(VietNamNet) - "Không phải ai du học trở về cũng là những tài năng và trí thức không thể chỉ sống dựa vào Nhà nước" là một luồng ý kiến khác mà bạn đọc gửi tới diễn đàn "Tu nghiệp trời tây: về hay ở" .
Họ tên: Hoàng Hiếu Duy
Địa chỉ: Nottingham - United Kingdom
Email: hoanghieuduy@yahoo.com
Tiêu đề: Không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng
Tôi xin chia sẻ suy nghĩ của nhiều anh chị em lưu học sinh hồi hương của chúng ta, nhất là những người làm công tác nghiên cứu. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cách mà chúng ta được đãi ngộ khi về nước đâu chỉ tùy thuộc và chính sách của Nhà nước. Nó tùy thuộc vào năng lực và “sức cạnh tranh” của chính chúng ta chứ!
Tiếp xúc với nhiều anh chị em lưu học sinh và cán bộ nghiên cứu ở ngoài nước cũng như trong nước, tôi nhận ra một điều hết sức bình thường, ai cũng biết, đó là “không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng”. Nếu bạn từng nghĩ “tất cả những người đi tu nghiệp nước ngoài trở về đều trở thành nguồn lực vô giá làm nên sự thay đổi cho đất nước”, xin vui lòng nghĩ lại!
Không vơ đũa cả nắm, nhưng tôi thật băn khoăn khi biết rằng, không ít lưu học sinh, nghiên cứu sinh của ta đi du học theo các chương trình học bổng của Nhà nước hoặc của nhà tài trợ nước ngoài, vì một lý do “chính đáng” nào đó, đã chú trọng tới việc làm thêm kiếm tiền hoặc tiết kiệm tiền hơn là đầu tư thời gian và tiền bạc cho việc học tập, nghiên cứu.
Với tính chăm chỉ của người Việt chúng ta, các anh chị em có thể hoàn thành chương trình học, nhưng tất nhiên là theo kiểu “trả bài” giống như khi chúng ta còn ở quê nhà.
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy không ít các ứng cử viên thạc sỹ hay tiến sỹ, dù đã sống và học tập ở chính tại mảnh đất của tiếng Anh mà sau 1 năm, rồi 2 năm vẫn không thể diễn đạt gãy gọn được một ý tưởng thông thường bằng ngôn ngữ này…
Như thế, điều hiển nhiên là họ không bao giờ có thể có một chỗ đứng mà họ mong muốn tại một viện nghiên cứu, một tập đoàn hay một tổ chức quốc tế trên đất Mỹ, Anh, Pháp hay Úc… mà chỉ có thể quay trở về đầu quân cho các viện nghiên cứu, các cơ quan trong nước, nơi mà họ đã ra đi!
Với tâm lý xã hội còn nặng nề về bằng cấp và có phần “sính ngoại” ở trong nước, các lưu học sinh khi trở về thường có xu hướng kỳ vọng hoặc đòi hỏi một sự đãi ngộ cao hơn.
Điều đó là chính đáng, nếu kỹ năng và nghiệp vụ của họ được kiểm chứng là thực thụ. Nhưng, việc kiểm chứng đó phải thông qua năng lực làm việc của họ chứ không phải qua mấy tấm bằng.
Những người có năng lực thực sự chắc chắn chiến thắng trong sự đào thải của “thị trường lao động”, sẽ phát triển được trong mọi môi trường, và đóng góp của họ cho đất nước nói chung là hiên thực, không phân biệt việc họ làm việc cho một cơ quan nhà nước, một công ty nước ngoài hay một tổ chức quốc tế.
Với tất cả những ý kiến tản mạn đó, tôi muốn chia sẻ suy nghĩ: chúng ta hãy chú trọng đến sức cạnh tranh của mình trước, hãy tự cứu mình trước khi nhờ nguời khác cứu.
Và, cũng với ý kiến đó, tôi cho rằng chúng ta hãy linh hoạt hơn, chủ động hơn, đừng ỷ lại vào nhà nước để rổi lại oán trách nọ kia.
Đã đến lúc chúng ta phải khẳng định với nhau trí thức không thể chỉ sống dựa vào Nhà nước và ngược lại, bạn vẫn có thể đóng góp cho đất nước một cách tốt nhất nếu bạn thành công trong một công ty tư nhân, một tập đoàn nước ngoài, một tổ chức quốc tế, và chừng nào bạn còn giữ cho mình dòng máu Việt.
Họ tên: KIEU ANH
Địa chỉ: Hoan Kiem, Ha Noi
Email: quochoi@gmail.com
Tiêu đề: Nhiều người du học về trình độ vẫn kém
Tôi cũng đã nhận được bằng thạc sỹ sau khi du học tại Pháp. Về nước, thi vào Bộ Tư pháp nhưng không qua được vì không có quen biết gì và những môn thi chẳng đánh giá được năng lực thi sinh.
Sau một thời gian, tôi cộng tác với một số nơi và bây giờ đã mở một văn phòng luật sư riêng. Nghĩ lại, tôi thấy rằng, kiến thức học được bên pháp quá nhỏ bé và cũng chẳng đủ để làm việc tại Việt Nam trong các văn phòng tử tế.
Tôi không nghĩ người có bằng bằng thạc sỹ hay tiến sỹ gì đó mà có trình độ cao hơn người khác. Nhiều thạc sỹ, tiến sỹ luật từ Nga, Nhật, Úc, Pháp đã từng xin vào văn phòng luật sư của tôi. Nhưng sau 2 tháng thử việc, tôi phải từ chối nhận chính thức vì họ chẳng biết gì vệ luật VN để tư vấn cho khác hàng hay viết các chuyên đề nghiên cứu cả. Nhiều người thua cử nhân tốt nghiệp tại Việt Nam. Không phải cứ du học là giỏi giang gì đâu.
Theo dòng sự kiện:
Mời các bạn tham gia diễn đàn cùng VietNamNet. Các ý kiến chọn đăng tải đều được hưởng chế độ nhuận bút. Để tiện cho việc liên lạc, mong các bạn ghi địa chỉ liên lạc cụ thể (Việc đăng tải địa chỉ hay không, VietNamNet sẽ trao đổi với các bạn).