(VietNamNet) - Đạt huy chương Vàng, Bạc, Đồng và kể cả đạt giải khuyến khích tại hội Hội thi tay nghề ASEAN (tháng 9/2004), 16 thợ trẻ vừa được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ. Những người có tay nghề cao đã được trân trọng không kém các thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba quốc gia trong các môn văn hóa (cũng vào thẳng ĐH).
Các thợ trẻ trong niềm vui nhận giải thưởng cuộc thi tháng 9/2004 (Ảnh: H.A) |
Thực tế, có 27 trường hợp được tuyển thẳng năm nay nhưng cuối cùng, chỉ có 16 thợ giỏi đăng ký tuyển. Các trường hợp còn lại đang học ĐH, đã có việc làm ổn định hoặc chưa tốt nghiệp THPT (và sẽ được bảo lưu kết quả).
Để trở thành thợ giỏi, góp phần đem lại kết quả chung cuộc nhất toàn đoàn cho Việt Nam tại Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ V, những thợ trẻ độ tuổi mười tám, đôi mươi này đã trải qua quá trình dài phấn đấu. Họ cũng là những người kiên định với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình vì lâu nay nhiều HS cùng độ tuổi sau khi tốt nghiệp phổ thông vẫn coi học nghề "hạ sách", là "chuột chạy cùng sào...".
Đỗ Công Nguyên (sinh năm 1982, đầu bếp khách sạn Hilton) là một trong số 16 trường hợp được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ sau khi đoạt huy chương tại Hội thi tay nghề ASEAN. Hàn h trình chọn nghề, hướng nghiệp của chàng trai này có rất nhiều chi tiết thú vị, đủ viết thành một cuốn tự truyện - như dự định của Nguyên (xem bài chi tiết tại đây).
Các thợ trẻ nhận bằng khen từ Thủ tướng Phan Văn Khải sau Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ V |
Năm 2005, Nguyên là một đại biểu tại Đại hội hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, nhận bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động. Vinh dự vượt quá cả những dự tính trên con đường anh chọn. Hướng đi của Nguyên hiện tại là tiếp tục học lên, nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề. Tháng 9 này, Nguyên nhập học ngành Du lịch - Khách sạn, ĐH Thương mại để thực hiện ước mơ trở thành người truyền nghề.
Những trường hợp như Nguyên không còn hiếm. Ngày càng có nhiều bạn trẻ sớm khẳng định mình nhờ con đường ngoài quỹ đạo ĐH. Đối với một nghề khác là may mặc - mà Nguyễn Thành Yên (sinh năm 1983, ở Nam Định) đang theo đuổi - cũng vậy. Tình yêu nghề và tinh thần học hỏi là cách Yên lựa chọn để theo đuổi và đi tới thành công.
Ít ngày trước khi nhận bằng tốt nghiệp CĐ Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp I (Nam Định), Yên nhận được quyết định của Bộ về việc được tuyển thẳng vào ĐH cho dù "chỉ đạt chứng chỉ chứ không đoạt Huy chương trong Hội thi tay nghề". Yên xác định rõ, đó là "một thành công bước đầu, hỗ trợ một phần cho sự nghiệp của tôi sau này".
Tốt nghiệp phổ thông, hướng đi của Yên không phải những cuộc thử sức trước các cổng trường ĐH mà là học đúng nghề mình có thế mạnh, đó là may mặc. Yên không thấy ngại khi mọi người hỏi đến và nói mình học trung cấp, rồi sau lên cao đẳng nghề may. Yên nói: "Vấn đề là tôi có thuộc số những người giỏi nhất trong nghề mình học hay không".
Nguyễn Thành Yên thành thục với từng đường may |
Thành công lớn nhất đối với Yên không phải những giải thưởng mà đó là việc mình "luôn phấn đấu hết mình với nghề, khi ra trường thì đã học hỏi được nhiều điều từ tất cả các thầy dạy nghề".
Mong được đào tạo đúng thực tế!
