(VietNamNet) - Hôm nay, khoảng 160.000 thí sinh trượt NV1 nhưng đủ điều kiện bắt đầu vào cuộc đua mới, quyết liệt không kém 2 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ đầu tháng 7. Sẽ có hơn 74.000 thí sinh được nhập học "nhờ" cơ hội này. Không ít ý kiến băn khoăn: NV2,3 có thực sự đem lại sự ổn định trong suốt quá trình học hay chỉ là "bến đỗ" tạm thời như nhiều thí sinh quan niệm....
NV2: Bến đỗ tạm thời?
NV2 là cơ hội và cũng là giải pháp trú chân với những thí sinh tham vọng hơn Ảnh LAD). |
Kinh nghiệm tuyển sinh cho thấy: tuyển NV2 bao giờ cũng có chất lượng hơn NV1, vì thí sinh có kết quả điểm cao hơn nhưng không ổn định. Phó phòng Đào tạo Viện ĐH Mở Hà Nội, Phạm Đức Vọng than, tâm lý nhà trường muốn tuyển NV1 đối với tất cả các ngành. Nhưng, căn cứ tình hình thực tế chỉ tiêu và điểm của các khối ngành của trường thì Hội đồng tuyển sinh quyết định năm nào cũng dành từ 10 - 20% cho việc xét tuyển NV2 để nâng chất lượng đầu vào.
Tuy nhiên, việc xét NV2 cũng đặt trường trước nguy cơ mất học sinh. Hàng năm có tới 30% thí sinh nhập học NV2 xin chuyển NV học. Những thí sinh này thường nhập học 1 học kỳ rồi xin bảo lưu kết quả để sang năm thi tiếp - ông Vọng nêu.
Hai năm đầu thực hiện 3 chung, trường không cho thí sinh bảo lưu kết quả - ông Vọng cho biết. Sau đó, xét đến thực tế là quyền được bảo lưu của các em khi có lý do chính đáng, như ốm đau, hoàn cảnh không theo học được có xác nhận của địa phương... thì trường lại cởi mở hơn.
Những lý do bảo lưu phải được nhà trường kiểm chứng là hợp lệ. Nhưng, thời gian đâu để đi xác minh tất cả đơn xin bảo lưu của thí sinh?! Do đó, tỷ lệ "di cư" sang trường khác phải giải quyết hàng năm cũng chiếm khoảng 15% trong số thí sinh xin bảo lưu kết quả.
Ở
ĐH Dân lập Thăng Long, mỗi năm chỉ tiêu xét tuyển NV2 chiếm tới 85 - 90% tổng chỉ tiêu tuyển mới. Hiệu trưởng Phan Huy Phú thông tin, đây là chủ trương không hạ thấp yêu cầu đầu vào nên thực tế NV1 tuyển được rất ít. Tuy nhiên, thống kê hàng năm số sinh viên giảm khoảng 10% sau một năm nhập học. Có hai lý do dẫn đến "hụt" chỉ tiêu đào tạo là: sinh viên không theo được chương trình học hoặc chuyển sang trường khác.Phó Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Đông Đô, Đàm Quang Giang cho hay: 4 năm gần đây, năm nào nhà trường cũng phải đối mặt với tỷ lệ 10% (từ 100 - 150 sinh viên) trên tổng số sinh viên nhập học "dứt áo ra đi" sang các trường khác.
Chấp nhận điểm thấp còn hơn để sinh viên "xí chỗ"
Sự kém ổn định khi tuyển NV2 khiến nhiều trường đi đến quyết định tuyển 100% chỉ tiêu NV1 cho chủ động. Thạc sỹ Trần Đình Lý - chuyên viên tuyển sinh lâu năm của trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cứ mỗi mùa tuyển sinh lại than thở về cái nỗi "sân bay quá cảnh" của NV 2, 3. Theo ông, thà tiếp nhận thí sinh có điểm thấp hơn một chút so với điểm cần tuyển miễn cưỡng, nhưng thí sinh này có đúng NV vào trường thì sẽ tốt hơn là những em mượn tạm ghế giảng đường.
Động thái khác để giữ "chân" thí sinh, nhiều trường đã ban hành quy định không được chuyển trường khi đã nhập học. Học viện Kỹ thuật Mật mã năm nay xét tuyển tới 90 chỉ tiêu NV2 ngành An toàn thông tin. Theo phó Phòng đào tạo Đỗ Thành An, rút kinh nghiệm năm trước có một số thí sinh nhập học NV2 sau một năm bỏ... đi thi trường khác, Học viện không giải quyết rút hồ sơ và sinh nhiều phức tạp.
Năm nay, Học viện quy định "cứng" từ đầu: trúng tuyển NV2 thì không được dự thi trường khác để thí sinh xác định rõ tư tưởng khi nộp đơn xét tuyển. Tránh tình trạng nhập học rồi năm sau lại "nhấp nhổm". Đây đồng thời cũng là biện pháp hạn chế xu hướng nhập học với mục đích "xí chỗ" để trốn nghĩa vụ quân sự của không ít thí sinh trượt NV1 hiện nay.
