(VietNamNet) - Năm học 2005 - 2006 không tổ chức thi mà xét tốt nghiệp THCS. Làm thế nào để đảm bảo chất lượng phổ cập bậc học này; đồng thời, rà soát, đánh giá phân loại nhà giáo và giải quyết đối với giáo viên không đủ điều kiện tiếp tục giảng dạy...Đó là những vấn đề trọng tâm được bàn bạc tại hội nghị Giám đốc (GĐ) Sở cả nước do Bộ GD - ĐT tổ chức ngày 15/8.
Giáo viên: Cần "cách mạng" sàng lọc
Hiện tượng giáo viên "vừa thừa vừa thiếu" khá phổ biến ở nhiều địa phương. Đặc biệt là giáo viên tiểu học vì số học sinh bậc học này năm nào cũng giảm. GĐ Sở GD - ĐT Cà Mau Thái Văn Long cho hay, bình quân 1 năm, tỉnh dôi dư gần 2.000 giáo viên tiểu học, số HS tiểu học giảm 12.000.
Thực tế, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường đạt loại khá, giỏi nhưng không có việc làm; trong khi đó, không ít giáo viên đứng trong hàng ngũ lại không đủ năng lực chuyên môn... Từ đó, Bộ cần phải có chủ trương cụ thể để sàng lọc đội ngũ vừa đảm bảo chuyên môn, lại không thừa về số lượng.
Giải quyết tốt vấn đề sàng lọc cũng đồng nghĩa với việc sẽ giải quyết được tình trạng đào tạo lãng phí ở các trường sư phạm hiện nay. Do đó, cần phải có một cuộc "cách mạng" trong sàng lọc giáo viên. Kiến nghị của ông Long cũng là mong muốn của nhiều nhà quản lý giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Lý giải cho chất lượng giáo dục chưa có chuyển biến rõ nét , GĐ Sở GD - ĐT Hải Phòng Trần Xuân Đình nêu nguyên nhân chủ quan là do đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn nhiều bất cập. Cùng với đó là những điều kiện làm nên chất lượng còn quá khó khăn như cơ sở vật chất, trang thiết bị...Số lượng trường đạt tiêu chuẩn quốc tế trong nước còn đếm trên đầu ngón tay.
Ông Đình kiến nghị: Nhà nước cần có cơ chế chính sách đầu tư ngang tầm với mục tiêu đặt ra "Giáo dục là quốc sách hàng đầu". Thực tế, việc làm còn khoảng cách quá xa so với lời nói. Cần quan tâm đến "xa lộ" giáo dục đào tạo như "xa lộ" giao thông và "xa lộ" công nghệ thông tin...Ông dẫn dụ: Khi kinh phí đầu tư xây một cái Cầu Bính mất 1.000 tỷ đồng. Nếu mức tiền này được đầu tư cho nâng chất lượng giáo dục của Hải Phòng thì chắc chắn sẽ giáo dục Hải Phòng sẽ "đổi đời"...
Bỏ thi: Chất lượng có "buông"?
2005 - 2006 là năm học đầu tiên bỏ thi tốt nghiệp THCS. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo chất lượng phổ cập bậc học này?
Giám đốc Sở GD - ĐT TP HCM Huỳnh Công Minh cho rằng, nếu Bộ GD - ĐT cho phép thì địa phương sẽ tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10. Bởi bỏ thi tốt nghiệp thì phải tổ chức tuyển sinh để lấy độ phân hóa để phân biệt trình độ học sinh đưa vào các hệ trường công lập, dân lập...sẽ khách quan hơn. Nếu Bộ cho phép thì môn thi sẽ gồm ba môn Toán, tiếng Việt và Ngoại ngữ.
Ông Nguyễn Tất Thắng, GĐ Sở GD - ĐT Nam Định cho hay, các phương án đảm bảo chất lượng giáo dục bậc THCS trong năm học 2005 - 2006 sẽ được thực hiện ngay từ những ngày đầu năm học. Việc không thi tốt nghiệp THCS cũng đồng nghĩa với việc kiểm định chất lượng cần được đẩy mạnh hơn. Song song với đó, phải có biện pháp quản lý hiệu quả tránh tình trạng học thêm dạy thêm tràn lan...