Hà Anh Thái ở Đồng Nai, sau khi đoạt giải ba trong cuộc thi tay nghề quốc gia 2004 nay làm việc tại công ty may Đồng Nai đồng thời là SV tại chức ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Lê Thái Sơn, HCV Hội thi tay nghề ASEAN, đang có vị trí tốt tại Tổng Công ty Dệt may VN kiêm giảng dạy tại trường Kỹ thuật cắt may và thời trang (Gia Lâm, Hà Nội). Ngô Đăng Lam, giải nhất quốc gia, HCV nghề điện dân dụng đang là SV CĐ Công nghiệp Hà Nội... Họ là những ví dụ thuyết phục cho mệnh đề "ĐH không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công".
Đỗ Công Nguyên vừa đến Tokyo (Nhật Bản) 10 ngày để tham quan, nâng cao tay nghề theo tiêu chuẩn của khách sạn Hilton. Nguyên tâm sự rất thật, bây giờ cậu chỉ có thể ngủ một ngày khoảng 4, 5 tiếng. Tới đây đi học, thời gian sẽ căng hơn rất nhiều. Nguyên muốn điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện gia đình và công việc... và sẵn sàng hy sinh một số nhu cầu bản thân cho những mục tiêu được ưu tiên.
Là con gái, tất nhiên, Nguyễn Thành Yên không tránh khỏi sự "sốt ruột" nếu tiếp tục "cày" thêm 5 năm ĐH. "Giá có hệ liên thông đại học thì tốt, mình khỏi phải phân vân trước việc tới đây sẽ rời quê Nam Định lên Hà Nội học khoa CN may mặc, ĐH Bách Khoa hay học chuyên tu chỉ 2 năm thôi...". Điều kiện kinh tế cũng là một trở ngại với Yên. Tuy nhiên, Yên cũng rất tự tin, vì với kỹ năng nghề nghiệp của mình, Yên có thể vừa học vừa làm để trang trải thêm, điều khó khăn với đa phần SV. "Quan trọng là tiếp thu thêm kỹ năng, công nghệ sản xuất công nghiệp chứ không phải thủ công như trước, cộng với rèn luyện tư duy tổ chức để tôi thực hiện nguyện vọng trở thành người giảng dạy sau này".
16 trẻ thợ trẻ ham mê phấn đấu, có những suy tư, nguyện vọng và lý tưởng riêng về nghề là một con số rất nhỏ. Tuy nhiên nó là sự thể hiện của việc người có tay nghề cao được trân trọng không kém người đoạt giải nhất, nhì, ba quốc gia trong các môn văn hóa (được vào thẳng ĐH). Số người có tay nghề cao ở Việt Nam cần được nhân lên gấp nhiều lần mới có thể tránh được "cơn sốt thiếu thợ".
Đợt ưu tiên tuyển thẳng này của Bộ GD-ĐT, trong số 27 thợ giỏi đủ điều kiện, chỉ có 16 thợ đăng ký tuyển - bên cạnh một số lý do như đã nêu còn có một nguyên nhân là: việc chuyển tiếp lên ĐH, CĐ chưa thực sự linh động và phù hợp với đặc thù của những người đã có tay nghề. Thời gian học 4, 5 năm ĐH là dài đối với nhiều người đã "có nghề". Sẽ rất khó để những thợ đang có công ăn việc làm ổn định thu xếp thời gian và công việc... Người đã qua thực tế luôn hiểu rõ hơn ai hết yếu tố thực hành trong công việc luôn là điều quan trọng và cần học gì để bám sát thực tế và nhu cầu xã hội.
Trước câu hỏi "điều gì ở các trường dạy nghề cũng như các trường ĐH, CĐ là cần thiết đối với người theo học?", Đỗ Công Nguyên trả lời: "Tôi vào ĐH là để thực hiện mong muốn sau này trở thành người giảng dạy, đào tạo nghề. Tôi muốn nơi mình sẽ học đáp ứng đầu đủ ba yếu tố: có định hướng tốt cho học viên về nghề nghiệp, chất lượng đào tạo nâng cao và chương trình học bám sát yêu cầu thực tế".
-
Bùi Dũng