Ông Đàm Quang Giang nhìn nhận: những thí sinh thi ĐH đạt điểm cao được xét tuyển vào trường Đông Đô theo NV hầu như năm sau đều thi tiếp vào các trường công lập. Đó là nguyện vọng chính đáng vì xã hội nhìn nhận danh tiếng các trường dân lập thấp hơn, cơ sở vật chất không bằng các trường công lập mà học phí lại cao...
Chỉ tiêu xét tuyển NV2 vào các trường ĐH dân lập năm nay là 21.000 TS (chiếm khoảng 60% tổng chỉ tiêu xét tuyển NV2 vào ĐH). Tuy nhiên, trong số đó sẽ lại tiếp tục xảy ra tình trạng đổ dồn hồ sơ nộp vào những khoa, ngành hấp dẫn.
Theo ông Đỗ Duy Dự, thư ký Ban chỉ đạo tuyển sinh (Bộ GD - ĐT), để giúp các trường đỡ khó khăn về nguồn tuyển, Bộ đã cho phép các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, các trường đào tạo nhân lực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Bắc, Tây Nguyên… được xét tuyển theo điều 33 của Quy chế tuyển sinh (mức chênh lệch giữa các đối tượng trên 1 điểm nhưng không quá 2 điểm, ưu tiên khu vực từ 0,5 điểm trở lên nhưng cũng không quá 2 điểm). Với ưu đãi này, nhiều thí sinh có kết quả thi 10 - 11 điểm cũng sẽ có cơ hội đỗ ĐH.
Gọi dư chỉ tiêu để...bù chỗ trống!
Mỗi năm "chảy máu" khoảng 100-150 SV sang các trường khác, ĐH dân lập Đông Đô đành "lực bất tòng tâm". Biết rằng, để thực sự "hút" thí sinh có tâm lý học ổn định tại trường thì phải cải thiện cơ sở vật chất đồng thời nâng cấp chất lượng đào tạo...
Nhưng sớm nhất cũng phải 3 năm nữa mới giải quyết được hai vấn đề này. Nâng chất lượng đào tạo và tuyển sinh đầu vào là biện pháp lâu dài trường đặt ra để giữ các em ổn định học tập. Cho nên, đối với những thí sinh có điểm thi lần 1 cao hy vọng thi lần 2 đậu trường khác thì nhà trường vẫn tạo cơ hội - ông Giang nói.
Cách giải quyết được nhiều trường áp dụng là gọi dư một số chỉ tiêu nhất định để "bù đắp" cho những chỗ trống từ các sinh viên mượn tạm ghế giảng đường. Theo ông Phạm Đức Vọng, để đảm bảo đủ chỉ tiêu xét tuyển NV2, Viện ĐH Mở Hà Nội thường gọi dư 30% chỉ tiêu. Cụ thể: nếu chỉ tiêu là 100 thì phải gọi 130 thí sinh... Kinh nghiệm làm tuyển sinh trong 4 năm thực hiện 3 chung cho thấy: NV2 bao giờ cũng "ảo" nhiều hơn NV1. Thông thường, đối với NV1 trường chỉ gọi dư từ 115% - 120% là đủ chỉ tiêu; nhưng NV2 phải gọi dư nhiều hơn từ 130% - 140% tùy từng ngành mới đủ chỉ tiêu.
Lý giải về việc sau một năm sinh viên có NV chuyển trường, phó trưởng Phòng Đào tạo Học viện Mật mã, Đỗ Thành An cho biết: ở từng trường đều có những ưu khuyết điểm khác nhau không thể đáp ứng hết NV của thí sinh. Đối với Học viện, cũng có sinh viên tự ý bỏ đi thi nhưng không được sự đồng ý của Hiệu trưởng.
Do đó, nếu nói nguyên nhân có phải vì chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu để sinh viên bỏ đi thì cũng chưa thể nói một cách cụ thể. Ông An dẫn dụ, muốn đánh giá đúng chất lượng đào tạo sinh viên các nhà quản lý giáo dục phải tập hợp cả quá trình đào tạo trong suốt 5 năm; đồng thời, đánh giá được hiệu quả sau đào tạo. Nghĩa là, phải có phản hồi từ hiệu quả công tác làm việc thực tế nữa thì mới chính xác.
Tuy nhiên, đối với các trường được bao cấp đầu ra thì việc đánh giá được thuận lợi hơn. Nhưng, những trường sinh viên tốt nghiệp tự mầy mò tìm đầu ra thì việc đánh giá không dễ. Theo ông An, vấn đề các trường xem xét chất lượng đào tạo để "hút" thí sinh cũng chỉ là một nguyên nhân. Sâu xa hơn, vẫn là việc định hướng nghề cho học sinh hiện nay phải được rõ ràng phù hợp với thực tế...
-
Kiều Oanh