ngoại"?

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,