Theo GĐ Sở GD - ĐT Hải Phòng Trần Xuân Đình, như vậy, kiểm định chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Nếu không, rất dễ có hiện tượng "thầy dạy qua loa và học sinh cũng chỉ chú trọng vài môn học chính"...Nếu mà tốt công tác kiểm định kéo theo nhiều vấn đề chất lượng của giáo dục được nâng lên.
Do đó, Hải Phòng đặt 3 vấn đề kiểm định trong năm học mới gồm: Kiểm định chất lượng dạy và học; kiểm định chất lượng học của học sinh và kiểm định chất lượng quản lý của cán bộ quản lý giáo dục.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Lê Quán Tần, việc bỏ thi tốt nghiệp THCS không có nghĩa là bỏ đánh giá. Tuy nhiên, phương pháp đánh giá có thay đổi vì trước đây đánh giá theo năm và kết thúc bằng kỳ thi cuối cấp. Nay, bỏ thi sẽ có 4 vấn đề đặt ra cần phải giải quyết trong năm học này.
Cụ thể là: quản lý tốt việc thực hiện chương trình lớp 9, tránh tâm lý học sinh có thi tốt nghiệp thì mới dạy và học; Các địa phương đánh giá khách quan đối với học sinh trong suốt năm học; Cùng với đó phải quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo công bằng trong các quận, huyện, tránh tình trạng nếu không tổ chức thi thì sẽ có xu hướng đánh giá lỏng lẻo, chất lượng thấp nhưng kết quả cao...
Vấn đề cuối cùng phải có biện pháp khi bỏ thi, thay bằng giấy chứng nhận tốt nghiệp cũng không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh vào lớp 10. Ông Tần cho hay, mặc dù chưa có quyết định chính thức về môn thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng một số địa phương đề xuất thi 3 môn: Toán, Văn và Ngoại ngữ.
Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Minh Hiển: "4 vấn đề "nợ" cần giải quyết |
Nhìn lại năm học 2004 - 2005 toàn ngành còn 4 việc vẫn còn nhiều bất cập đặt ra. Cụ thể là: chất lượng giáo dục (kể cả giáo dục văn hóa và giáo dục toàn diện) vẫn là vấn đề "nóng" vì việc phân luồng chưa tốt. Công tác giáo dục nghề nghiệp, giáo dục địa phương chưa nhiều dẫn đến định hướng nghề nghiệp từ địa phương còn yếu.
Vấn đề thi cử nặng nề, tốn kém mặc dù làm được nhiều việc nhưng dân vẫn kêu nhiều; đặc biệt là những sai sót trong đề thi và đáp áp năm học vừa qua làm giảm lòng tin của dân nhiều...Vấn đề này, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục phải chịu trách nhiệm. Hai vấn đề tiếp còn nhiều tồn tại là quá tải trong chương trình và SGK. Các tiêu cực trong ngành vẫn chưa giải quyết triệt để. Cụ thể như: dạy thêm học thêm, quay cóp...tuy không phổ biến nhưng nếu không nghiêm túc nhìn nhận từ một cái nhỏ có thể sẽ trở thành khối "u" của ngành. 4 vấn đề còn "nợ" trên phải giải quyết trong năm học 2005 - 2006. Việc xét tốt nghiệp THCS và tuyển sinh lớp 10, theo Luật GD sửa đổi thì quyền quyết định thuộc về các địa phương. Các nhiệm vụ còn lại là: Vấn đề chuyển các trường bán công sang công lập là vấn đề khó không thể làm ngay được. Phải có lộ trình cụ thể vì giáo dục ĐH khác, mầm non khác, THPT khác...; rà soát sắp xếp lại đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; đẩy nhanh kiên cố hóa trường lớp; Tập trung ưu tiên phát triển giáo dục dân tộc và vùng khó khăn; Đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục THCS; Việc đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm phải gắn chặt với đổi mới giáo dục phổ thông.. |
-
Kiều Oanh