Một hình thức học đang được khuyến khích trong nhà trường: thảo luận và trao đổi nhóm, thay vì ghi chép toàn bộ lời thầy giảng |
Để chứng minh cho nhận định của mình, anh bạn rủ tôi cùng vào dự một buổi học của lớp báo chí.
Trước khi thầy giáo vào lớp, trước mặt mỗi sinh viên đều có một cuốn vở đã mở sẵn, một cây viết bi. Giảng viên ngồi vào bàn và bắt đầu cầm micro đọc. Thầy cứ việc đọc và sinh viên hoàn thành bổn phận chép. Có vài cái máy ghi âm được đặt trên bàn.
Hôm ấy, cũng tham gia chép bài với sinh viên và quả thật, tôi không thể làm được gì ngoài việc chăm chú để ghi đúng những gì thầy giáo đọc.
Tôi đã viết như một cái máy, và không thể biết mình đang viết gì. Thỉnh thoảng, có vài sinh viên giật mình thức tỉnh vì bị rơi viết.
Giờ giải lao, đánh bạo mượn 3 cuốn vở của ba sinh viên khác nhau. Bên cạnh những hàng chữ tương đối ngay ngắn lại có những hàng chữ không thể đọc ra với lời giải thích: "Ngủ gật đấy!". 5 tiết học, tôi ghi được 8 tờ A4, kín mít chữ.
Th, sinh viên năm II khoa Văn của trường ĐHKHXH & NV kể: không ngủ gật mới lạ! Nhiều giáo viên có giọng đọc chầm chậm như đang ru ngủ. Vừa ghi bài, vừa ngủ gật nên câu được câu mất. Tụi em thường phải mượn vở mấy bạn ngồi bàn đầu để đối chiếu lại.
Cái khái niệm đã là đi học thì phải mang theo tập vở đã trở thành tiêu chí đánh giá một học sinh, sinh viên. Ngay từ bé, các bậc phụ huynh đã đánh giá sự chăm ngoan của con em mình bằng cách kiểm tra xem có ghi chép bài vở đầy đủ không.
Nguyễn Trung Hiếu, cựu sinh viên trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết: "Có lần đi vô trường, bị bảo vệ hỏi đi học sao không mang theo vở. Riêng các bạn ở chung khu nhà trọ thì khẳng định, đi học mà không mang theo tập vở thì đích thị là đi chơi. Nếu không ghi bài đầy đủ thì được xem là lười biếng".
Các môn học của khối xã hội, chuyện chăm chú ghi ghi chép chép của sinh viên đã được "khen" là chăm chỉ.
Mới đây, vô tình lạc vào một lớp Trung cấp điện của một trường khá nổi tiếng ở TP.HCM. Giảng viên vừa đưa lên bảng một mô hình điện. Dưới giảng đường, tất thảy sinh viên đều cắm cúi vẽ vẽ ghi ghi. Chỉ đến khi giảng viên nói lớn: "Các bạn bỏ viết xuống, nghe tôi giảng bài đã. Tôi sẽ để thời gian cho các em viết". Tuy thầy giáo nói thế, nhưng một vài sinh viên vẫn tay cầm thước, tay cầm bút vẽ nốt mô hình. Vẽ xong mô hình, thầy giáo cũng đã hướng dẫn xong cách bắt mạch điện, nối dây.
Còn nhớ, thời học phổ thông ở quê, tôi được học thêm môn toán với thầy N.V.Thành (thầy chỉ dạy thêm ở nhà, không đi dạy ở trường) và nhiều lần chứng kiến cảnh thầy vứt tập chúng tôi ra sân vì cái tội chăm chỉ chép bài.
Ai đời đi học thêm môn toán, vậy mà trong khi thầy giảng về những con số trên bảng, chỉ dẫn cặn kẽ từng góc độ, hình ảnh thì học sinh lại chăm chú viết viết, vẽ vẽ. Thỉnh thoảng thầy dừng lại để nhắc nhở: '"Các em gấp vở lại, chú ý nghe giảng, hiểu bài hẳn rồi ghi". Ít học sinh nào chịu làm theo lời thầy.
Tệ hại hơn, một học sinh lên bảng giải bài tập thầy cho, các học sinh khác ngồi dưới chuẩn bị để chép bài giải, kết quả vào vở. Không ai suy nghĩ, cũng chẳng ai vật vã để giải bài toán và tìm ra cách giải mới. Mà điều này, thầy thường nhắc chúng tôi.
Ngày ấy và bây giờ, cách học cũng không khác mấy. Thầy giáo một mình nhìn những mô hình, những con số trên bảng. Sinh viên thì cặm cụi với trang vở của mình. Đến bao giờ, sinh viên mình không còn "chăm chỉ" như hiện nay?
-
Đoan Trúc
Ý kiến của bạn: