(VietNamNet) - GS Donald Eugene Hanna, giảng viên trường ĐH Wisconsin – Madison, học giả của chương trình Fulbright đang làm việc tại ĐHQG TP.HCM nhằm tìm hiểu công tác đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH; đồng thời tư vấn cho nhóm thực hiện đề án “Thí điểm đánh giá chất lượng giảng dạy tại ĐHQG TP.HCM".
GS Hanna đã có hơn 25 năm công tác trong lĩnh vực giáo dục ĐH và hơn 15 năm tham gia hoạt động kiểm định, đã giữ một nhiệm kỳ 5 năm trong Hội đồng Tư vấn Kiểm định thuộc Hiệp hội các trường Trung Bắc Mỹ (North Central Association of Colleges and Schools), tham gia hơn 20 đoàn đánh giá chất lượng với tư cách chuyên gia đánh giá ngoài, đồng thời còn là tác giả của 4 cuốn sách về quản lý giáo dục và đánh giá chất lượng giáo dục ĐH.
Dưới đây là ý kiến của ông về "một công việc mới mẻ, vừa khởi động của giáo dục ĐH VN" - công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
Ở Mỹ, việc đánh giá chất lượng đã làm gần 100 năm nay - lâu nhất thế giới. Hệ thống này phát triển không có sự can thiệp của Nhà nước. Tất cả các trường tự ngồi lại với nhau và tự đặt ra tiêu chuẩn chất lượng. Cho nên hệ thống đánh giá chất lượng chấp nhận và khuyến khích sự đa dạng hóa giữa các trường với nhau, có trường đánh giá 2 năm, có trường 4 năm. Cái quan trọng nhất đặt lên hàng đầu trong đánh giá chất lượng giáo dục ĐH là sự cho phép và đa dạng hóa.
Việt Nam đã làm được bước quan trọng như "Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường ĐH" của Bộ GD-ĐT…Tuy nhiên, đây là giai đoạn nền móng nên cần cân nhắc những quy định hiện nay. Cách làm hiện tại là khuyến khích sự đa dạng chứ không phải chỉ có một loại trường. Sự giống nhau không đáp ứng được nhu cầu giáo dục hiện tại.
Ở Việt Nam, sự đa dạng hóa đang bắt đầu. Nên, nếu có đánh giá thì cũng phải bắt đầu tính đến việc đánh giá khuyến khích sự đa dạng hóa. Nếu mình quy định chặt quá sau này sẽ bóp nghẹt đa dạng hóa.
Việt Nam đang xây dựng cơ chế đánh giá chất lượng giáo dục thì phải tính đến lâu dài sẽ phải cho phép sự đa dạng như thế nào. Bởi, nếu không đa dạng những quy định thành những hệ thống định hướng tương lai thì cuối cùng sẽ chỉ có một loại trường. Đây là giai đoạn đặt nền móng, phải xem xét yếu tố kiểm định chất lượng giáo dục đa dạng các loại trường khác nhau: công lập khác, tư thục khác…
Để khuyến khích sự đa dạng trong đảm bảo chất lượng, nhắm tới mỗi trường có một mục tiêu, đối tượng khác nhau.
Chẳng hạn, ĐHQG TP.HCM có mục tiêu đào tạo ưu tú thì đánh giá chất lượng phù hợp mục tiêu đó.
Tôi có cảm giác VN muốn chuẩn hóa hơn là để nâng cao chất lượng. Nếu không đạt chuẩn đó thì… ráng đủ chuẩn chứ không phải thực sự là đạt được mục tiêu mình muốn làm.
Mục tiêu của đánh giá chất lượng là nâng cao chất lượng của từng đơn vị cho đạt mục tiêu của nó chứ không phải là trường này hơn trường kia. Nếu xếp hạng thì ngay lập tức, người ta sẽ cạnh trạnh nhau đạt vị trí cao.
Mặt trái của xếp hạng là các trường sẽ có khuynh hướng giấu đi những cái gì mình chưa làm tốt. Trong khi, mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục là cùng nhau phát hiện ra những điều chưa tốt để người khác nhìn vào mình như người bạn giúp mình và nhìn nhận ra; chia sẻ kinh nghiệm thông tin với nhau để cùng nâng cao chất lượng. Điều này là mục đích chứ không phải là nếu vì xếp hạng mà chuẩn hóa thì dễ chạy theo thành tích.
- Cam Lu (ghi)