(VietNamNet) - 3 nhà vô địch "Đường lên đỉnh Olympia" bật mí gì về công việc hiện nay của họ và bí quyết học tiếng khi "đùng một cái", được đi học nước ngoài?
Sáng ngày, 25/09 tại nhà Văn hoá Thanh niên, đông đảo học sinh, sinh viên, phụ huynh đã đến tham gia cuộc giao lưu với 3 nhà vô địch Olympia: Trần Ngọc Minh (1999-2000), Võ Văn Dũng (2002-2003), Đỗ Lâm Hoàng (2003-2004).
Ngọc Minh đang là nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ ngành mạng thông tin, Minh nhận được học bổng do trường ĐH Kỹ thuật Swinburne trao tặng vì thành tích học tập xuất sắc. Hiện Minh đang là Giám đốc tiếp thị của Open Your Hearts - một tổ chức từ thiện trợ giúp cho trẻ em tàn tật, bất hạnh của Australia. Võ Văn Dũng đang là cử nhân ngành Hệ thống thông tin và cử nhân Kinh doanh của ĐH Kỹ thuật Swinburne. Còn Đỗ Lâm Hoàng, đầu tháng 12 này sẽ là sinh viên của trường ĐH Swinburne. Hoàng sẽ học chuyên ngành kỹ sư công nghệ viễn thông và Internet tại ĐH này.
Càng nhiều từ vựng càng tốt!
Được học bổng tại Australia sau những vòng đua trí tuệ gay cấn, nhưng với kỹ năng Anh ngữ khi chuẩn bị đi du học không phải nhà leo núi nào cũng sẵn sàng tâm thế.
Đỗ Lâm Hoàng, vừa thi đạt IELTS 6.0 bật mí: "Biết được điểm yếu của mình, nên Hoàng cố đầu tư kỹ năng nghe nói. Mỗi ngày, dành ra 10-15 phút để luyện 2 kỹ năng này". Thường ngày, mỗi buổi sáng đánh răng xong, Hoàng thường đứng trước gương để luyên kỹ năng nói của mình. Hoàng tự làm giám khảo cho chính mình, và tìm cách sửa những cách phát âm sai.
Trong vòng 6 tháng học ngoại ngữ, Hoàng tậu về cho mình khá nhiều sách báo tiếng Anh. Với Hoàng, đọc để tăng cường vốn từ vựng thì mới nâng cao được những kỹ năng khác. Cũng như nhiều học sinh-sinh viên, trong thời gian học cấp 3, Hoàng chỉ học tập trung học kỹ năng viết và đọc. Và bây giờ, Hoàng có thể nghe nói lưu loát tiếng Anh. Hai chữ mà Hoàng dành cho môn ngoại ngữ là: "chịu khó".
Điều kiện để học tốt môn ngoại ngữ cũng chỉ là học nhiều từ vựng. Minh quan niệm: "Biết nhiều từ vựng thì mới có vốn mà giao tiếp được". Sau một năm học ĐH Swimberne, Minh có thể nắm bắt được bài giảng của giáo viên.
Càng bớt nhút nhát càng hay!
Với Võ Việt Dũng, bí quyết là ở chỗ đừng lo lắng về kỹ năng nghe nói tiếng Anh của mình. "Người Úc đã quen với việc nghe người ngoại quốc nói tiếng Anh không chuẩn rồi. Các bạn cứ giao tiếp vô tư đi, người Úc có thể hiểu được".
Mất một năm trời, sang học tại Swinburne, Minh không hiểu hết bào giảng của giáo viên. Đọc sách cũng không hiểu hết nội dung của nó. Đã vậy, vì ngại ngùng về khả năng nói tiếng Anh của Minh, nên Minh ít giao tiếp với bạn bè, thầy cô. Dần dà, Minh phát hiện ra, làm thế chỉ thiệt mình, và cô bạn nhận ra lợi ích của việc học nhóm. Thế là, Minh mạnh dạn giao tiếp với bạn bè, cùng bạn bè tổ chức học nhóm, chỉ sau một năm, Minh có thể hiểu được giáo viên đang nói gì.
Với Minh, cách học ngoại ngữ tốt nhất là tiếp xúc với người bản xứ. Hồi phổ thông, Minh cũng không quan tâm đến kỹ năng nghe nói tiếng Anh của mình. Chỉ sau khi đoạt cúp vô địch, Minh mới bắt đầu đầu tư vào ngoại ngữ. Những ngày đầu, Minh cũng rất ngại tiếp xúc, trò chuyện với người nước ngoài. Vì, trước khi nói, cứ sợ mình nói sai, sợ người ta không hiểu mình.
Thư viện là "nơi thường trú" của Minh. Bạn bè muốn kiếm Minh thì đến thư viện, những ngày trống tiết, Minh cũng đến thư viện. Điều mà Minh tâm đắc nhất ở trường ĐH là được tự chủ về thời gian. Chính vì thế, Minh sắp xếp thời khoá biểu để có thời gian làm việc khác hoặc để đến thư viện đọc sách.
-
Đoan Trúc